Trước đó, UBND TP Đà Nẵng đã quyết định giao hơn 10 ha đất ở huyện Hòa Vang cho một số người Việt Nam triển khai dự án trồng rau sạch trong 5 năm (2014-2019). Song, Quân khu 5 sau đó đã đề nghị Đà Nẵng cho dừng dự án vì nó nằm ngay trên hướng rút quân trong các cuộc diễn tập phòng thủ quốc phòng của TP này. Đáng suy ngẫm và đáng lo ngại hơn là dự án trồng rau sạch này lại được điều hành bởi các kỹ sư Trung Quốc trong quá trình hoạt động vừa qua.
Cùng thời gian này, dư luận ở Đà Nẵng cũng nóng lên bởi việc người Trung Quốc “núp bóng” người Việt Nam gom đất ở những vị trí nhạy cảm tại TP lớn thứ ba của cả nước và nằm ven biển ở giữa đất nước chúng ta. Trong đó, chỉ riêng tại quận Ngũ Hành Sơn đã phát hiện 71 trường hợp người Việt Nam đứng tên mua 138 lô đất cho người Trung Quốc. Những lô đất này nằm sát bờ biển và liền kề với sân bay quân sự Nước Mặn.
Dù dưới bất cứ lý do gì - như thực hiện dự án, làm ăn kinh doanh hay đầu tư bất động sản… - thì việc người Trung Quốc mua đất ở Đà Nẵng đều không thể chấp nhận. Trước hết, đó là việc làm mà pháp luật hiện hành không cho phép. Chưa kể, không ít nơi bị ngấm ngầm mua gom nằm tại các vị trí nhạy cảm, trọng yếu về an ninh quốc phòng.
Những sự việc đang khiến dư luận quan tâm và quan ngại ở Đà Nẵng hoàn toàn không phải lần đầu tiên xảy ra. Nhiều vụ việc trước đó từng làm dư luận cả nước phải xôn xao. Hơn một năm trước, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phải dừng dự án xây dựng khu nghỉ dưỡng tại chân đèo Hải Vân do một công ty có địa chỉ ở Hồng Kông (Trung Quốc) làm chủ đầu tư bởi nó được xây ngay tại vị trí an ninh quốc phòng trọng yếu. Dư luận cũng từng bất bình trước việc để người Trung Quốc nuôi trồng thủy sản ngay trên vịnh Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa)...
Có thể đổ lỗi do một số người Việt vì lợi ích cá nhân để người Trung Quốc núp bóng nhằm trục lợi. Song, để xảy ra những sự việc, hiện tượng đáng lo ngại như trên thì không thể không dính líu đến trách nhiệm của các cơ quan quản lý. Đã có nhiều tiền lệ và bài học cảnh báo, vậy mà sự việc vẫn xảy ra trong phạm vi quản lý, phụ trách của các cơ quan này!
Có câu “sai đâu sửa đấy, sai đấy sửa đâu, sửa đâu sai đấy” để nói về các vụ việc cứ làm sai rồi lại sửa, sửa rồi lại sai của cái vòng luẩn quẩn sửa - sai. Với an ninh quốc phòng hay các vấn đề hệ trọng khác mà cứ để xảy ra tình trạng sai rồi lại sửa thì có thể sẽ phải trả giá đắt khôn lường mà không một lợi ích kinh tế nào bù đắp nổi.
Bình luận (0)