xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Sông rạch bị xà xẻo

THU HỒNG - QUÝ HIỀN

Ở TP HCM, tình trạng lấn chiếm sông rạch để xây biệt thự, quán ăn, nhà ở… “nóng” không thua gì nạn xây dựng trái phép đang diễn ra ở các khu vực đô thị hóa. Hành lang sông Sài Gòn, sông Vàm Thuật, sông Chợ Đệm và nhiều con rạch khác bị lấn chiếm vô tội vạ

Nhiều ngày đi tìm hiểu thực trạng này, chúng tôi không khỏi xót xa khi chứng kiến nhiều khu đất nằm trong hành lang an toàn bảo vệ các con sông, rạch lớn như: sông Sài Gòn, Vàm Thuật, Chợ Đệm, Rạch Đĩa; rạch Gò Dưa, Xóm Củi, Ụ Cây, Ông Lớn… bị lấn chiếm, nơi lồi, nơi lõm, không còn hiện trạng như xưa. Thay vào đó là vô số công trình từ nhà cấp 4 cho đến biệt thự cao cấp được xây dựng kiên cố, thậm chí nhiều công trình lấn ra cả mặt nước sông.

img
Dự án Dragon City trên đường Nguyễn Hữu Thọ (huyện Nhà Bè) của Công ty CP địa ốc Phú Long
nằm chễm chệ trên bờ sông Rạch Đĩa. Trong đó, toàn bộ diện tích sân quần vợt
hơn 470 m2 được xây dựng trên hành lang bảo vệ sông Ảnh: THU HỒNG

Tầm nhìn càng đẹp, càng bị lấn chiếm

Địa bàn "nóng" về nạn lấn chiếm sông, rạch là khu vực huyện Nhà Bè, Bình Chánh, quận 2, 9, 8. Không chỉ hàng trăm công trình nhà ở, bờ kè lấn chiếm sông, rạch mà rất nhiều khu đất đã bị các "đại gia" biến thành của riêng, lấn chiếm mở quán ăn, nhà hàng, xây biệt thự nghỉ dưỡng. Từ thị trấn Nhà Bè đi về trung tâm TP, vừa qua cầu Rạch Đĩa nhìn xuống, đập vào mắt chúng tôi là sân quần vợt to đùng thuộc dự án Dragon City trên đường Nguyễn Hữu Thọ (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè), nằm chễm chệ trên bờ sông Rạch Đĩa. Kế đó là một phức hợp hoành tráng với hồ bơi, công viên, câu lạc bộ… Đây là dự án do Công ty CP địa ốc Phú Long làm chủ đầu tư. Đáng nói là toàn bộ diện tích sân tennis hơn 470 m2 (17,5 m x 27 m) đều nằm trên hành lang bảo vệ đường sông. Chưa hết, để kiên cố cho công trình, chủ đầu tư còn ép cọc bê tông dài gần 30 m ở hai vị trí trên sông Rạch Đĩa cũng nằm trong hành lang bảo vệ sông.

Một địa chỉ khác là công trình nhà ở tọa lạc tại số 39 Dương Cát Lợi, khu phố 5, thị trấn Nhà Bè. Công trình này do bà N.T.H đứng tên với chiều dài khu đất khoảng 35 m, kéo dài từ mặt đường Dương Cát Lợi ra đến tận sông Rạch Đĩa (gần cầu Phú Xuân). Sau khi xây 6 căn nhà quy mô 3 tầng (hướng ra mặt đường Dương Cát Lợi) có kiểu dáng châu Âu trên cùng một lô đất để bán với giá 1,4 tỉ đồng/căn, bà H. tiếp tục xây thêm 2 căn nhà tương tự hướng ra sông Rạch Đĩa. Do diện tích cả 2 căn nhà này nằm trên hành lang bảo vệ sông là 165 m2 (12,5 m x 13,2 m) nên bị chính quyền địa phương đình chỉ thi công khiến căn nhà dang dở, phủ rêu xanh, được vây bằng hàng rào tôn.
 
