Cách trung tâm TP Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa) khoảng 1 km, bãi rác Cồn Quán là nỗi khiếp sợ của hàng ngàn hộ dân ở các phường Phú Sơn, Đông Thọ và các xã Đông Tân, Đông Lĩnh… Gần đây, bãi rác này quá tải, phình ra khiến người dân không ăn ngon ngủ yên, cuộc sống đảo lộn do khí độc.
Ngủ phải đeo khẩu trang
Có mặt tại bãi rác Cồn Quán, chúng tôi không khỏi bất ngờ trước núi rác khổng lồ chỉ che chắn sơ sài bằng mấy tấm bạt. Mùi hôi thối nồng nặc cả một vùng. Chị Lê Thị Hương (ngụ xã Đông Lĩnh) bức xúc: “Trong các cuộc họp, tiếp xúc cử tri, chúng tôi nhiều lần kiến nghị về tình trạng ô nhiễm từ bãi rác này. Thế nhưng, bãi rác vẫn không được di chuyển mà ngày một ô nhiễm nặng hơn. Ruộng đồng quanh đây mất mùa thường xuyên vì mỗi lần mưa lớn là nguồn nước đen ngòm, hôi thối từ bãi rác tràn ra đồng”. Còn bà Nguyễn Thị Tuất (ngụ phường Phú Sơn) thì nói tối đi ngủ vừa đóng cửa kín mít vừa đeo khẩu trang mà vẫn ngửi thấy mùi thối, nhiều gia đình đã chuyển nhà hoặc cho con em đi nơi khác để học.
Ở tỉnh Nghệ An, bãi rác Bến Hương (phường Hòa Hiếu, thị xã Thái Hòa) hình thành tự phát từ năm 1991 và bình quân mỗi ngày tiếp nhận 3-5 tấn rác. Kể từ khi có bãi rác này, hàng trăm hộ dân quanh đó phải sống chung với mùi hôi thối, nước bẩn. Chị Phan Thị Linh (ngụ phường Hòa Hiếu) bức xúc: “Nắng thì hôi thối nồng nặc, mưa thì nước thải chảy thẳng vào nhà. Khổ nhất là những hôm họ chất rác đốt là cả xóm không thở được vì khét. Ruồi nhặng nhiều vô kể, nhiều hôm ăn cơm phải mắc màn”. Bao bóng, giẻ rách… trùm lên hàng trăm ngôi mộ trông rất đau lòng. Không chỉ vậy, bãi rác Bến Hương còn đe dọa trực tiếp đến đập Khe Bưởi do đập này chỉ cách đó khoảng 10 m, là nơi cấp nước nông nghiệp cũng như nước sinh hoạt cho nhiều hộ dân ở thị xã Thái Hòa.
Ông Phạm Văn Thạch, Chủ tịch UBND thị xã Thái Hòa, cho biết: “Do bãi rác gây ô nhiễm nặng, thị xã đã có kế hoạch đóng cửa, đồng thời có phương án xử lý lượng rác thải tồn đọng từ nhiều năm tại bãi rác này”. Tuy vậy, những kế hoạch mà ông Thạch nói có vẻ như vẫn chỉ trên giấy, còn tại hiện trường thì hiển hiện quá nhiều điều để bức xúc.
Chịu hết nổi!
Tại TP Vinh, bãi rác Đông Vinh (xã Hưng Đông) có diện tích 6 ha, bình quân mỗi ngày tiếp nhận khoảng 200 tấn rác. Sau nhiều năm hoạt động, đến năm 2011, bãi rác này đóng cửa nhưng khi chúng tôi đến vẫn thấy cả núi rác các loại khoảng hàng trăm ngàn tấn chưa được xử lý. Đây chính là nguyên nhân gây ô nhiễm, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của hàng trăm hộ dân. Anh Nguyễn Văn Cương (ngụ xã Hưng Đông) bất bình: “Lúc bãi rác ngừng hoạt động, các ngành chức năng hứa sẽ có biện pháp xử lý toàn bộ số rác thải tồn đọng tại bãi nhưng đã 3 năm qua rồi mà không thấy xử lý gì cả. Nỗi lo nhất hiện nay của người dân chúng tôi là nước thải từ bãi rác ngấm sâu vào lòng đất gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước ngầm. Bức xúc quá nên chúng tôi phải nhiều lần phản ánh lên chính quyền xã và thành phố nhưng cũng chẳng được gì”.
Tại tỉnh Hà Tĩnh, tình hình các bãi rác gây ô nhiễm cũng diễn ra tại nhiều địa phương. Điển hình là bãi rác ở thị trấn Kỳ Anh. Bãi rác này hình thành đã trên 10 năm với diện tích khoảng 7.000 m2, bình quân mỗi ngày tiếp nhận chừng 30 tấn rác. Khi chúng tôi đến, bãi đang chứa hàng trăm ngàn tấn rác và gây ô nhiễm nghiêm trọng đời sống của 600 hộ dân ở các khu phố Hưng Lợi, Hưng Hòa. Mùi hôi thối nồng nặc từ đây còn xộc thẳng vào các phòng học của hơn 2.000 học sinh Trường THPT Kỳ Anh dù ở cách bãi rác hơn 100 m.
Một người dân ở khu phố Hưng Lợi ngán ngẫm: “Sống ở đây cực khổ lắm. Suốt ngày phải chịu đựng mùi hôi thối, ruồi, muỗi. Người lớn còn chịu được, thương nhất là các cháu nhỏ ốm đau, bệnh tật thường xuyên”. Bãi rác này nằm cạnh sông Trí nên nước thải từ bãi rác tràn xuống đã gây ô nhiễm nặng nguồn nước sông.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại xã Tam Xuân 2, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Đi vào hoạt động từ tháng 4-2012, khu xử lý rác thải tại thôn Bích Sơn (xã Tam Xuân 2) gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân quanh vùng. Bà Hồ Thị Hồng (ngụ xã Tam Xuân 2) cho biết từ khi khu xử lý rác thải tại thôn Bích Sơn hoạt động, cuộc sống của người dân ở đây đảo lộn vì mùi hôi thối và khói bụi. Nhiều lần, do chịu không nổi, người dân đã dùng vật dụng chặn đường các xe chở rác thải.
Hủy diệt nguồn nước
Tại tỉnh Quảng Nam, nhiều năm qua, việc xả thải bừa bãi tại xã Tam Quang, huyện Núi Thành, không chỉ gây ô nhiễm môi trường sống, làm mất cảnh quan mà còn góp phần hủy diệt nguồn nước. Tại bến neo đậu tàu thuyền của thôn An Hải Đông (xã Tam Quang) cách khu vực cảng Kỳ Hà vài chục mét là một bãi rác sát mép sông tồn tại đã lâu. Mỗi khi người dân ra vào cảng là phải bịt mũi nín thở. Cũng ở huyện Núi Thành, việc thu gom rác thải trên địa bàn xã Tam Xuân 2 chỉ ưu tiên cho tuyến Quốc lộ 1A nằm dọc các thôn Phú Nam Bắc, Phú Nam Đông, Phú Khê Đông, chợ Bà Bầu và các cơ quan, trạm y tế. Các địa bàn còn lại, rác thải chủ yếu do người dân tự thu gom, xử lý tại chỗ, số không thu gom xử lý thì vứt bừa bãi ra môi trường.
Kỳ tới: Đảo xa cũng ngập rác
Bình luận (0)