Đó là trường hợp của gần 20 hộ dân ở thôn Cư Chánh 1, xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy và tổ 8 phường Thủy Xuân, thôn Ngũ Tây, phường An Tây, TP Huế (Thừa Thiên – Huế) phải sống giữa 2 đường dây điện cao thế là 110 KV tuyến Đông Hà – Huế và 220 KV tuyến Đồng Hới – Huế nhiều năm nay.
Căn nhà cũ của ông Phan Sỹ Khứ bị đường dây điện 220 KV đi ngang qua nhưng chính quyền địa phương cho rằng vẫn trong phạm vi an toàn.
Sợ mưa dông, dây điện đứt
Đường dây điện 110 KV do Công ty Truyền tải điện Thừa Thiên – Huế làm chủ đầu tư được khánh thành vào năm 2005, còn tuyến đường 220 KV do Ban quản lý Các dự án lưới điện miền Trung (thuộc Tổng Công ty Điện lực miền Trung) quản lý và được triển khai xây dựng từ năm 2006.
Tại thôn Cư Chánh 1, xã Thủy Bằng hiện có ít nhất 6 hộ dân đang sống giữa 2 đường dây điện này rất nguy hiểm. Ông Thân Bá Thừa, đại diện các hộ dân này cho biết từ khi 2 đường dây này được đóng điện thì sức khỏe của gia đình ông bị ảnh hưởng rất nặng, chân tay bị tê nhức, thường xuyên đau đầu, vợ ông xuất hiện bệnh đau tim và thường xuyên ngất xỉu.
Trên mảnh vườn của ông rộng gần 3.000 m2 đường dây 110 KV đi sau hồi nhà, còn đường dây 220 KV đi ngang trước nhà, nhà ông chỉ còn cái sân và phần hiên nhà là không bị đường dây điện đi ngang qua.
Đường điện 220 KV đi qua mái hiên nhà ông Nguyễn Văn Ly (thôn Cư Chánh 1) nhưng chính quyền địa phương cho rằng vẫn sống trong phạm vi an toàn
Năm 2009, do sợ sức khỏe của cả gia đình bị ảnh hưởng từ đường dây điện 220 KV đi qua trên nóc nhà, ông Phan Sỹ Khứ (thôn Cư Chánh 1) bỏ ra 300 triệu đồng xây nhà mới, tránh xa đường điện. Ông Khứ cho biết dù căn nhà mới được xây cất cách đường dây điện gần 15 m, nhưng ti vi luôn bị nhiễu sóng, sáng nào thức dậy người cũng mệt mỏi.
Ông Khứ bức xúc nói: “Họ chỉ hỗ trợ cho gia đình tôi 67 triệu đồng gồm cả tiền đền bù cây cối, đất đai, hoa màu. Nhiều lần UBND thị xã Hương Thủy về làm việc, người dân đề đạt nguyện vọng muốn được di dời nhưng họ bảo chúng tôi sống trong giới hạn an toàn nên không chấp thuận”.
Còn ông Nguyễn Văn Ly (90 tuổi), chủ căn nhà nằm lọt thỏm giữa 2 đường dây điện cao thế, trong đó đường dây 220 KV đi sát phần hiên nhà, thì vừa chỉ vào hệ thống chống sét gắn từ mái nhà xuống đất, vừa phàn nàn: “Cứ mỗi lần mưa gió là 2 đường dây điện phát ra âm thanh rất hãi hùng, ai cũng lo sợ dây điện bị đứt, năm trước đường dây 220 KV bị đứt 1 lần rồi. Vợ chồng tôi sống ở đây; buổi sáng thức dậy là bàn chân, bàn tay bị co lại”.
Hơn 10 hộ dân ở tổ 8, phường Thủy Xuân và thôn Ngũ Tây, phường An Tây (TP Huế) nhiều năm nay cũng sống trong tình cảnh sức khỏe và tính mạng bị đe dọa bởi 2 đường dây điện này. Hộ ông Hoàng Văn Quý, tổ 8 có 7 nhân khẩu, đường dây điện 220 KV đi qua trên nóc nhà. “Mỗi lần trời mưa dông, nhà tui cắt hết điện rồi dẫn nhau đi chỗ khác ở vì sợ đường dây bị đứt... Họ chỉ mới hỗ trợ 30% giá trị xây dựng căn nhà chứ chưa đền bù đất đai, cây cối ”, ông Quý cho biết.
Nơi di dời, nơi không
Theo giải thích của ông Phan Văn Thông, Chủ tịch UBND thị xã Hương Thủy, Trưởng ban Đền bù giải tỏa dự án đường dây 220 KV đi qua thị xã Hương Thủy, căn cứ vào Nghị định 106/2005/NĐ-CP về hành lang an toàn lưới điện thì những hộ dân ở thôn Cư Chánh 1 đang sống trong giới hạn an toàn, không bị nhiễm điện nên không thể di dời. “Các lần kiểm tra của các cơ quan chuyên môn cũng cho thấy những hộ dân này không bị ảnh hưởng của dòng điện”, ông Thông khẳng định.
Hệ thống chống sét và rò rĩ điện của gia đình ông Nguyễn Văn Ly được mắc tạm vì sống trong vùng nguy hiểm của đường điện 220 KV
Cũng theo ông Thông, do 6 hộ dân ở thôn Cư Chánh 1 bức xúc và khiếu kiện nhiều nên mới đây Ban quản lý Các dự án lưới điện miền Trung đã đồng ý đền bù, giải tỏa cho di dời tái định cư chỗ khác với khoản tiền gần 1,4 tỷ đồng. “Hiện chúng tôi đang lập phương án tái định cư để trình UBND tỉnh xem xét. Theo đó, 6 hộ dân này sẽ tái định cư xen ghép ở những vùng dân cư khác trong xã. Còn phần đất cũ người dân sẽ được giữ lại để sản xuất hoa màu”, ông Thông cho biết thêm.
Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn tỏ ra lo lắng vì giá đất đền bù thấp nhưng phải bỏ tiền ra mua đất tái định cư ở nơi khác với giá trên 400.000 đồng/m2. Ông Phan Sỹ Khứ, bức xúc: “Chúng tôi chỉ được đền bù với giá 90.000 đồng/m2 thì làm sao đủ tiền mua lại đất và xây dựng nhà để ở được”.
Trong khi đó, 10 hộ dân ở tổ 8, phường Thủy Xuân và thôn Ngũ Tây, phường An Tây (TP Huế) vẫn không được di dời tái định cư. Ông Nguyễn Khánh Phước Hưng, chuyên viên Hội đồng Đền bù và tái định cư TP Huế, người phụ trách đền bù, giải phóng mặt bằng dự án đường dây 220 kV đi qua TP Huế khẳng định những hộ dân này chỉ được hỗ trợ giá trị đất, công trình nằm trong hành lang tuyến chứ không được tái định cư vì họ sống trong giới hạn an toàn cho phép. “Vấn đề di dời tái định cư cho 10 hộ dân này từ trước đến nay chưa có chủ trương”, ông Hưng khẳng định.
Bình luận (0)