Nhìn 2 căn nhà bề thế bị bỏ hoang, nhiều người không khỏi tiếc nuối. Đứng trên nền nhà cũ, ông Hảo, nhà ngay bên cạnh, tỏ vẻ lo lắng, ông chỉ tay xuống mép nước nói: "Mấy năm nay sạt lở nhiều, chỗ này trước đây là nhà bếp của má tôi nhưng bị sạt lở hết rồi, cả ngôi nhà má tôi ở cũng phải đập bỏ để dời lên phía mặt đường cất nhà ở cho chắc ăn".

Một công trình "đình đám" khác lấn sông Bà Chiêm để làm nhà hàng ẩm thực và karaoke có tên Lạc Hồng, số 5/12B Nguyễn Bình, ấp 1, xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè. Theo Khu Quản lý đường thủy nội địa - Sở GTVT TP HCM, công trình này lấn sông 2,5 m x 19 m, chủ công trình là ông Nguyễn Văn Lắm. Sau nhiều lần Khu Quản lý đường thủy nội địa kiến nghị chính quyền địa phương xử lý, rồi thanh tra xây dựng huyện Nhà Bè đã đến khảo sát nhưng cuối cùng công trình cũng tồn tại và hoạt động sầm uất hơn khi chủ nhà hàng được chính quyền địa phương cấp phép cho tồn tại với lý do: Việc xây công trình dọc sông Bà Chiêm "không ảnh hưởng đến dòng chảy, không gây ô nhiễm môi trường", ngược lại "làm tăng độ kiên cố tuyến đường Nguyễn Bình dọc sông Bà Chiêm" (!?).

img
Chủ đầu tư khu biệt thự tại số 243-245 Ung Văn Khiêm, phường 5, quận Bình Thạnh, TP HCM đã lấn chiếm gần 3.000 m2 đất dọc sông Sài Gòn Ảnh: THU HỒNG

Hàng loạt dự án "với" ra sông Sài Gòn

Không chỉ lấn chiếm hành lang sông rạch một cách tự phát, nhiều dự án nhà ở trên địa bàn quận 2 tiếp giáp sông Sài Gòn cũng nằm ngay trên hành lang bảo vệ sông rạch. Tình trạng này đã đẩy chính quyền địa phương vào tình thế khó xử. Theo quy định tại Quyết định 150 (ngày 9-6-2004) của UBND TP HCM về quản lý, sử dụng hành lang trên bờ sông, kênh, rạch thuộc địa bàn TP, hành lang bảo vệ trên tuyến sống Sài Gòn là 50 m (tuyến cấp I, II), sông Giồng Ông Tố là 30 m (cấp III, IV). Song, trên thực tế, khoảng cách giữa mép bờ cao của sông đến các dự án bên trong phía đất liền chỉ 10-20 m, đặc biệt có nơi chỉ cách…vài bước chân. Một số dự án nhà ở trên địa bàn phường Thảo Điền nằm kế sông Sài Gòn không có bờ kè xây dựng để phân ranh giữa nhà ở và dòng sông.

Khu vực phường Thảo Điền (quận 2) là nơi có nhiều dự án nhà ở nằm giáp sông Sài Gòn. Hầu hết các dự án này đều hình thành và xây dựng từ năm 2000. Nằm ở vị trí đắc địa, dự án của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Chiến Thắng có rất nhiều nhà ở nằm giáp mí sông Sài Gòn. Khảo sát từ một căn nhà có diện tích hơn 600 m2 nằm trong dự án có vị trí nhìn ra mặt sông, chúng tôi không khỏi bất ngờ vì bên ngoài hàng rào của căn nhà là sông Sài Gòn chảy xiết, tàu bè qua lại tấp nập. Chủ nhân đang ở đây là một người nước ngoài, thuê lại căn nhà từ một người Việt Nam. Cách đó 500 m, dự án nhà ở của Công ty TNHH Bảo Tiến cũng có nhiều căn nhà cách sông Sài Gòn chỉ… vài bước chân. Đây chỉ là những dự án xâm lấn sông Sài Gòn điển hình vì trên thực tế, còn rất nhiều dự án nhà ở khác xâm chiếm dòng sông mà chúng tôi ghi nhận được.

