xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Sư giả, “cái bang” tái xuất

NHƯ PHÚ - QUỐC CHIẾN

Sau một thời gian tạm lắng, sư giả, “cái bang” lại rầm rộ xuất hiện để tranh thủ lòng tốt của người dân mùa lễ hội rằm tháng giêng

Sau Tết Nguyên đán đến nay, sư giả từ khắp nơi đang đổ về Bình Dương khất thực. Tình hình căng thẳng đến mức sáng 20-2, Ban Trị sự Phật giáo TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương phải chỉ định các nhà sư vào cuộc, xử lý.

Sư thật vạch mặt sư giả

Sư thật đã trực tiếp đối chất, vạch mặt và bắt nhiều sư giả phải viết cam kết không mượn màu áo nhà chùa để tiếp tục lừa đảo. “Thực tình thì chúng tôi cũng không dám mạnh tay với những đối tượng giả sư. Họ hung hăng lắm. Nghe nói ở TP HCM có nhà sư vì can thiệp, xử lý sư giả mà bị đánh. Nhưng dù sao chúng tôi cũng phải vào cuộc chứ không thể để họ lừa lọc như vậy được” - Thượng tọa Thích Thiện Châu, Trưởng Ban Trị sự Phật giáo TP Thủ Dầu Một, chia sẻ. Sáng 20-2, Thượng tọa Thích Thiện Châu đã cử 3 nhà sư đi dẹp vấn nạn này. Các sư nhờ lực lượng “hiệp sĩ đường phố” Bình Dương tìm kiếm và mời nhiều người đang khất thực về khu vực chùa Bà làm việc.

Chỉ trong khoảng 1 giờ rảo quanh vài tuyến đường ở trung tâm TP Thủ Dầu Một, “hiệp sĩ” đã gặp và đưa 3 “vị sư” đang khất thực trên đường về làm việc, trong đó có người cầm bình bát chứa hơn 700.000 đồng!

Đối tượng đầu tiên bị mời về là một người đàn ông trung niên, mặc áo vàng nhà chùa, đội mũ len, đang khất thực trên đường Đinh Bộ Lĩnh. Ông này khai tên Trần Văn Khanh - 39 tuổi; ngụ ấp Xóm Chùa, xã An Phú, huyện Củ Chi, TP HCM.

Đại đức Thích Mỹ Ý (một trong 3 nhà sư được phân công dẹp nạn sư giả) kiểm tra ông Khanh bằng vài câu hỏi liên quan tri thức nhà Phật thì ông ta bối rối, ú ớ. Ông Khanh thừa nhận mình giả sư từ khoảng 10 năm trước, lúc đó đang là công nhân của một công ty sản xuất giày ở khu vực cầu Bình Triệu (TP HCM). Tại đây, ông quen biết với nhiều người quê Nghệ An, Thanh Hóa vào ở trọ và “hành nghề” giả sư. Ông Khanh khai: “Nhờ họ chỉ tôi mới biết cách làm. Tuy nhiên, tôi đi khất thực vài bữa thì bị bắt tại Sài Gòn. Tôi nghỉ đi làm thuê rồi bị bệnh viêm gan B, không làm việc nặng được nên quay lại hành nghề giả sư”. Ông Khanh kể một ngày đi khất thực từ 7 giờ đến khoảng 9 giờ kiếm được nhiều nhất tầm 400.000 đồng. “Tôi có vợ với 3 đứa con đang đi học. Giả sư, tôi áy náy nhưng phải làm nuôi con” - ông Khanh than vãn.

