xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Sống nhờ… “lây”

Trần Nhã Thụy

Chế độ like trên Facebook không chỉ tạo hứng khởi mà còn làm nên quyền lực cho người chơi.

Nếu là một người chơi Facebook thì điều mà bạn thích thú nhất là gì? Sẽ có nhiều câu trả lời khác nhau nhưng tôi nghĩ trong trường hợp này, chắc chắn sẽ có một đáp án chung. Điều mà mọi người thích thú, phấn khích, lấy làm động lực để từng giờ, từng phút sống trên Facebook là được “lây” (like = thích).

Nhiều khi tôi nghĩ nếu như Facebook bỏ đi công cụ like lẫn comment (ý kiến) thì liệu nó có sôi nổi và hớp hồn người chơi đến thế hay không? Nếu đọc 1 bài viết hay xem 1 tấm hình mà chúng ta chỉ có thể khen hay chê… một mình thì có hào hứng không?

Và nếu như Facebook bỏ like (mà vẫn duy trì các comment) thì chắc hẳn nhiều người sẽ cụt hứng lắm. Vì sao? Vì không phải ai cũng có khả năng viết các comment trao đổi, không phải ai cũng có thời gian để đọc hết các văn bản, suy ngẫm rồi tương tác. Cho nên, cứ like cho nhanh. Không cần đọc cũng like. Không hiểu gì cũng like. Anh like tôi thì tôi sẽ like anh và ngược lại. Hài hước nhất là nhiều người like luôn cả 2 phe đang “choảng” nhau, nghĩa là đúng hay sai gì cũng like tuốt. Lại nghe nói có cả chuyện “mua like”. Nếu như thế thì dân chơi Facebook, đặc biệt là giới trẻ sống nhờ “lây”, sống vì “lây” chứ còn gì nữa?

Nhưng tại sao nhiều người lại thích săn like đến thế? Theo tôi, đây chẳng phải là việc làm phù phiếm dù nó diễn ra trong thế giới ảo. Thử nghĩ xem, like chính là quyền lực của người chơi Facebook. Một người có lượng like vài ngàn đến vài chục ngàn là người có quyền khuynh đảo đám đông. Bất chấp họ viết gì, thông tin đó đúng hay sai nhưng vây quanh họ là một đám đông tưởng chừng bất tận thì rất khó có ai đó dám nói ngược lại họ.

Còn khi nói ngược thì sao? Ngay lập tức sẽ bị đám đông đó ném đá ầm ầm, sẽ “chạy mất dép” hoặc “bưng đầu máu”. Những cú “ném đá” này nhiều khi không liên quan đến nội dung trao đổi mà có thể soi mói vào đời tư, truy bức về thân nhân, thậm chí là bịa đặt, vu khống. Một khi like cho người chơi Facebook quyền lực thì họ càng bị mất kiểm soát trong việc kết bạn, bất chấp tất cả để có like.

Đỉnh điểm của quyền lực ảo là một hành động rất thật của 2 cô gái được cho là “hot girt” hẹn nhau “thách đấu” với nội dung “không làm hòa, chết thì chôn” đã xảy ra ở phố đi bộ Nguyễn Huệ vào tối 3-8 vừa qua. Sự việc lôi kéo hàng trăm thanh niên tụ tập hô hào khiến hàng chục cảnh sát cơ động phải đến giải tán.

Một câu chuyện vừa hài hước vừa cay đắng và có lẽ quái lạ nhất thế giới. Không biết ông chủ Facebook có lấy làm “hoan hỷ” về sự kiện này hay không chứ riêng tôi thì lấy làm xấu hổ.

Dường như có điều gì đó rất bất thường đang diễn ra, từ nhận thức đến hành động, khi đám đông tung hô những “hot girl”, “thánh chém” còn hơn là những con người đang lao động, cống hiến cho xã hội. Thật bất thường khi có rất nhiều người hầu như dành toàn bộ thời gian của mình để làm “anh hùng bàn phím” hơn là hành động, sáng tạo trong đời thực.

Triết gia La Mã Seneca từng nói một câu thấm thía: “Ở mọi nơi tức là không ở đâu cả”. Điều này có vẻ rất đúng với Facebook - bạn ở mọi nơi, tham dự mọi thứ nhưng chỉ đọc lướt, phản ứng quán tính mà ít khi đọc kỹ, nghĩ sâu.

Facebook đã làm gì chúng ta hay chúng ta đã làm gì trên Facebook? Đó nên là câu tự vấn của mỗi người mỗi ngày.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo