Ngày 17-7, nhiều người dân đã kéo tới Nhà máy Sản xuất sô-đa Chu Lai (Công ty CP Sản xuất sô- đa Chu Lai) vì cho rằng hàng loạt ao cá nuôi bị chết là do nhà máy xả thải.
Không lẽ phải bỏ đi!
Sáng 21-7, đặt chân đến đầu thôn Đại Phú, xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, chúng tôi đã cảm nhận mùi hôi từ Nhà máy Sản xuất sô-đa Chu Lai theo luồng gió xộc vào mũi. Tiến vào phía sau hồ chứa chất thải, dù đã chuẩn bị khẩu trang nhưng mùi hôi quá khó chịu khiến chúng tôi không khỏi buồn nôn. Theo quan sát của chúng tôi, nhà máy có xây dựng 2 bể chứa nước thải khá rộng, tại hồ chứa thải có một đường dẫn nước thẳng ra môi trường đã được lấp lại dang dở, bên cạnh đó là một đường mương khác vừa được đào nhưng chưa dẫn nước. Nếu xả thải, nước từ 2 mương này sẽ chảy thẳng ra ao cá của người dân.
Tại các hồ này, xác cá chết nổi rất nhiều, hôi thối nồng nặc. Cố vớt vát những con cá chết đưa về cho vịt ăn, bà Lê Thị Hồng (SN 1969, ngụ thôn Đại Phú) cho biết cá trong 5 ao nuôi của gia đình bà bỗng nhiên chết hàng loạt từ ngày 17-7. Khoảng 2,5 tạ cá mới lớn dự kiến sẽ thu hoạch trước mùa mưa lũ nay mất trắng. “Ở đây, dân không có đất sản xuất vì đã cấp hết cho các nhà máy. Đất ở những ao cá này cũng đã bị thu hồi rồi nhưng chúng tôi không biết khi nào di dời nên bao năm qua vẫn bám víu để sản xuất nuôi sống gia đình. Giờ đây, bỗng dưng tay trắng mà không biết phải kêu ai” - bà Hồng than thở.
Theo ông Lê Minh Xạ, trưởng thôn Đại Phú, trước việc làm tắc trách của công ty, ngày 17-7, hàng trăm người dân đã kéo đến nhà máy yêu cầu giải thích, đồng thời gọi lực lượng công an và chính quyền xã lập biên bản vụ việc. “Dân chúng tôi ở đây không thể chịu nổi nữa rồi, nhiều lúc nghĩ không lẽ mình phải bỏ xứ mà đi” - ông Xạ nói.
Cá chết do nước thải độc hại
Ông Nguyễn Văn Ninh, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hiệp, cho biết sau khi người dân phản ánh, xã đã phối hợp với lực lượng công an lập biên bản vụ việc và gửi báo cáo lên huyện đề nghị có biện pháp xử lý. “Tại hiện trường, ghi nhận có tình trạng cá chết hàng loạt, khả năng là do nước thải từ nhà máy sô-đa” - ông Ninh nhận định.
Về thông tin nhà máy sô-đa đã từng gây ra tình trạng cá chết, ông Ninh cho biết trước đó, người dân phản ánh từ ngày 4 đến 6-6, trong quá trình nhà máy hoạt động thử nghiệm đã xả thải ra môi trường làm cá chết và phát sinh tiếng ồn ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Ngày 24-6, Ban Quản lý Khu Kinh tế mở Chu Lai chủ trì cùng các đơn vị liên quan kiểm tra thực tế thì công ty đã lấp cống xả thải ra môi trường, không ghi nhận có tình trạng cá chết. Tuy nhiên, trong biên bản của đoàn kiểm tra nhận định có tình trạng nước thải từ nhà máy ra môi trường nên đã yêu cầu công ty khắc phục nhưng nay lại xảy ra sự vụ trên.
Theo ông Trương Văn Trung, Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành, chiều 20-7, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện đã đến hiện trường để kiểm tra, thực tế có tình trạng như người dân phản ánh. UBND huyện Núi Thành đã có văn bản gửi Ban Quản lý Khu Kinh tế mở Chu Lai đề nghị phối hợp kiểm tra lại chất lượng môi trường và hệ thống thoát nước của nhà máy. Nếu có tình trạng nhà máy xả thải ra môi trường thì phải yêu cầu bồi thường thiệt hại cho người dân và xử lý nghiêm theo pháp luật.
Liên tục chết do ung thư
Ông Nguyễn Văn Ninh cho biết nhiều năm trở lại đây, thôn Đại Phú và 2 thôn lân cận của xã Tam Hiệp có rất nhiều người chết do bị bệnh ung thư. Vào năm 2005, khu vực này cũng đã đưa vào quy hoạch và tiến hành kiểm kê tài sản nhưng đến nay chưa có dự án nào triển khai nên chưa thể giải tỏa. Trong khi đó, xã đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên nhưng do không có kinh phí nên cũng chưa thể di dời.
Bình luận (0)