Hậu quả của việc ban hành thông tư có quy định trái luật gây thiệt hại về thời gian, tiền bạc cho người dân.
Thông tư 58 có những quy định không đúng thẩm quyền, nó phải được quy định từ cấp nghị định của Chính phủ trở lên chứ không phải ở cấp bộ nên việc làm của Bộ Giao thông Vận tải là vượt quyền.
Hơn thế nữa, những người thực thi việc soạn thảo Thông tư 58 đã không chấp hành Nghị định 34/2016/NĐ-CP “Quy định chi tiết biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật”, như đánh giá tác động của chính sách; khảo sát, điều tra xã hội học; đánh giá thực trạng quan hệ xã hội có liên quan đến các chính sách trong đề nghị xây dựng thông tư; lấy ý kiến trong quá trình lập đề nghị xây dựng thông tư. Trong trường hợp này, thiết nghĩ cần thiết có thể tổ chức họp để lấy ý kiến về đổi giấy phép vì nó liên quan đến ít nhất 70%-80% dân số. Nghiên cứu ý kiến góp ý để hoàn thiện đề nghị xây dựng thông tư; báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến phải được đăng tải cùng các tài liệu khác trong hồ sơ đề nghị xây dựng thông tư trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Giao thông Vận tải… Bỏ qua các quy định này là cơ quan soạn thảo thông tư vừa thiếu ý thức chấp hành pháp luật vừa có hơi hướng thói cửa quyền tùy tiện.
Vì thế, không chỉ xin lỗi mà phải xử lý trách nhiệm của những người đưa ra nghiên cứu, đề xuất ban hành quy định đó vì đã làm cho xã hội mất thời gian, tiền bạc. Đồng thời, phải xử lý kỷ luật những cán bộ này chứ không thể chỉ rút kinh nghiệm sâu sắc.
Lâu nay, một số cơ quan công quyền và công chức quen lạm dụng việc xin lỗi như chiêu bài để hộ mệnh. Vì thế, đã đến lúc phải kiến tạo một nền hành chính phục vụ thay cho cai trị. Hành chính phục vụ đòi hỏi trước tiên phải thay đổi hành vi trong hoạt động công vụ cho phù hợp với đòi hỏi của nền hành chính phục vụ. Đó là một nền hành chính đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Người lãnh đạo phải có sự ràng buộc nghĩa vụ trách nhiệm với đơn vị. Phân công, phân cấp trách nhiệm rõ ràng; tăng cường giám sát hoạt động công vụ của công chức. Lâu nay, hoạt động của nền công vụ thiếu vắng sự giám sát của cộng đồng một cách khoa học hữu hiệu về hoạt động của công chức.
Chúng ta đang chủ trương xây dựng nhà nước pháp quyền. Tư tưởng pháp quyền của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện trong hoạt động của Chính phủ, của các cấp chính quyền, các tổ chức, Người đòi hỏi tất cả tổ chức và cá nhân phải chấp hành pháp luật, không ai được đứng trên và đứng ngoài pháp luật.
Công dân sống, làm việc theo pháp luật, được làm những gì pháp luật không cấm, còn cơ quan công quyền và người thi hành công vụ chỉ làm những gì pháp luật cho phép. Cả xã hội ý thức đầy đủ, thực hiện nguyên tắc vàng này thì mới giữ được ổn định xã hội, tạo môi trường để làm ăn sinh sống, xây dựng thành công nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân.
Bình luận (0)