Kho báu dân gian
Ông Trương Bi, Phó Giám đốc Sở VHTT tỉnh Đắk Lắk, quả quyết: “Nếu không có các biện pháp mang tính đột phá, với tốc độ đô thị hóa và sự du nhập văn hóa như hiện nay, sử thi sẽ bị biến mất trong các buôn, làng”. |
Các đoàn điều tra, khảo sát đã trực tiếp đi đến hàng ngàn, buôn, làng thuộc 530 xã, phường, thị trấn của 56 huyện, TP khu vực Tây Nguyên và các tỉnh phụ cận như Khánh Hòa, Phú Yên, Quảng Nam..., gặp gỡ gần 400 nghệ nhân còn nhớ và biết hát, kể sử thi. Đặc biệt, đã có ít nhất 3 bộ sử thi liên hoàn (còn gọi là sử thi chuỗi, sử thi phổ hệ) rất đồ sộ được phát hiện. Có thể kể đến như các sử thi: Ốt Drông của người M’nông, Dông của người Ba Na và Dăm Diông của người Xê Đăng. Mỗi bộ sử thi liên hoàn này gồm khoảng 100 tác phẩm có sự liên kết khá hoàn chỉnh và được các chuyên gia đánh giá là những sử thi có độ dài nhất của thế giới.
Một điều thú vị khác, TTXVN cho biết: Vùng Bắc Tây Nguyên (chủ yếu là Kon Tum) trước đây bị coi là “vùng trắng” sử thi, nhưng qua điều tra, sưu tầm đã phát hiện vùng đất này đã phát lộ tiềm năng cực kỳ to lớn, với (ít nhất) 2 bộ sử thi liên hoàn của người Ba Na và Xê Đăng, được phát hiện ở Kon Tum.
Không có người phiên âm
Những thành công trong công tác điều tra, sưu tầm lại là một gánh nặng cho nhiệm vụ trọng tâm khác: Phiên âm, biên dịch và xuất bản. Kết thúc dự án, theo báo cáo của GS-TS Nguyễn Xuân Kính, đã có 62 tập sách với 60.000 trang in chứa 75 tác phẩm sử thi của 6 dân tộc: Ba Na, Xê Đăng, M’nông, Ê Đê, Chăm và Ra Glai được phiên âm, biên dịch và xuất bản bằng song ngữ. Tuy nhiên, chừng đó không thấm vào đâu so với khối lượng đã sưu tầm.
Hiện nay, tỉnh Kon Tum chỉ có 2 người có khả năng phiên âm và biên dịch tốt là A Ja (cả Xê Đăng và Ba Na) và A Thút (Xê Đăng), trong khi số lượng sưu tầm sử thi lên đến hàng trăm tác phẩm. Ông A Ja cho biết nếu dành toàn bộ thời gian và tâm trí cho công tác phiên âm và biên dịch thì mỗi năm ông cũng chỉ hoàn thành “phần thô” được nhiều nhất là 3 tác phẩm. Còn hàng trăm tác phẩm sử thi của người M’nông chỉ dựa vào 1 người biên dịch là cụ Điểu Kâu, nhưng khi dự án sắp kết thúc cũng là lúc cụ Điểu Kâu phát hiện bị ung thư phổi. Một nỗi lo khác là sử thi hiện đã không còn tồn tại trong sinh hoạt cộng đồng các dân tộc thiểu số Tây Nguyên nữa. Các lớp truyền dạy sử thi hiện đang tồn tại khá èo uột, bởi việc học hát, kể sử thi không đơn giản như học vẹt. Trong khi đó, nhiều thanh niên dân tộc thiểu số lại không biết tiếng mẹ đẻ...
Bình luận (0)