Đồng Nai là con sông nội địa lớn nhất Việt Nam chảy qua 11 tỉnh từ Tây Nguyên qua miền Đông Nam Bộ, xuống khu vực Đồng Nai, Bình Dương, TPHCM, là vùng phát triển kinh tế năng động bậc nhất và đóng góp một phần rất lớn cho thu nhập quốc dân của đất nước. Sông có mức độ đa dạng sinh học cao với nhiều vườn quốc gia (VQG), trong đó có VQG Cát Tiên nổi tiếng, được công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới và là khu bảo tồn đất ngập nước Ramsar.
Đang trong giới hạn căng thẳng
Tuy nhiên, so với các lưu vực sông khác của Việt Nam, tài nguyên nước trên đầu người lưu vực sông Đồng Nai vào loại rất thấp, trung bình 2.296 m3/người/năm (so với trung bình của cả nước là 9.300 m3/người/năm). Với sự gia tăng dân số, sự phát triển kinh tế mạnh mẽ, nguồn nước sông Đồng Nai đã và sẽ chịu nhiều áp lực: suy thoái - cạn kiệt do sử dụng quá mức và ô nhiễm. Theo tiêu chuẩn quốc tế, “mức độ căng thẳng trung bình” bắt đầu với ngưỡng khai thác là 20% và mức căng thẳng cao là trên 40%. Với mức độ sử dụng hiện tại, sông Đồng Nai tiến tới giới hạn căng thẳng.
Sông Đồng Nai là lưu vực có tiềm năng thủy điện khá lớn, việc khai thác thủy điện lưu vực sông đã bắt đầu từ những năm 1960 với thủy điện Đa Nhim ở thượng lưu và Trị An ở hạ lưu. Sự phát triển trở nên mạnh mẽ hơn rất nhiều bắt đầu từ những năm 1990. Với kế hoạch hàng chục thủy điện trên dòng chính và các dòng nhánh lớn, dòng sông bắt đầu bị chia cắt ngày càng mạnh, số lượng công trình thủy điện rất dày, trên dòng chính Đồng Nai là 14 công trình trên chiều dài sông là 420 km; sông La Ngà 5 công trình trên 290 km sông và Sông Bé là 6 công trình trên 350 km sông. Các dòng sông đang “vỡ vụn” do mật độ các công trình thủy điện.
Sự phát triển mạnh mẽ thủy điện trên sông Đồng Nai đang đặt ra những thách thức lớn cho môi trường - sinh thái - sinh kế và vùng đầu nguồn như phá vỡ sinh thái, cảnh quan của phần lớn khu vực thượng và trung lưu của hệ thống sông Đồng Nai. Các tác động tiêu cực của thủy điện như nêu trên đối với môi trường - sinh thái và vùng đầu nguồn ở mức độ khác nhau sẽ diễn ra đối với hệ thống thủy điện sông Đồng Nai, tạo ra thay đổi lớn về cơ cấu dòng chảy tự nhiên xuống các khu vực hạ lưu theo chiều hướng bất lợi: tăng khả năng đe dọa lũ mùa mưa và thiếu nước mùa khô (phần lớn các hồ chủ yếu phục vụ phát điện, nhiều nhà đầu tư tham gia xây dựng, sở hữu và vận hành các bậc thang thủy điện, nhiều yếu tố phát triển bền vững đã không được thực hiện).
Phải dừng 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A
Hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A nằm trong quy hoạch phát triển ngành điện đến năm 2020, dù được chủ đầu tư đánh giá là 2 dự án có hiệu quả kinh tế và tác động ít đến môi trường nhưng một trong những mối lo ngại là các công trình này làm ngập vĩnh viễn gần 200 ha VQG Cát Tiên và tác động đến môi trường của khu Ramsar Bàu Sấu cùng nhiều tác động khác. Chủ đầu tư đã tiến hành thực hiện đánh giá tác động môi trường (ĐTM) vào năm 2010, sau đó là năm 2012. Các báo cáo ĐTM còn nhiều điểm gây tranh luận. Các nhà khoa học, các tổ chức dân sự và địa phương đều cho rằng còn nhiều điều chưa được đề cập, mức độ chuẩn xác của ĐTM chưa đạt.
Quan điểm của người viết cho rằng việc phát triển thủy điện trên các dòng chính và nhánh lớn sông Đồng Nai cần được các nhà quản lý nhìn nhận một cách thận trọng nhất. Nhiều tổn thất không thể tính được bằng tiền. Kinh nghiệm thực tế trong nước, khu vực và quốc tế đã chứng minh điều đó. Việc dừng xây dựng các đập trên sông Đồng Nai nói chung và 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6 A sẽ mang lại lợi ích cho tất cả, trong đó có chủ đầu tư.
Bình luận (0)