Chị Nguyễn Thị Ngọc Ánh (37 tuổi) ôm đứa con trai út vừa tròn 2 tuổi vào lòng, đưa tay lau nước mắt, nói trong nấc nghẹn: “Từ ngày ba mấy đứa nhỏ bị bắt tới giờ, đêm nào tôi cũng cầu trời phù hộ cho anh bình an trở về. Biết là sau đó, gia đình sẽ khổ lắm nhưng gia đình sum họp là phúc lắm rồi…”.
Theo nhiều người dân ở thôn Tân Hải, xã Long Hải, từ ngày chồng là anh Võ Tâm (41 tuổi) bị bắt, chị Ánh bơ phờ hẳn. “Gia đình Tâm – Ánh vốn đã khó khăn, lại phải vay ngân hàng mấy trăm triệu đồng để hùn vốn đóng tàu cá, bây giờ gặp nạn, lấy gì trả nợ” - một người hàng xóm của gia đình chị Ánh cho biết. “Không biết rồi đây 5 đứa nhỏ của anh Tâm và chị Ánh có thể tiếp tục đến trường được không?” - ông Tạ Văn Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Long Hải, lo lắng.
Những ngày này, trên từng đường thôn, ngõ xóm ở xã biển này, đâu đâu cũng nghe bà con bàn chuyện 122 ngư dân bị bắt ở Philippines. Tất cả đều cùng chung tâm trạng buồn lo. Không lo sao được khi số phận của những người bị bắt chưa biết bị định đoạt thế nào. Nếu được phía Philippines thả cả người và phương tiện thì đỡ khổ, bằng không thì… khó khăn sẽ chồng chất khó khăn.
Vận động hỗ trợ Theo các gia đình ngư dân, 122 ngư dân của xã Long Hải sang Philippines đánh bắt hải sản theo hợp đồng kinh tế giữa DNTN Long Hải Long của Việt Nam và Công ty Premiere International Interfishing của Philippines. Tuy nhiên, các tàu cá và ngư dân nói trên đã đi vào vùng biển của Philippines trong khi chưa hoàn tất các thủ tục pháp lý cần thiết nên đã bị bắt giữ. Ông Huỳnh Văn Hưng, Chủ tịch UBND huyện Phú Quý, cho biết huyện vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị Bộ Ngoại giao Việt Nam hỗ trợ ngư dân bị bắt. Ngoài ra, huyện đã chỉ đạo chính quyền và các đoàn thể địa phương vận động gia đình, người thân của các ngư dân gặp nạn cố gắng không để con em bỏ học.
Hiện UBND huyện đã kiến nghị ngân hàng có biện pháp hỗ trợ bà con vì bình quân mỗi gia đình ngư dân gặp nạn đều vay trên dưới 200 triệu đồng để đóng tàu đi đánh bắt.
Nguồn tin của Báo Người Lao Động cho biết hiện Bộ Ngoại giao Việt Nam đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Philippines để xử lý vụ việc trên tinh thần nhân đạo, có các biện pháp cần thiết để bảo hộ công dân Việt Nam trong quá trình xét xử vụ án.
UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu DNTN Long Hải Long tích cực liên hệ với các cơ quan chức năng Philippines để khẳng định các ngư dân Việt Nam là người bị hại, thuê luật sư và phiên dịch để bảo vệ quyền lợi cho ngư dân tại phiên tòa. |
Bình luận (0)