Một sư giả khác cũng bị vạch mặt là Nguyễn Thị Ngọc Hường. Ngồi đối diện với Đại đức Thích Mỹ Ý, bà Hường nói: “Con mới đẻ em bé. Không làm gì được nên đi khất thực. Mà dịp rằm này, con mới đi. Mỗi ngày, con kiếm một vài trăm ngàn về mua sữa cho con thôi”. Bà Hường khai mình 36 tuổi, ngụ phường Chánh Nghĩa, TP Thủ Dầu Một, đã ly dị chồng. Ra đường, thấy người ta khất thực dễ kiếm tiền quá nên bắt chước. Bà mua áo nhà sư rồi lên khu Chợ Lớn, TP HCM mua bình bát về hành nghề.

 

Đại đức Thích Mỹ Ý (bìa trái) làm việc với 2 sư giả vào sáng 20-2Ảnh: NHƯ PHÚ
Đại đức Thích Mỹ Ý (bìa trái) làm việc với 2 sư giả vào sáng 20-2Ảnh: NHƯ PHÚ

 

Nhiều kẻ chăn dắt

Trong dịp này, “cái bang” cũng rầm rộ xuống phố ở TP HCM để xin tiền người dân. Theo quan sát của phóng viên, có một nhóm người chuyên chở các cụ già, em nhỏ đến các nút giao thông đông người qua lại để xin tiền. Một trong những tuyến đường thường xuyên xuất hiện nhiều “cái bang” hoạt động là xa lộ Hà Nội với các ngã tư lớn như: 621, Thủ Đức, Bình Thái... Những lúc đèn đỏ, “binh đoàn cái bang” lại tràn hẳn ra đường, vịn cổ xe, chìa nón xin từng người, bất chấp xe cộ lưu thông hết sức nguy hiểm.

Những cụ già, trẻ em này được một số thanh niên chở đến các ngã tư vào lúc tờ mờ sáng. Sau đó, họ đậu xe bên vỉa hè hay những quán cà phê gần đó quan sát. Nếu có cơ quan chức năng hoặc phát hiện người đi đường trò chuyện quá lâu sẽ chạy ra chở các cụ già, em nhỏ đi nơi khác.

Tương tự, lực lượng “cái bang” cũng hoạt động rầm rộ cả ngày lẫn đêm tại các nút giao thông lớn trên trục đường Trường Chinh, Cộng Hòa như: mũi tàu Trường Chinh - Cộng Hòa, Trường Chinh - Tân Kỳ Tân Quý, Trường Chinh - Tây Thạnh (quận Tân Phú) hoặc các nút giao thông Tân Kỳ Tân Quý - Quốc lộ 1, ngã tư Gò Mây (quận Bình Tân), Trần Nhân Tôn - Nguyễn Chí Thanh - Hùng Vương (quận 5)… Tại những nơi này, lực lượng “cái bang” lên tới cả chục người, chủ yếu là các em nhỏ cởi trần, đen nhẻm và những phụ nữ bế “con”.

Trước kia, địa bàn hoạt động của “binh đoàn cái bang” này chủ yếu ở khu vực Bến Lức (Long An), nay tách ra chuyển về TP HCM. Mỗi lần đèn đỏ, những “cái bang” lại bồng bế nhau, băng ra giữa đường len lỏi qua từng xe máy để xin tiền. Bên kia đường, một vài phụ nữ khác túm tụm chờ lấy tiền xin được từ những đứa trẻ.

Không chỉ tại các nút giao thông, ở những điểm vui chơi giải trí, chùa chiền, bệnh viện cũng xuất hiện nhiều bóng dáng “cái bang” khiến người dân hết sức bức xúc. Tại khu vực nhà thờ Đức Bà, Công viên 30-4 thường xuyên xuất hiện nhiều cụ già, người tật nguyền ăn xin. Đối tượng mà những người này nhắm tới là người nước ngoài, các nhóm bạn và đặc biệt là các cặp đôi. Khi thấy ai nghi ngờ hay chụp ảnh, lập tức có một phụ nữ vội chạy xe máy đến chở họ đi.

