Những ngày qua, căn hộ nhỏ trên tầng 4 của chung cư C5 (phường Thanh Sơn, TP Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) lúc nào cũng đông hàng xóm, bạn bè, đồng đội đến thăm hỏi người thân của đại úy Nguyễn Anh Tú - 1 trong 2 phi công lái chiến đấu cơ của Sư đoàn Phòng không - Không quân 370 gặp nạn trên vùng biển Bình Thuận.
“Tôi vẫn chờ Tú về”
Trong số những người đến thăm hỏi, có cả nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu và nhiều cán bộ cao cấp của Quân chủng Phòng không - Không quân và lãnh đạo Tỉnh ủy Ninh Thuận.
Chị Oanh, vợ anh Tú, được Trung đoàn Không quân 937 đưa vào đơn vị để các y, bác sĩ động viên, chăm sóc sức khỏe. Hiện chị đã trở về nhà để chăm sóc con trai gần 3 tuổi.
Ông Nguyễn Văn Thi, cha anh Tú, vẫn tỏ ra khá bình tĩnh. Trò chuyện với những người đến thăm, ông bảo: “Tôi vẫn có lòng tin và chờ Tú về”. Dù vậy, giọng ông đã nhuốm phần lo lắng. Đôi lúc, ông xác định rằng Tú đã làm tròn trách nhiệm của một người lính, vì nghĩa vụ thiêng liêng đối với Tổ quốc.
Ông Thi kể thường sau mỗi chuyến bay tập luyện, anh Tú luôn gọi về nhà cho cha và vợ con yên tâm nhưng trưa 16-4, cả nhà chờ mãi mà không có điện thoại. Nguyên là thủy thủ tàu viễn dương nên khí chất từng trải giúp ông Thi bình tĩnh hơn trước hung tin.
Một người bạn thân của đại úy Tú cho biết ước mơ trở thành phi công giỏi nhen nhúm từ khi anh còn học phổ thông. Khi trúng tuyển lực lượng không quân, anh Tú vào học Trường Sĩ quan không quân Nha Trang và ra trường với tấm bằng loại ưu, về công tác tại Trung đoàn Không quân 937. Ước mơ sống với bầu trời Tổ quốc là động lực để chàng sĩ quan phi công trẻ Nguyễn Anh Tú miệt mài với những chuyến bay, trong đó có những chuyến luyện tập tiêm kích cách xa đơn vị hàng ngàn cây số.
Phát hiện thêm vài bộ phận máy bay
Trong khi đó, ngày 20-4, công tác tìm kiếm, cứu nạn 2 chiếc máy bay và phi công bị nạn vẫn tiếp tục được sở chỉ huy tiền phương trên đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận) đẩy mạnh.
Ngoài tàu hải quân, Bộ đội Biên phòng, Kiểm ngư đã có mặt từ những ngày qua, một tàu cứu kéo đã được tăng cường đến hiện trường. Mặc sóng lớn, các tàu quần thảo liên tục trên vùng biển rộng đã được đánh dấu, chia ô bằng phao. Lực lượng người nhái đặc công, hải quân cũng từng kíp thay nhau lặn tìm nhiều khu vực. Cuối buổi chiều, lực lượng tìm kiếm phát hiện một phần trên của ghế ngồi phi công và vài mảnh nhỏ của máy bay Su-22.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động vào tối cùng ngày, Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, cho biết sau 5 ngày nỗ lực, lực lượng cứu nạn đã xác định được vị trí tương đối của 2 máy bay và tìm được một số mảnh vỡ. Hiện 2 phi công gặp nạn là trung tá Lê Văn Nghĩa và đại úy Nguyễn Anh Tú vẫn chưa tìm được.
Trung tướng Võ Văn Tuấn cho biết theo diễn biến của sự việc, xét khi máy bay bay ở chế độ đó cũng như thông qua thống kê từ trước đến nay về tai nạn máy bay, có thể nói đến giờ gần như không hy vọng gì về khả năng sống sót của 2 phi công...
“Bộ Quốc phòng tiếp tục tập trung lực lượng với khả năng cao nhất cố gắng tìm những gì liên quan tới 2 phi công gặp nạn, thực hiện nốt việc tìm kiếm các mảnh vỡ, hộp đen máy bay để xác định nguyên nhân tai nạn” - ông Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh vừa chỉ đạo Bộ Tổng Tham mưu chủ trì rà soát, kiểm tra, đánh giá tình hình liên quan đến tất cả các mặt công tác bảo đảm an toàn, chất lượng phi công cũng như công tác phối hợp điều hành để bảo đảm hoạt động không quân theo đúng quy định.
Gặp nạn khi đang huấn luyện
Như Báo Người Lao Động đã thông tin, 2 chiếc máy bay tiêm kích Su-22 mang số hiệu 5857 và 5863 của Sư đoàn Không quân 370 (thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân) đã gặp nạn khi đang làm nhiệm vụ huấn luyện trên vùng trời gần đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận) vào khoảng 11 giờ 45 phút ngày 16-4. Hai máy bay này gặp nạn khi đang bay huấn luyện cách đảo Phú Quý khoảng 12 km về phía Bắc.
Bình luận (0)