Cựu phi công Mai Trọng Tuấn - người đầu tiên đề xuất bay thẳng Hà Nội - TP HCM (thường được gọi là "Đường bay vàng") vừa viết thư gửi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng để cung cấp thêm một số nội dung về "Nguồn gốc và sự thật về đường bay vàng".
Bức thư có 2 nội dung, phần 1 đề cập đến nguồn gốc, sự thật về đường bay vàng, phần 2 nói về những ngộ nhận của ông Trần Đình Bá liên quan đến đường bay này.
Theo ông Mai Trọng Tuấn, đường bay vàng có nguồn gốc từ dự án VUETA (Vietnam Union Export Tourism Aviation) viết năm 1983. Trong đó có đề xuất mở đường bay chung cho 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia kéo thẳng kinh tuyến 1060 Đông từ Hà Nội đi TP HCM, rút ngắn được quãng đường bay 110 km.
Nếu bay theo đường này thì lợi ích kinh tế là cứ 9 chuyến bay sẽ được lãi ra 1 chuyến. Hơn 20 năm sau, nhiều nội dung của dự án VUETA đã được triển khai thực hiện trong ngành hàng không, riêng việc nắn đường bay thẳng Hà Nội - TP HCM vẫn chưa được tiến hành nên năm 2009 ông Mai Trọng Tuấn tái đề xuất nội dung này lên Thủ tướng Chính phủ.
Sau đó, Văn phòng Chính phủ liên tục có 2 công văn số 2241/VP-ĐTMT và công văn số 4920, truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam gặp, trao đổi trực tiếp với ông Mai Trọng Tuấn về đề xuất đường bay vàng, báo cáo Thủ tướng chính phủ.
Trong văn bản báo cáo trình Thủ tướng sau đó, Cục Hàng không đề ra một loạt lý do không thể thực hiện được. Tuy nhiên, Cục Hàng không cũng thừa nhận: “Đường bay theo kinh tuyến 106o Đông, nối Hà Nội - TP HCM, rút ngắn được 142 km so với đường bay hiện tại”. Ông Mai Trọng Tuấn đánh giá 2 con số 110 km và 142 km có thể rút ngắn được nếu bay dựa theo kinh tuyến 1060 Đông là tương đối chính xác. Vì khi viết dự án VUETA, đường bay Hà Nội xuất phát từ sân bay Gia Lâm, còn sau này tính từ sân bay Nội Bài.
Nếu lập được đường bay thẳng, đường bay giữa Hà Nội và TP HCM sẽ được rút ngắn khoảng 110 km. Đồ họa: PHƯƠNG ANH
Cũng theo cựu phi công Mai Trọng Tuấn, ông Trần Đình Bá - tác giả "Dự án hạch toán kinh doanh có lãi cho hàng không Việt Nam theo phương pháp Trần Đình Bá" lại khẳng định có thể rút ngắn được 412 km, tương đương với 26 phút bay nếu khai thác bằng máy bay Boeing 777 là "hoàn toàn hoang tưởng".
Trong thư, ông Mai Trọng Tuấn cũng nói rõ sự vào cuộc của ông Trần Đình Bá ở dự án đường bay vàng. Cụ thể là tháng 6-2009, ông Trần Đình Bá lần đầu tiên gặp ông Mai Trọng Tuấn với thái độ nhiệt tình, vui vẻ, hăng hái ủng hộ đề xuất đường bay vàng của ông Tuấn. Ông Trần Đình Bá bàn bạc sẽ đứng ra thách đố với cục Hàng không, như vụ thách đấu ở KEANGNAM – Hà Nội với mức đặt cược 10 triệu USD nhưng sau giảm xuống 5 triệu USD.
Về phương pháp tính toán, đường bay thẳng của ông Trần Đình Bá, ông Mai Trọng Tuấn nhận xét đó là phương pháp tính toán rất kỳ quặc.
Trong thực tế, đề án bay thẳng Hà Nội - TPHCM đã được Cục Hàng không Việt Nam xem xét tính khả thi từ năm 2009, dựa trên đề xuất của ông Mai Trọng Tuấn và đến năm 2011 lại xới xáo lại một lần nữa với sự đề xuất của ông Trần Đình Bá. Sau khi đã chứng minh những đề xuất nói trên chưa có tính khả thi, Bộ Giao thông Vận tải đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề xuất khép lại việc nghiên cứu đề án này và được Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải có văn bản chấp thuận.
Tuy nhiên, sau đó, ông Trần Đình Bá liên tục có tâm thư đề xuất khiến Bộ trưởng Đinh La Thăng giao Cục Hàng không Việt Nam tính toán phương án nắn thẳng đường bay Hà Nội - TP HCM với mục đích giảm thời gian bay, từ đó tiết kiệm chi phí khai thác, có cơ sở để giảm giá vé cho hành khách. Từ sự chỉ đạo này, Cục Hàng không Việt Nam đang triển khai dự án thiết lập đường bay thẳng Hà Nội - TP HCM qua không phận Lào và Campuchia song chưa đủ cơ sở dữ liệu để đưa ra kết luận tiết kiệm được bao nhiêu thời gian và chi phí khai thác.
.
Bình luận (0)