Theo thống kê của Phòng Quản lý đô thị quận 2, hiện giáp sông Sài gòn có 41 dự án nhà ở. Số dự án nằm tiếp giáp sông Sài Gòn nhiều nhất đều thuộc phường Thảo Điền (13/18 dự án). Đơn cử như dự án của Công ty TNHH Chiến Thắng có 16 lô đất vị trí tiếp giáp sông, dự án của Công ty TNHH Bảo Tiến có 11 lô đất tiếp giáp sông Sài Gòn, dự án nhà ở Thảo Điền của Công ty Xây dựng và Kinh doanh nhà Phú Nhuận cũng tương tự. Tại một số phường như Bình An, Bình Trưng Tây cũng có không ít dự án nhà ở đã và đang xây dựng có vị trí tiếp giáp với sông, rạch lớn như dự án khu nhà ở của Công ty Xây dựng Thế Minh, dự án khu biệt thự tại phường Bình Trưng Tây của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ xây dựng T.T.

Các công trình nhà ở này dù trước mắt chỉ nằm trên hành lang bảo vệ sông rạch nhưng về lâu dài nếu TP không xử lý kiên quyết, tạo quỹ đất để xây dựng các công trình bảo vệ lòng sông thì hậu quả sạt lở là điều hoàn toàn xảy ra.

Số vụ vi phạm tăng đột biến

Theo ông Nguyễn Bật Hận, Phó chánh Thanh tra Sở GTVT TP HCM, 6 tháng đầu năm 2013, thanh tra sở đã phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền 79 trường hợp vi phạm lấn chiếm sông, kênh, rạch (bao gồm 62 trường hợp tuyến thủy nội địa địa phương và 17 trường hợp tuyến thủy nội địa quốc gia, hàng hải). Số vụ vi phạm tăng đột biến (50%) so với 6 tháng đầu năm 2012, hầu hết là vi phạm xây dựng, sửa chữa nhà trong hành lang bảo vệ bờ sông theo Quyết định 150/2004/QĐ-UBND của UBND TP. Các trường hợp đều được chính quyền địa phương ra quyết định xử phạt, có trường hợp địa phương đã ban hành quyết định áp dụng biện pháp khắc phục trả lại hiện trạng ban đầu nhưng đối tượng vi phạm không chấp hành và chính quyền địa phương không thực hiện theo quyết định ban hành.

Chiếm 3.000 m2 đất dọc sông Sài Gòn xây biệt thự

Nằm dưới chân cầu Thủ Thiêm là công trình nhà hàng, sân golf Him Lam hoành tráng. Dù quy định phải cách mép sông 50 m nhưng bức tường của nhà hàng thực tế cách sông Sài Gòn chỉ 10 m, gần đó là sân quần vợt cũng vươn ra gần sông mà không có một mét hành lang an toàn nào cách sông, duy nhất đoạn bờ kè do chính chủ đầu tư xây dựng trái phép phía bên ngoài.

img
Công trình nhà hàng, sân golf Him Lam hoành tráng nằm dưới chân cầu
Thủ Thiêm cách sông Sài Gòn chỉ khoảng... 10 m Ảnh: THU HỒNG

Tại khu vực Thanh Đa, chúng tôi còn "choáng" hơn khi chứng kiến một căn biệt thự to đùng có quy mô hàng ngàn mét vuông nằm ở số 243-245 Ung Văn Khiêm, phường 25, quận Bình Thạnh. Bên ngoài công trình này dát gỗ với màu vàng đặc trưng khiến những ai đi trên sông qua đây đều bị thu hút ngay bởi tầm nhìn quá đẹp. Được biết, khu biệt thự này chủ đầu tư xây dựng để cho nhiều công ty thuê làm trụ sở văn phòng. "Sở dĩ có tầm nhìn đẹp như thế bởi chủ đầu tư ngang nhiên lấn chiếm gần 3.000 m2 đất dọc sông Sài Gòn, với diện tích tầng 1, 2 và 3 là 2.669 m2 và tầng 4 là 811 m2" - một cán bộ Trạm Thủy nội địa số 4 thuộc Khu Đường sông cho biết.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo