Thừa chỗ này, thiếu chỗ kia
Đến nay, cả nước có khoảng 979.500 nhà giáo, tăng 11% so với 5 năm trước. So với định mức, tỉ lệ học sinh mầm non/giáo viên (GV), tỉ lệ GV/lớp ở tiểu học đạt và cao hơn mức quy định. Trong khi đó, tỉ lệ GV/lớp đối với THCS và THPT thấp hơn so với quy định. Cơ cấu đội ngũ GV phổ thông không đồng bộ, vừa thừa vừa thiếu, ảnh hưởng lớn đến mục tiêu giáo dục toàn diện. GV phổ thông đang thiếu trầm trọng.GV các trường THCN và dạy nghề đa phần có trình độ ĐH nhưng về số lượng và khả năng giảng dạy thực hành còn yếu.
Đội ngũ giảng viên các trường ĐH cũng đang rất thiếu. Đội ngũ giảng viên được đào tạo một cách hệ thống ở nước ngoài từ những thập kỷ 50 - 60 của thế kỷ trước đang là tiến sĩ, giáo sư, phó giáo sư có kinh nghiệm sư phạm đều đã ở tuổi 70 và đã nghỉ hưu, trong khi đội ngũ kế cận chưa được chuẩn bị ngang tầm. Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Nguyễn Đình Hương, trong những năm gần đây số lượng giảng viên ĐH tuy có tăng thêm nhưng không theo kịp sự phát triển của quy mô giáo dục ĐH.
“Gạ tình lấy điểm” không phải do thu nhập thấp
Tính đến nay, cả nước có khoảng 10.400 cán bộ quản lý giáo dục làm việc ở bộ, sở, phòng; khoảng 80.000 cán bộ làm việc tại các trường từ mầm non, phổ thông đến CĐ-ĐH.
Qua giám sát, Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng kết luận: Cán bộ quản lý trong những năm gần đây có xu hướng buông lỏng quản lý giáo dục, không kiên quyết xử lý, đấu tranh với những tiêu cực như gian lận trong thi cử, trong cấp phát văn bằng, chứng chỉ, đánh giá luận văn thạc sĩ, tiến sĩ. Một bộ phận cán bộ quản lý giáo dục tham gia vào các hiện tượng tiêu cực, tiếp tay cho sự gian dối của người học. Vì vậy, tình trạng gian dối trong học tập đã xảy ra và kéo dài trong nhiều năm, bằng cấp tăng nhưng kiến thức không tăng bao nhiêu.
Theo ủy ban này, việc bảo đảm đời sống cho nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục cũng nhằm bảo đảm chất lượng giáo dục. Chống tiêu cực đang là bài toán đòi hỏi có lời giải cơ bản và phải được giải bằng hệ thống giải pháp, bao gồm việc giải quyết đời sống, xây dựng đạo đức, lối sống, nâng cao năng lực quản lý và xử lý nghiêm minh những sai phạm.
“Nói nguyên nhân sâu xa của việc suy thoái đạo đức là do thu nhập thấp thì chỉ cần mỗi việc nâng lương là xong” – ông Tào Hữu Phùng không đồng tình – “Chuyện gạ đổi tình lấy điểm không phải là do thu nhập thấp”.
Kiến nghị khôi phục chế độ thâm niên Theo ông Tào Hữu Phùng, sự yếu kém của giáo dục ĐH hiện nay là chất lượng chưa cân xứng với quy mô đào tạo. Phải mổ xẻ xem cơ chế nào đẻ ra học thêm, dạy thêm tràn lan; có chính sách tiêu chuẩn hóa lại cách đánh giá, kiểm tra chất lượng hằng năm. Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng kiến nghị đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục bảo đảm chất lượng, chuẩn hóa, đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu. Hai trường sư phạm trọng điểm ở Hà Nội và TPHCM cần mở rộng quan hệ hợp tác với nước ngoài để tập trung đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo nòng cốt. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Vọng kiến nghị khôi phục chế độ thâm niên trong ngành giáo dục. |
Bình luận (0)