Đến trưa 14-12, ngày thứ tư liên tiếp, nhiều vùng biển ở tỉnh Bình Thuận vẫn phải đối mặt với từng cơn sóng dữ và triều cường tiếp tục tấn công.
2 ngư dân thiệt mạng
Tại huyện Tuy Phong, theo thống kê chưa đầy đủ của chính quyền huyện này, đến chiều 14-12, đã có 5 căn nhà trên địa bàn huyện bị đánh sập, 76 căn khác đang đối mặt với nguy cơ bị cuốn trôi; 3 tàu đánh cá bị sóng đánh hỏng hoàn toàn. Thị xã La Gi cũng bị thiệt hại nặng do triều cường, 2 nhà sập, 600 hộ sống ven biển bị ngập sâu, hơn 800 m kè chắn sóng bị sạt lở. Tại huyện đảo Phú Quý, ít nhất 10 căn nhà ở thôn Quý Thạnh, xã Ngũ Phụng bị hư hỏng tường rào, sân nền do triều cường dâng cao, lấn sâu vào đất liền, 3 tàu bị sóng đánh vỡ, 1 chiếc bị cuốn trôi…
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Bình Thuận, đợt triều cường đã cướp đi sinh mạng 2 ngư dân ở huyện Tuy Phong. Ông Phạm Văn Hai (46 tuổi, ở xóm 16, xã Chí Công) trong lúc bơi thúng từ bờ ra ghềnh để neo thuyền, đã bị sóng đánh chìm. Ngư dân xấu số thứ hai là ông Nguyễn Văn Chính (37 tuổi, ở xóm 7, xã Chí Công) đang ngủ giữ tàu thì bị triều cường, sóng lớn dâng cao đột ngột cuốn trôi.
Lo “hà bá” phá nhà
Sóng to kết hợp triều cường những ngày qua khiến người dân vùng biển tỉnh Bình Thuận hoang mang. Bà Nguyễn Thị Giác, 79 tuổi, ở khu phố 5, phường Đức Long – TP Phan Thiết, rầu rĩ: “Tôi chưa bao giờ thấy biển hung dữ thế này! Nhà sập hơn năm nay mà không có chỗ nào khác để di dời, đành lợp mấy miếng ni lông ở tạm. Mình già rồi cũng không sao, chỉ tội nghiệp mấy đứa nhỏ”. Anh Đặng Xuân Thành, cùng ngụ khu phố 5, cho biết triều cường xâm thực mạnh, với những cột sóng cao phủ qua mái nhà. Gia đình anh phải đến tá túc nhà người thân.
Theo ông Nguyễn Bá Huề, trưởng khu phố 5, phường Đức Long, từ năm 2008 đến nay, khu phố có 86 hộ dân với hơn 400 nhân khẩu bị mất nhà ở do biển xâm thực. Các hộ này phải thuê nhà trọ hoặc tá túc nhà người thân, một số khác thì ở tạm trong cơ sở chế biến hạt điều.
Con đường Trần Lê, ranh giới giữa 2 khu phố 5 và 8 của phường Đức Long, với một bên là núi cát đỏ au dựng đứng, một bên là biển gào thét dữ dội. Nằm sát mép trái đường, dãy nhà hơn 50 căn của khu phố 5 quay mặt về phía biển như đang cố né những cơn sóng bạc đang ào ào đổ vào. Những vết tường đổ, lộ rõ cả gạch và những tấm chắp vá tạm bợ bằng bạt, bao,... là bằng chứng sự xâm thực của biển ngày càng sâu vào đất liền. Sở Ba Nền là nơi thờ cúng của ngư dân địa phương đã bị sóng đánh sập gần phân nửa. “Khoảng 10 năm trước, vùng này có 4 dãy nhà, giờ sóng biển nuốt hết, chỉ còn một dãy” - một người dân địa phương nói.
Chống chọi bằng bao cát Trước tình trạng triều cường xâm thực dữ dội, từ 3 ngày qua, chính quyền TP Phan Thiết đã chỉ đạo lực lượng ứng cứu tại chỗ dùng bao cát làm kè dã chiến, chống chọi với sóng dữ. Theo báo cáo của UBND phường Đức Long, khoảng 5.000 bao cát đã được cấp phát cho dân dùng tạm, chèn đỡ nhà cửa. Tuy nhiên, theo bà con phản ánh, nhiều đoạn “kè cát” chỉ qua một đêm đã “mất tích” vì triều cường quá lớn. Tại các huyện Tuy Phong, Phú Quý, thị xã La Gi, các phương án chống đỡ với sóng dữ cũng chỉ dừng lại ở giải pháp tình thế là dùng bao cát. |
Bình luận (0)