Thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Yên cho thấy hiện tỉnh này có gần 2.500 người bị bệnh tâm thần. Trong đó, chỉ có 17 người đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội Phú Yên, số còn lại đang sống trong cộng đồng. Còn theo thống kê của Bệnh viện Tâm thần Thanh Hóa, chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2014, có 1.744 người mắc bệnh tâm thần đang điều trị tại gia. Ở Quảng Nam, con số này mới thật sự choáng: 7.373 người. Tiếng là điều trị tại gia nhưng nhiều người bị tâm thần không được quản lý đúng mức dẫn đến những hậu quả khó lường.
Tay ném đá thiện nghệ
Đến xã An Hiệp, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, nghe nhắc đến bà Nghiêm (tên thật là Lê Thị Sang, SN 1951), ai cũng lắc đầu. Bà có tiếng là người chửi không biết mệt và là tay ném đá thiện nghệ. Bà Nghiêm có 2 đời chồng và 4 người con. Bà phát bệnh từ hơn 10 năm trước, người chồng thứ hai của bà không chịu nổi bỏ đi. Nhà nghèo, không tiền chạy chữa cho mẹ, các con của bà đành sống cùng những cơn điên ngày càng dày của mẹ. Ngoài chuyện phải nghe mẹ chửi suốt cả đêm lẫn ngày, nhiều lần mấy anh em còn phải dắt díu nhau chạy trốn mỗi khi bà lên cơn đánh đập.
Hoàn cảnh gia đình bà Nghiêm hiện rất nghèo khó Ảnh: HỒNG ÁNH
Gia đình ngán một thì hàng xóm ngán bà Nghiêm mười bởi “tài” ném đá. Nhà bà Nghiêm ở gần đường. Ai qua lại cũng phải rón rén, không dám lớn tiếng, nếu không sẽ bị bà ném đá ngay. Có lần, không hiểu sao bà trèo được lên ngọn rơm cao và mang theo cả túi đá. Cứ vậy, bà vừa chửi vừa ném đá ra đường mỗi khi có ai qua lại. “Tôi ở gần đây nhưng chẳng bao giờ dám đi qua trước nhà bà Nghiêm. Cứ đồng ruộng mà băng cho yên thân. Mà sao không ai đưa bà ta vào bệnh viện tâm thần để chữa trị, biết đâu sẽ giảm được bệnh. Để vậy vừa tội cho người điên vừa khổ cho hàng xóm?” - bà Nguyễn Thị Hương, ở cùng xóm, nói.
Ông Nguyễn Xuân Sơn chạnh lòng khi nhắc đến con trai Ảnh: TUẤN MINH
Người thân là nạn nhân…
Những người bệnh như bà Nghiêm hiện nhan nhản trong xã hội và mối nguy từ họ không chỉ đơn giản là những cú ném đá. Đã có nhiều vụ án mạng nghiêm trọng do người tâm thần gây ra mà nạn nhân đa phần là người trong gia đình.
Lê Cẩm Quynh (SN 1994) là con út của vợ chồng ông Lê Cẩm Minh (SN 1961) và bà Bùi Thị Lan (SN 1963, ngụ xã Cát Tân, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa). Từ nhỏ, Quynh có biểu hiện không bình thường, học hành dang dở, bỏ nhà đi. Đến đầu năm 2012, Quynh trở về quê khiến xóm làng khiếp đảm bởi thường gây rối đánh nhau, đánh cả bố mẹ. Hàng xóm và chính quyền địa phương thấy vậy khuyên vợ chồng ông Minh đưa Quynh đi điều trị nhưng gia đình bỏ ngoài tai và đưa con trai lên ở trong chòi canh rẫy cách nhà 2 km. Nhiều lần Quynh dùng dao chém bố nhưng may mắn chỉ bị thương. Một buổi trưa tháng 6-2013, may mắn đã không đến khi trong cơn điên, Quynh chém chết bố trên mâm cơm và làm mẹ trọng thương. Khi công an đến bắt, Quynh vẫn còn lảm nhảm : “Nói nhiều, đánh chết đi”.
Những ngày gần đây, đến xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, nhắc đến vụ án người tâm thần giết mẹ và bà ngoại ai cũng xót xa. Lê Quang Lập (SN 1993) mồ côi cha từ nhỏ, sống với mẹ và bà ngoại. Từ 3 năm trước, Lập đột nhiên phát điên và được mẹ là bà Trần Thị Thi đưa vào Bệnh viện Tâm thần Quảng Nam điều trị. Đầu tháng 6-2014, thấy con đỡ bệnh và cũng vì không còn tiền nên bà Thi đưa Lập về nhà, ai ngờ... Trưa 10-7, Lập lên cơn điên đập phá đồ đạc trong nhà và đánh bà ngoại. Thấy vậy, bà Thi chạy đi báo công an. Khi trở về thì phát hiện bà ngoại của Lập đã chết ở hiên nhà. Bà Thi hô hàng xóm tới giúp và mượn xe đạp chạy ra ngoài thì bị Lập đuổi theo dùng mỏ lếch đánh chết.
Theo BS Trịnh Văn Anh, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Thanh Hóa, mỗi năm bệnh viện có khoảng 15.000-17.000 lượt người đến khám bệnh. Con số này rất ít so với thực tế bởi người bị bệnh bao giờ cũng phủ nhận mình bệnh, trong khi gia đình lại thờ ơ, xem nhẹ. BS Anh cho biết nhiều gia đình lấy cớ do bận bịu hoặc công việc không cho phép để phó mặc người bệnh cho bệnh viện. Chính điều này dẫn đến nhiều người sau khi điều trị khỏi bệnh cho về cộng đồng lại phát bệnh trở lại dẫn đến những hành động tàn ác.
Còn theo BS Dương Thanh Cường, Phó trưởng Phòng Tổ chức Hành chính Bệnh viện Tâm thần tỉnh Quảng Nam, hiện ngoài các bệnh nhân gây án thì chưa có luật nào bắt buộc những người bị bệnh tâm thần phải điều trị tại bệnh viện. Bởi vậy, nhiều trường hợp điều trị chưa đến đâu thì gia đình xin về nhà, bệnh viện có thuyết phục cũng chẳng được. Hậu quả là người bệnh về cộng đồng quậy phá hoặc gây án.
Kỳ tới: “Mồi ngon” cho yêu râu xanh
Phản đối đưa người điên về làng
Dù đã 5 năm trôi qua nhưng người dân thôn 9, xã Xuân Phúc, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhắc lại vụ giết người chấn động. Ngày 8-8-2009, sau khi sát hại vợ, Nguyễn Văn Hùng (SN 1970) xách dao chạy sang nhà hàng xóm chém chết 2 cháu nhỏ là Nguyễn Hoành Anh (8 tuổi) và Nguyễn Anh Tú (3 tuổi). Hai năm sau ngày gây án, Hùng được xác định mắc bệnh tâm thần phân liệt và có quyết định trả về địa phương. Hay tin, nhiều người dân xã Xuân Phúc kéo đến UBND xã phản đối quyết liệt nên việc không thành. Ông Nguyễn Xuân Sơn (SN 1934, cha Hùng) ngậm ngùi: “Giờ tôi cũng không biết nó ở đâu, sống chết thế nào. Làm cha, làm mẹ có ai muốn con cái mình làm cái việc thất đức thế đâu…”.
Bình luận (0)