Số vốn để xây dựng quảng trường Thủ Thiêm - quảng trường lớn nhất Việt Nam trong tương lai - là gần 2.000 tỉ đồng cùng với dự án gần 10.000 tỉ đồng xây dựng 4 tuyến đường chính tại khu đô thị mới này.
Đây là một chủ trương hết sức đúng đắn nhưng việc chọn những dự án nào tại Thủ Thiêm để khai triển trước lại là vấn đề cần phải hết sức cân nhắc, bởi vì nguồn vốn ngân sách nhà nước thì có hạn nên phải ưu tiên sử dụng vốn vào việc tạo tiền đề kích thích và thu hút đầu tư tư nhân nhằm phát triển Thủ Thiêm một cách hữu hiệu nhất, thay vì đầu tư cho những dự án hào nhoáng mà tốn kém, lâu thu hồi vốn, lại không giúp thu hút đầu tư tư nhân.
Phối cảnh quảng trường trung tâm và công viên bờ sông của khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2, TP HCM Ảnh: Defrain Souquet Deso
Thực tế là cho đến nay, Thủ Thiêm vẫn chưa thành lập và khai thác được lợi thế các khu đất vàng tiềm năng của mình do chưa tạo được các tiền đề cần thiết cho việc tạo lập giá trị vàng cho các khu đất ở đây. Nguồn vốn lớn tư nhân vẫn chủ yếu đang chảy vào các dự án bờ Tây, cho dù điều đó chưa chắc đã tốt cho khu trung tâm bờ Tây, do tình trạng đã bị quá tải về hạ tầng giao thông và hạ tầng kỹ thuật.
Thông thường, các tiền đề cần thiết để tạo nên giá trị “vàng” cho một khu đất là: 1. Vị trí chiến lược; 2. Kết nối chiến lược; 3. Quy hoạch phù hợp; 4. Hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh; 5. Chính sách thuận lợi hoặc mang tính khuyến khích đầu tư; 6. Các yếu tố chủ quan và khách quan khác.
Chúng ta cần xác định mục tiêu chiến lược của việc dùng vốn ngân sách cho bất kỳ dự án nào của Thủ Thiêm là phải thu hút được vốn đầu tư tư nhân lớn hơn vốn ngân sách đã bỏ ra vào khu vực xây dựng, hay nói cách khác là biến khu vực lân cận thành những khu đất vàng có giá trị thu hút đầu tư.
Nói cụ thể hơn, cần tạo ra các tiền đề để thu hút chủ đầu tư tư nhân của các đề xuất những cụm dự án phức hợp cao tầng quy mô lớn tại khu trung tâm bờ Tây (như Thương xá Tax và tại các khu sẽ di dời như Tân Cảng, Ba Son, cảng Sài Gòn), xem xét khả năng chuyển sang phát triển chúng tại bờ Đông Thủ Thiêm.
Quảng trường Thủ Thiêm chỉ phát huy tác dụng tốt khi được hoàn thành đồng bộ cùng với các dự án sau:
- Dự án kết nối xe và bộ với khu trung tâm hiện hữu bờ Tây, bao gồm cầu đi bộ.
- Các dự án cao tầng nằm hai bên quảng trường.
- Xây dựng các cầu giao thông khác cốt để bảo đảm giao thông xe và bộ không bị giao cắt chồng chéo khi trục quảng trường Thủ Thiêm bị cắt bởi 7 tuyến xe giao thông vòng cung.
- Thực hiện dự án hồ Thủ Thiêm và kênh rạch nối ra sông Sài Gòn và xác định được các cốt nền phù hợp.
- Nhu cầu thực sự phải có một quảng trường quy mô lớn nhất Đông Nam Á phục vụ cho 1 triệu người và cung cấp giải pháp giao thông cùng dịch vụ phù hợp cho 1 triệu người đó.
Ở góc nhìn như vậy, chúng ta thấy dự án quảng trường Thủ Thiêm sẽ tốn kém hơn nhiều so với số vốn 2.000 tỉ đồng mà lại ít có tác dụng thu hút đầu tư công trình cao tầng vào khu vực, do đó chưa nên đầu tư quy mô lớn vào thời điểm hiện tại mà nên dành nguồn vốn ngân sách ít ỏi hiện nay cho các dự án hạ tầng cùng cầu, đường để kích thích phát triển Thủ Thiêm trước. Khi khu trung tâm Thủ Thiêm đã thành hình cơ bản, lúc đó, việc xây dựng quảng trường Thủ Thiêm mới thực sự phát huy hiệu quả.
Ba bước cho Thủ Thiêm
Bước 1 - Khởi động khu trung tâm Thủ Thiêm: Về giao thông, tạo kết nối chiến lược bằng cách xây dựng trục đường vòng trung tâm của khu trung tâm Thủ Thiêm, kết nối với trục trung tâm Lê Lợi của khu trung tâm hiện hữu qua 2 cây cầu Tôn Đức Thắng và Hàm Nghi.
Bước 2 - Tiếp tục các chính sách khuyến khích đầu tư cho các khu vực lân cận: Về giao thông và hạ tầng: Xây dựng các tuyến nhánh kết nối với tuyến chính nói trên, bao gồm 2 tuyến đường nhánh nằm hai bên quảng trường Thủ Thiêm chạy ra bờ sông với hạ tầng đầy đủ, phục vụ cho các công trình cao tầng được xây dựng đồng bộ dọc theo chúng. Về quy hoạch: Tiếp tục điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với mục tiêu phát triển dự án và mục tiêu thu hút vốn đầu tư tư nhân trong việc xây dựng các cụm công trình cao tầng quy mô lớn dọc theo các trục đường đã xây dựng. Trong thời gian này vẫn chưa nên xây dựng quảng trường Thủ Thiêm mà chủ yếu chỉ trồng cây và thảm cỏ. Về chính sách: Xem xét bổ sung các chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng phù hợp.
Bước 3 - Xây dựng các công trình phúc lợi xã hội: Về hạ tầng, xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội (bao gồm trường học, bệnh viện, công viên) để phục vụ cho số lượng dân cư và nhu cầu sử dụng ngày càng tăng. Thời điểm xây dựng quảng trường Thủ Thiêm thuận lợi nhất là khi đã xây dựng xong phần lớn những công trình cao tầng ở ranh 2 bên và hồ Thủ Thiêm với kênh rạch nối ra sông Sài Gòn. Về quy hoạch: Lúc này, các dự án tại các vị trí còn lại của Thủ Thiêm đã có thể tự thân vận động để phát triển dần dần theo hiệu ứng lan tỏa domino. Các quy định và hướng dẫn quy hoạch kiến trúc cần được kiện toàn để giúp ổn định phát triển đô thị. Về chính sách: Xem xét các chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng phù hợp và các chính sách hỗ trợ giúp người dân an cư lạc nghiệp.
Bình luận (0)