Ngày 8-6, Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về đánh giá bổ sung tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2014; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách những tháng đầu năm 2015.
Nợ nhiều, nông sản tắc
Đại biểu (ĐB) Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) lo lắng nợ công đang tăng ở mức độ cao, bình quân 15%-20%/năm trong 10 năm qua; tỉ lệ nợ công trên GDP đang mấp mé vạch “đỏ” là 65%. “Nhưng nguy hiểm hơn là nghĩa vụ trả nợ trên thu ngân sách đã vượt ngưỡng 25%, dự kiến đến năm 2015 sẽ chạm mức gần 30%” - ĐB Nghĩa cảnh báo.
ĐB Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) đề nghị cần tính toán lại các chỉ số về nợ công theo đúng bản chất kinh tế thay vì tính toán theo các quy định của pháp luật về quản lý nợ công.
“An toàn nợ công phụ thuộc vào năng lực trả nợ gốc và lãi của ngân sách nhà nước khi đến hạn, tức ở mức độ ổn định và tăng trưởng bền vững của nguồn thu ngân sách trong tương lai chứ không phải ở các con số 65%, 55% hay 50% bất định” - ĐB Đồng mổ xẻ.
Trong số 29 lượt phát biểu, rất nhiều ý kiến bày tỏ lo lắng về nông sản tắc đầu ra. ĐB Trần Khắc Tâm trần tình quê ông ở Sóc Trăng, nơi có hành tím nổi tiếng cả nước và 1 tháng trước kỳ họp QH, có bác nông dân gọi điện thoại nói rằng: “Ông Tâm ơi, ông vừa là ĐBQH vừa là doanh nhân, ông chỉ cho tôi biết chỗ bán hành được không, chứ làm ra chục ký hành tím không đổi được tô phở thì cay mắt lắm?!...”.
ĐB Trần Khắc Tâm chia sẻ với khó khăn của nông dân, hứa sẽ đem câu hỏi của bác nêu lên trước QH. “Tôi đề nghị QH và các cơ quan chức năng của QH, Chính phủ và các cơ quan chức năng của Chính phủ sắp tới đây cần tổ chức các cuộc hội thảo, thảo luận chuyên đề về tình hình sản xuất nông nghiệp để có giải pháp căn cơ, chấm dứt câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” này. Đã đến lúc QH cần phải trả “món nợ” lâu ngày đối với nông nghiệp” - ĐB Tâm kiến nghị.
Cần phản ứng mạnh mẽ hơn về hành vi của Trung Quốc
Tại phiên thảo luận lần này, tình hình ở biển Đông làm “nóng” hội trường khi nhiều ĐBQH lên án việc Trung Quốc cấp tập xây đảo nhân tạo ở Trường Sa. Đặt lên bàn nghị sự mối họa lớn của đất nước về tình hình biển Đông, ĐB Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) lên tiếng: “Trung Quốc đem vũ khí hạng nặng ra các đảo. Đây là hành động đi xâm chiếm, cả thế giới đã lên án và yêu cầu Trung Quốc phải biết xấu hổ khi đi xâm chiếm chủ quyền của các nước khác” .
ĐB Trần Quốc Tuấn đánh giá Trung Quốc đang ngang nhiên thách thức thế giới với âm mưu độc chiếm biển Đông. “Toàn thể cử tri và nhân dân cả nước mong muốn Đảng, QH và Chính phủ cần có những quyết sách đúng đắn hơn, phù hợp hơn; phải có tiếng nói mạnh mẽ hơn nữa” - ĐB Tuấn kiến nghị.
Đồng tình, ĐB Nguyễn Tấn Tuân (Khánh Hòa) nhấn mạnh: “Cử tri rất bất bình với Trung Quốc và mong muốn nhà nước, Chính phủ công khai các thông tin về tình hình biển Đông. Có như vậy mới tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội”.
ĐB - Trung tướng Bế Xuân Trường, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, kiến nghị trong thời gian tới, cần tập trung dân sự hóa một số đảo lớn ở Trường Sa bằng cách ban hành cơ chế chính sách để người dân có kế sinh nhai, ổn định lâu dài trên đảo để củng cố chủ quyền Việt Nam.
ĐB Nguyễn Cao Phúc (Quảng Ngãi) bày tỏ sự lo lắng cho sự an nguy của ngư dân khi Trung Quốc ngang nhiên cấm đánh bắt cá. “Chính phủ cần có giải pháp hữu hiệu để bảo vệ ngư dân. Tập trung xây dựng các cảng cá, khu neo đậu, phát triển các loại hình dịch vụ hậu cần nghề cá giảm khó khăn cho ngư dân” - ĐB Phúc đề xuất.
Cử tri muốn công khai tình hình biển Đông
Bên lề QH, ĐB Dương Trung Quốc đánh giá việc Trung Quốc xây đảo ở Trường Sa nguy hiểm hơn việc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 rất nhiều. Vì vậy, Việt Nam phải có phản ứng, hành xử phải có trọng lượng hơn cho tương xứng.
“Tôi quan tâm là phản ứng của QH về vấn đề biển Đông ở mức độ nào. Để người dân và ĐBQH còn băn khoăn thì QH nên suy nghĩ. Tôi cũng rất mong muốn trong phiên chất vấn lần này, Thủ tướng sẽ phát biểu về biển Đông. Đây là cơ hội để Thủ tướng thể hiện quan điểm của mình như nhiều lần Thủ tướng đã nói” - ĐB Quốc đề nghị.
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Nam Định, ông Nguyễn Anh Sơn, cho rằng tàu Tân Hải 517 đi giữa biển và đảo Phú Quý, đúng vào lằn ranh giữa vùng nội thủy và lãnh hải, đi xuyên qua nhà giàn DK1, DK2... Họ cho tàu đi vào thời điểm này rõ ràng là một phép thử chúng ta và có chủ ý.
“Chúng tôi tin rằng Đảng, nhà nước rất khéo léo lèo lái con tàu Việt Nam qua bão gió nhưng những thông tin này phải cho cử tri được biết. QH đã họp kín và đã nghe rõ nhưng đó là ĐBQH thôi chứ dân thì đâu biết. Tôi mong QH nên có tuyên bố rõ ràng về vấn đề biển Đông” - ĐB Sơn kiến nghị.
P.Anh - T.Dũng
Làm như nói thì dân mới tin!
Thảo luận về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) đưa ra hàng loạt dẫn chứng Chính phủ “nói trúng mà làm chưa đúng”. Điển hình như cải cách hành chính đã thực hiện 15 năm nhưng vẫn còn phiền hà, thực thi chưa nghiêm, gây tốn kém thời gian và chi phí của người dân và doanh nghiệp.
“Tham nhũng được đánh giá ngày càng diễn biến phức tạp nhưng công tác phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử đối với loại tội này ngày một giảm, giảm 29 vụ và 21,8% so với cùng kỳ. Phải chăng chúng ta chưa chọc thủng được bức màn che đậy hành vi tham nhũng?” - ĐB Học nêu thêm quan ngại.
Từ những dẫn chứng trên, ĐB Học thẳng thắn: “Chúng ta thường nghe nói Chính phủ phải lắng nghe ý kiến của dân. Vậy Chính phủ lắng nghe điều gì ở dân? Cử tri đề nghị phải nói đi đôi với làm, đề nghị Chính phủ “làm như nói” thì dân mới tin”.
Bình luận (0)