Với 10 thủ tục, 34 ngày, Việt Nam xếp thứ 109/189 quốc gia về khởi sự kinh doanh theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB). Trong khi đó, yêu cầu công khai, minh bạch hóa thông tin chưa tương thích thông lệ quốc tế, chưa có cơ chế kiểm tra giám sát... Đó là lý do phải cấp thiết sửa luật - khẳng định của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông đưa ra tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) cho ý kiến về dự án Luật Doanh nghiệp (DN) sửa đổi ngày 21-4.
Sẽ chặn công ty “ma”
Theo ông Đông, dự luật yêu cầu DN chịu trách nhiệm thông tin về vốn, quản trị DN, nhân thân… “Nhiều DN nghĩ rằng khai vốn càng to càng có vị thế. Nếu khai 100 tỉ đồng vốn thì DN phải có trách nhiệm về 100 tỉ đồng đó. Luật sẽ tăng cường chế tài việc DN tự khai vốn điều lệ” - ông Đông nói.
Để chặn tình trạng công ty “ma”, ông Đông cho biết mạng quản lý DN sẽ liên thông với cơ quan thuế để kiểm soát. “Một cá nhân có 5 DN là có thể lọt vào “danh sách đáng quan tâm” - ông Đông cho biết. Đặc biệt, điểm mới của dự luật là quy định loại hình DN mới là DN xã hội. DN này sẽ tái đầu tư lợi nhuận cho lĩnh vực xã hội và phải có chính sách phù hợp cho loại hình DN này phát triển.
Cần bổ sung và luật hóa nhiều thứ
Thẩm tra sơ bộ dự luật, Thường trực Ủy ban Kinh tế của QH tán thành việc tách biệt rõ giữa thủ tục thành lập DN và thủ tục đăng ký kinh doanh, điều kiện kinh doanh. Để tạo thuận lợi cho DN, Ủy ban Kinh tế đề nghị quy định cụ thể trong dự luật một cơ quan đầu mối quản lý thống nhất về đăng ký thành lập DN; bổ sung quy định về hậu kiểm để bảo đảm DN đã đăng ký là có hoạt động, các thông tin đăng ký kinh doanh đúng thực tế.
Ủng hộ việc “giải phóng” cho DN song Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng việc tạo thuận lợi cần đi kèm với phòng ngừa, ngăn chặn những hiện tượng lừa đảo, gian lận, hàng giả, hàng nhái và vi phạm pháp luật.
Ông Nguyễn Sinh Hùng cũng nhấn mạnh Hiến pháp đã nêu rõ quyền tự do kinh doanh trong những ngành, nghề pháp luật không cấm, trong khi dự luật có thêm khái niệm “ngành nghề kinh doanh có điều kiện”. Theo Chủ tịch QH, danh mục ngành nghề cấm và có điều kiện phải được luật hóa để sau này cụ thể việc cấm bằng văn bản dưới luật cho doanh nhân nắm rõ. “Quy định kiểu lờ mờ như cấm hoạt động kinh doanh gây phương hại đạo đức, thuần phong mỹ tục, hủy hoại môi trường… là rất sợ. Cấm tức là không được làm nhưng làm sao rõ ràng ra để DN yên tâm làm ăn” - Chủ tịch QH đề nghị.
Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho biết hiện danh mục các ngành nghề bị cấm đã có trong những văn bản khác nhau và nếu QH cho chủ trương thì cơ quan soạn thảo sẽ gom lại đưa hết vào phụ lục ban hành kèm theo luật này.
Nhìn nhận dưới góc độ quyền lợi của người lao động, Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng yêu cầu ban soạn thảo bổ sung các hành vi bị cấm trong dự thảo. “Luật phải quy định cấm dùng nhục hình, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, sức khỏe của người lao động…, chứ tại nhiều DN, người lao động đi vệ sinh cũng phải xin phép” - bà Phóng nói.
Thi hành án dân sự còn rối
Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ QH cho ý kiến về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự. Theo Bộ Tư pháp, án tồn đọng tuy có giảm nhưng số việc và tiền chuyển kỳ sau vẫn còn rất lớn và có xu hướng tăng lên (năm 2013 tồn 239.144 việc, tăng so với năm 2012 200.000 việc).
Bên cạnh đó, việc phân loại án ở một số cơ quan thi hành án dân sự chưa thật chính xác, vẫn còn tình trạng chuyển từ án có điều kiện sang án không có điều kiện trong khi tòa án không nắm được bản án, quyết định của mình có được chấp hành đầy đủ hay không. Việc tổ chức thi hành án trong nhiều vụ việc chưa kịp thời, còn nhiều vướng mắc do bản án, quyết định của tòa án tuyên không rõ ràng, thiếu khả thi dẫn đến khiếu nại kéo dài...
Bình luận (0)