Vụ người dân làng bè trên sông Cái (một nhánh sông Đồng Nai) ở TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai khóc ròng vì chỉ trong một vài đêm mà cá chết hàng loạt, thiệt hại hàng tỉ đồng đang gây sự chú ý của dư luận. Trong khi đó, nhìn rộng ra, với hàng loạt vấn nạn mà sông Đồng Nai phải đối mặt, ô nhiễm đang là thách thức không dễ dàng giải quyết.
Hứng chịu nhiều dòng nước thối
Nhiều năm qua, tỉnh Đồng Nai đã rất nỗ lực trong việc chống ô nhiễm cho dòng sông Đồng Nai, cụ thể với các bước chiến lược như lập phương án di dời KCN Biên Hòa 1 nằm sát bên sông; cải tạo các dòng suối hôi hám, bẩn thỉu như suối Linh, Săn Máu; đầu tư hệ thống quan trắc nhằm phát hiện và nhanh chóng khắc phục ô nhiễm trên toàn địa bàn. Tuy nhiên, có thể do đặc thù của một tỉnh công nghiệp nên tình hình ô nhiễm vẫn trầm trọng, sông Đồng Nai đang trong cảnh thường xuyên phải “kêu cứu”.
Từ khu vực làng bè trên sông Cái, chúng tôi xuôi thuyền xuống một đoạn ngắn đã là KCN Biên Hòa 1. Hai bên bờ, cứ cách một khoảng lại thấy hệ thống cống xả nước thải từ các nhà máy, khu dân cư. Người dân làng bè cho biết cách đây 4 năm, một lần cá nuôi cũng bị chết nhiều như hiện nay. Lúc đó, cơ quan chức năng xác định là do chất thải từ một nhà máy gần đó và buộc phải bồi thường. Do vậy lần này, họ không tin cá chết là do dòng nước “đứng” hay mật độ nuôi quá dày vì một số cá tự nhiên ở trên sông cũng bị chết. Theo quan sát của chúng tôi, nước thải từ các hệ thống cống 2 bên bờ có chỗ đen đặc, sủi bọt dù theo quy định đều phải qua xử lý đạt chuẩn.
Không chỉ tại khu vực làng bè, hệ thống nước thải của TP Biên Hòa hiện vẫn là áp lực khủng khiếp đè nặng lên sông Đồng Nai. Khảo sát khắp TP, chúng tôi chứng kiến những dòng nước đen ngòm từ suối Linh, Siệp, Săn Máu, Bà Lúa sau khi hứng chịu chất thải sinh hoạt từ nhiều khu dân cư đều đổ ra sông Đồng Nai. Khu vực Công viên Nguyễn Văn Trị (phường Thanh Bình), hệ thống cống thải đổ ra từ các nhà dân 2 bên bờ và từ Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cũ cứ ngày đêm ì oạp. Bên bến đò An Hảo, cạnh ngã tư Vũng Tàu, hệ thống cống thải từ KCN Biên Hòa 1 quanh năm xả không ngừng…
“Biên Hòa là TP trực thuộc tỉnh có dân số lớn nhất cả nước với khoảng hơn 1 triệu người và 5 KCN kề cạnh tất nhiên là áp lực lớn cho sông Đồng Nai. Nếu không giám sát tốt thì nguy cơ dòng sông và người dân chịu ảnh hưởng nặng nề là khó tránh khỏi” - một người dân ngụ TP Biên Hòa nói.
Mối đe dọa khủng khiếp
Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai (Ủy ban sông Đồng Nai) trong cuộc họp tổng kết vào cuối năm 2015 đã đưa ra nhiều con số đầy thách thức về sông Đồng Nai. Đại tá Dương Văn Linh, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống tội phạm về môi trường - Bộ Công an, còn gay gắt gọi đó là những con số… khủng khiếp. Theo báo cáo từ cơ quan cảnh sát bảo vệ môi trường, hiện trên toàn bộ lưu vực sông Đồng Nai có đến hơn 4.500 điểm xả thải đổ vào các sông, suối rồi chảy về sông Đồng Nai. Mỗi ngày, lưu vực sông này tiếp nhận trên 480.000 m3 nước thải từ các KCN và các cơ sở sản xuất. Dọc lưu vực sông tồn tại hơn 220 bệnh viện nhưng nhiều nơi không có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Ngoài ra, có hơn 400 làng nghề, hàng ngàn cơ sở chăn nuôi dọc lưu vực sông mỗi ngày xả ra khoảng 150.000 m3 nước thải, gần 1 triệu m3 nước thải sinh hoạt. “Đó thật sự là con số khủng khiếp, đáng báo động” - ông Linh khẳng định.