Xin không được thì chửi

Sau Tết Nguyên đán, lực lượng ăn xin cũng xuất hiện trở lại ở những khu vực tập trung nhiều sinh viên để kiếm ăn. Làng Đại học Thủ Đức - nơi tập trung hàng chục ngàn sinh viên học tập, sinh sống - được xem như là “thiên đường ăn xin” của các “cái bang”. Tại đây, khoảng 5-6 đối tượng ăn xin thường xuyên xuất hiện xin tiền. Qua ghi nhận của phóng viên, lực lượng “cái bang” ở đây không chỉ có các cụ già và trẻ nhỏ mà còn có các thanh niên khỏe mạnh. Thủ đoạn của những “cái bang” này là liên tục đeo bám, nài nỉ, thậm chí quỳ lạy cho đến khi những sinh viên phải móc tiền ra đưa.

Tối 19-2, một phụ nữ đã quỳ lạy để xin tiền một nhóm sinh viên. Trước đây, người này cũng xuất hiện với nhiều bộ dạng như cánh tay bị thương phải băng bó hoặc bế theo một đứa trẻ để đánh vào lòng thương hại của sinh viên.

“Mình đang đi ăn với bạn thì người phụ nữ khoảng 30 tuổi xuất hiện, quỳ lạy và nài nỉ xin tiền khoảng 2 phút. Khi mình dứt khoát không cho, người này chửi bới và nói nhiều câu rất khó nghe” - Nguyễn Thuận Tín, sinh viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, kể.

 

Một phụ nữ quỳ đến khi được cho tiền mới thôiẢnh: QUỐC CHIẾN

Một phụ nữ quỳ đến khi được cho tiền mới thôiẢnh: QUỐC CHIẾN

Phải quản lý người ăn xin

Từ ngày 28-12-2014, theo quyết định của UBND TP HCM, các lực lượng chức năng đã ra quân đưa những người ăn xin, vô gia cư vào các trung tâm bảo trợ xã hội. Những trường hợp là người khuyết tật, tâm thần sẽ được đưa về điều trị tại các trung tâm điều dưỡng bệnh tâm thần. Nếu người ăn xin, lang thang có nơi cư trú hoặc có người bảo lãnh thì sẽ được đưa về địa phương quản lý. Trong năm 2015, UBND TP HCM cũng có nhiều hoạt động kêu gọi người dân không cho tiền người ăn xin, đồng thời thực hiện các chiến dịch truy quét, dẹp nạn ăn xin. Tuy nhiên, khi các chiến dịch kết thúc tình trạng ăn xin lại bùng phát.

Mới đây, ngày 17-2, tại cuộc họp với Đảng bộ Công an TP HCM về tình hình an ninh trật tự, Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng đã yêu cầu quản lý người ăn xin ở khu vực trung tâm TP để bảo đảm trật tự xã hội.

 

Chuyển hướng, lừa công nhân

Trước đây, sư giả lừa đảo rầm rộ ở TP HCM. Sau đó, họ ngày một thất thu vì người dân TP đọc báo, xem tin tức nhiều nên biết hết mánh lới.

Khoảng một tháng trở lại đây, quanh các công ty, khu trọ công nhân tại thị xã Thuận An, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương đầy rẫy bóng áo vàng đi khất thực. Điển hình, vừa qua, chỉ trong 1 giờ quan sát, chúng tôi đã ghi hình được hàng loạt công nhân Công ty Việt Nam Funiture Resources và Công ty Việt Nam Housewares (đều đóng tại phường Bình Chuẩn, thị xã Thuận An) cúng tiền cho sư giả. Trong đó, có những công nhân cầm trên tay 20.000 đồng định mua đồ ăn sáng trước khi vào nhà máy nhưng khi gặp “sư” đang khất thực thì liền cúi đầu, cung kính dâng tiền.

Lãnh đạo Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bình Dương khẳng định ở địa phương này gần như không có nhà sư chính hiệu nào đi khất thực. Vì vậy, những nhà sư áo quần luộm thuộm, cầm bình bát xin tiền ngoài đường đều là giả!

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo