Đó là ý kiến của TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương, khi trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về những thách thức và cơ hội mà TPP mang đến cho Việt Nam.
Phóng viên: Ông có thể đánh giá tác động lớn nhất từ TPP đến nền kinh tế Việt Nam?
- TS Võ Trí Thành: Có thể xem xét lợi ích nằm ở 3 khía cạnh: xuất khẩu, đầu tư và cải cách thể chế.
Tuy nhiên, tác động thứ ba mới là quan trọng nhất. Nó là cú hích cho việc thúc đẩy cải cách thể chế ở Việt Nam. Thực chất, đây là một vấn đề rất cơ bản, trụ cột trong chiến lược phát triển mà chúng ta đang thực hiện nhằm tạo dựng một môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, đàng hoàng. Ở đó, nhà nước đóng một vai trò tốt hơn trong thúc đẩy đầu tư, thương mại và sản xuất, kinh doanh. Từ đó, Việt Nam trở thành điểm hấp dẫn hơn cho các nhà đầu tư. Và xét về ý nghĩa này thì TPP cùng các hiệp định thương mại tự do khác rất nhất quán với cách thức Việt Nam đang làm để cải cách.
Chúng ta phải làm gì cụ thể để tận dụng cơ hội này?
- Chúng ta phải làm rất nhiều điều vì TPP không đơn thuần là tự do hóa ở các lĩnh vực đầu tư, thương mại, dịch vụ, hàng hóa. Nó đòi hỏi rất nhiều cam kết liên quan đến điều tiết chính sách sau biên giới. Đó là những vấn đề về doanh nghiệp (DN) nhà nước, cạnh tranh, sở hữu trí tuệ, mua sắm chính phủ, thương mại điện tử, tiêu chuẩn lao động, tiêu chuẩn môi trường hay các vấn đề liên quan đến xử lý tranh chấp... Tất cả những điều mà TPP đặt ra cũng chính là những điều chúng ta đang mong muốn làm để cải cách thể chế. Thế nên, tôi mới nói TPP về tổng thể nó nhất quán, tương thích với cách thức mà chúng ta đang muốn cải tổ nền kinh tế của mình.
Tuy vậy, với tốc độ cải cách như hiện nay, liệu chúng ta có lo lắng sẽ hụt hơi với TPP?
- Phải nói là có quá nhiều tiêu chuẩn, quá nhiều vấn đề kỹ thuật trong đàm phán được đề ra và đều là những vấn đề rất khó khăn. Nhưng nếu không có khó khăn thì chẳng còn gì để bàn, để làm nữa.
Với TPP, chúng ta đã cam kết thì bắt buộc phải làm. Nó khác với việc chúng ta chỉ nói với nhau trong nhà là “cải cách đi”! Đây là hình ảnh của đất nước với quốc tế, là lòng tin với nhà đầu tư. Đó là áp lực phải thay đổi. Nói TPP là chất xúc tác thúc đẩy cải cách thể chế là vì thế.
Tôi cũng mở rộng thêm rằng trước kia, khi ký Hiệp định Thương mại song phương (BTA) với Mỹ, chúng ta đã rất lo ngại bởi kinh nghiệm chưa nhiều, DN của chúng ta lúc bấy giờ chưa trưởng thành. Thế nhưng, thực tế cho thấy con đường đấy vừa là tất yếu vừa đem lại lợi ích, kể cả sự trưởng thành cho đất nước và cho DN chỉ trong một thời gian vô cùng ngắn. Sau 1-2 năm, Mỹ đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Riêng thương mại đã là một điều kỳ diệu khi trong vòng 15 năm, xuất khẩu sang thị trường này đã tăng 30 lần.
Như thế, không có lý gì khi chúng ta đang cải cách, chúng ta có kinh nghiệm, có điều kiện tiếp cận thị trường tốt hơn mà lại không nghĩ về một cơ hội và có thể tóm được cơ hội từ TPP. Cho nên, cẩn trọng, tính toán không thừa nhưng cần tự tin, không sợ hãi bởi bài học đã có rồi.
Nhưng không thể bỏ qua một bộ phận được coi là “yếu thế” trong nền kinh tế, thưa ông?
- Tận dụng cơ hội từ TPP phải đi cùng với việc giảm bớt ảnh hưởng đối với bộ phận yếu thế, những công đoạn, những nhóm ngành, lĩnh vực... không có khả năng cạnh tranh, chịu tác động tiêu cực từ quá trình hội nhập nói chung và quá trình thực thi TPP nói riêng. Ví dụ như ngành chăn nuôi. Cụ thể là chúng ta phải có cách giảm thiểu những chi phí của các đối tượng này khi họ buộc phải chuyển đổi bởi không cạnh tranh được, phải thu hẹp, phải đóng cửa... Chúng ta cũng phải chấp nhận là không thể làm điều gì đó mà không tốn phí tổn, không phải “hy sinh”.
TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam:
Doanh nghiệp phải “tự cứu”
TPP là niềm vui và cũng là nỗi lo của tất cả chúng ta. Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với những nền kinh tế hàng đầu thế giới trên một sân chơi bình đẳng, trong khi trình độ phát triển và năng lực cạnh tranh của Việt Nam so sánh với các thành viên TPP là thấp nhất.
Do đó, để trụ vững, DN phải chuẩn bị tâm thế “tự cứu lấy mình” và chấp nhận một cuộc cạnh tranh sòng phẳng trong quan hệ với thị trường; phải nắm vững thông tin hội nhập, phải phân tích tác động của tiến trình hội nhập đối với DN và sản phẩm của mình; chuẩn bị kế hoạch hành động chủ động và tích cực trên các phương diện như định hướng thị trường, đối tác, đổi mới phương thức sản xuất và quản trị...
Song song đó, nhà nước cũng phải đẩy mạnh cải cách thể chế để bảo vệ và tạo điều kiện thuận lợi cho DN phát triển, hậu thuẫn cho đội ngũ doanh nhân. Tuy vậy, vấn đề cải cách không chỉ nằm ở khuôn khổ pháp luật, chính sách vĩ mô từ tầm Chính phủ, trung ương mà còn ở bộ phận địa phương, bộ phận thực thi pháp luật bên dưới. Thách thức lớn nhất của công cuộc cải cách là phải giải quyết được tồn tại này.
Ông Nguyễn Văn Toàn, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI):
Thúc đẩy nền kinh tế minh bạch
TPP có các điều khoản rất rõ ràng và chúng ta phải theo như: tiêu chuẩn về lao động, môi trường, sở hữu trí tuệ, xuất xứ hàng hóa, DN nhà nước, mua sắm công... Trong đó, cần đặc biệt lưu ý những quy định về DN nhà nước. Theo đó, cần phải bảo đảm nguyên tắc DN nhà nước bình đẳng với các DN tư nhân và DN FDI; không được phép hỗ trợ DN nhà nước thông qua việc đối xử bất bình đẳng với các DN khác. Điều này thúc đẩy tính minh bạch của nền kinh tế; làm nền kinh tế lành mạnh hơn; giảm được hàng giả, hàng nhái, bảo vệ quyền lợi của cả người sản xuất, người sáng chế và người tiêu dùng.
Tuy nhiên, Việt Nam là nước có trình độ phát triển thấp nhất trong các nước thành viên TPP nên khi “chơi” với những quốc gia có nền tảng kinh tế rõ ràng, minh bạch thì phải phấn đấu. Đó là sức ép cho cải cách thể chế. Sức ép tạo nên sự phát triển, đồng thời loại trừ những gì tồn tại, yếu kém. Chúng ta đứng trước lựa chọn hoặc cải tổ hoặc bị đào thải? Luật chơi rất hay nhưng rất nghiệt ngã.
Ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày Túi xách Việt Nam:
Tất yếu phải thay đổi
Ví dụ, một đặc điểm của TPP cũng như của các hiệp định thương mại thế hệ mới là nó không chỉ chi phối hàng hóa trước biên giới bằng thuế quan mà khi vào thị trường nội địa rồi vẫn tiếp tục bị chi phối bởi những điều kiện về tiêu chuẩn chất lượng. Như thế, song song với kiểm soát hàng nhập khẩu thì hàng trong nước cũng phải nâng dần tiêu chuẩn lên cho dù chỉ tiêu thụ nội địa. Chưa kể TPP sẽ tạo sự cạnh tranh lớn về nguồn lực khiến các DN yếu thế về tài chính, phương thức kinh doanh không ổn định, không có năng lực tham gia chuỗi, chỉ làm gia công chắc chắn sẽ gặp khó và phải đóng cửa. Mặt khác, TPP buộc chúng ta phải thay đổi các quy định ưu tiên cho DN nhà nước để mở rộng cho các DN trong TPP, thay đổi cách hành xử đối với mua sắm công và rất nhiều vấn đề khác... Tất cả những điều đó gộp lại làm cho chúng ta phải thay đổi.
Thùy Dương ghi
Bình luận (0)