Riêng tỉnh Đồng Nai, chỉ số quan trắc gần đây nhất cho thấy chất lượng nước tại hơn 100 điểm ở các sông, suối, hồ trên địa bàn đều bị ô nhiễm nặng. Đứng đầu danh sách vẫn là các vùng đông dân cư, KCN như suối Linh, Săn Máu (TP Biên Hòa); suối Điệp, Nước Trong (huyện Long Thành). Kết quả quan trắc cho thấy nước tại các địa điểm trên không thể dùng cho cả việc tưới tiêu.
Tham gia nghiên cứu và điều tra nguồn xả thải cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhiều năm qua, PGS-TS Phùng Chí Sỹ, Tổng Thư ký Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, cho biết đoạn sông Đồng Nai chảy qua TP Biên Hòa có mức độ ô nhiễm cao trong lưu vực sông Đồng Nai. “Nguồn gây ô nhiễm chủ đạo là nước thải sinh hoạt và công nghiệp. Vấn đề ô nhiễm sông Đồng Nai hiện quá nguy cấp nhưng 11 tỉnh, thành trong lưu vực hiện nay chỉ Bình Dương và TP HCM có nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt nhưng cũng xử lý được phần rất nhỏ. Do đó, giải pháp cần kíp và có thể thực hiện ngay là kiểm soát các nguồn xả thải, phát hiện và ngăn chặn những cơ sở sản xuất - dịch vụ… xả thải lén ra môi trường” - ông Sỹ đề nghị.
Sạt lở cũng là tai họa
Nếu như tình trạng ô nhiễm đang là vấn nạn thì tai họa sạt lở bên sông Đồng Nai từ phía quận 9, TP HCM hoặc tỉnh Bình Dương đến tỉnh Đồng Nai, người dân trong phút chốc trôi cây vườn, nhà cửa… lại chẳng biết kêu ai. Tại các xã Bình Hòa, Bình Lợi (huyện Vĩnh Cửu); Long Tân, Phước An (huyện Nhơn Trạch); các phường Long Bình Tân, Bửu Long và xã cù lao Hiệp Hòa (TP Biên Hòa), nhiều đêm người dân phải thay nhau canh “cát tặc” để chống sạt lở, giữ đất. Một số vùng khác, các công ty nhân danh nạo vét đồng thời khai thác cát ào ạt cũng khiến người dân hết sức bất an.
Ông Lê Phúc, ngụ phường Bửu Long, có 2 ha đất hoa màu sát bờ sông, mấy năm nay “cát tặc” chọn gần nơi này làm ăn, vườn đất nhà ông bị khoét hàm ếch vào sâu hơn 3 m, có nơi sạt lở đến 5 m, mấy sào đất coi như mất trắng. Bà Bùi Hải, ngụ xã Hiệp Hòa, có căn nhà ven sông êm đềm gió mát. Thế nhưng, “cát tặc” hoạt động ầm ĩ, đất ven sông sạt dần rồi vách nhà bà cũng sụp xuống. “Người nuôi cá mất vốn làm ăn cả tỉ đồng có thể đòi bồi thường; còn tôi trôi nhà cửa, đất đai, gia sản nhưng nào biết kêu ai” - bà Hải chua xót.
Nước ngày càng mặn
Nhiều năm trở lại đây, sông Đồng Nai có biểu hiện gia tăng độ mặn và xâm nhập lên thượng nguồn theo thủy triều. Một kết quả quan trắc cho thấy vào mùa khô, độ mặn của nước đoạn ở cầu Đồng Nai (TP Biên Hòa) có lúc tăng lên đến 10 lần. Theo đánh giá ban đầu, nguyên nhân do vào các mùa khô, hồ Trị An không tích đủ nước để đẩy nước mặn xâm nhập theo thủy triều.
Bình luận (0)