Đó chỉ là một bi kịch điển hình xảy ra trong lĩnh vực y khoa. Điều đáng nói là những bi kịch như vậy liên tục xảy ra trong những ngày gần đây, đặc biệt trong sản khoa. Điển hình như vụ mẹ con sản phụ Nguyễn Thị Yến Linh tử vong một cách “bí ẩn” sau khi vào Bệnh viện Phụ sản Tiền Giang ngày 23-2. Vụ việc này cơ quan công an phải vào cuộc điều tra. Hay như cái chết đau lòng của mẹ con sản phụ Võ Thị Vân tại Bệnh viện Đa khoa huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An hôm 8-3, buộc Sở Y tế tỉnh Nghệ An phải chỉ đạo tạm đình chỉ công tác y, bác sĩ ca trực hôm đó để làm rõ vụ việc.
Những bi kịch nêu trên có phải do sai sót y khoa (medical malpractice)? Theo Viện Y khoa Mỹ, sai sót y khoa là “thất bại trong thực hiện một việc làm (không theo như ý định được vạch ra lúc ban đầu) hay sai lầm trong lúc lên kế hoạch hành động để hoàn tất một mục tiêu”. Như vậy, sai sót y khoa được hiểu là xảy ra trong quá trình thực hiện việc chăm sóc sức khỏe và bệnh nhân bị gây thương tật hoặc tử vong mà hầu hết các trường hợp đều liên quan đến sơ suất y khoa.
Nếu theo định nghĩa này, cả 3 trường hợp nêu trên không thuộc phạm trù sai sót y khoa, có nghĩa là không thuộc khái niệm “sai sót chuyên môn kỹ thuật” (cụm từ mà trong Luật Khám chữa bệnh (2009) của Việt Nam thường sử dụng, tương tự như khái niệm “sai sót y khoa”). Như vậy, nó thuộc phạm trù nào? “Tắc trách y khoa” - một bạn đọc đã bình luận như vậy về trường hợp em Trương Chí Nguyện.
Em Nguyện được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Bạc Liêu sau khi đã sơ cứu ở bệnh viện huyện, được chẩn đoán bị gãy 1/3 dưới xương đùi phải, bác sĩ yêu cầu điều trị 7-10 ngày rồi mới bó bột. Tuy nhiên, qua 4 ngày, người nhà thấy sức khỏe của em Nguyện ngày càng xấu, vết thương tím tái, sưng to, sốt cao, mê sảng nhưng bác sĩ không cho chuyển viện và đến khi chuyển viện thì đã trễ, vết thương đã hoại tử khiến chân của em không thể cứu được!
Rõ ràng đây là hành vi tắc trách, thiếu trách nhiệm với bệnh nhân. Điều này lại thuộc về phạm trù đạo đức, hay nói một cách khác là vi phạm y đức.
Vậy hành vi tắc trách, thiếu trách nhiệm có nguồn gốc từ đâu? Có thể xuất phát từ một nền y tế xin - cho, khi mà người đi chữa bệnh, dù phải trả tiền nhưng vẫn là “người đi xin” và nhiều nguyên nhân nữa như những quy định về chuyển viện chẳng hạn... Tuy nhiên, trên hết vẫn là khâu đào tạo. Từ lâu, các chuyên gia cho rằng cần phải đổi mới cả triết lý, mục tiêu đào tạo lẫn chuyên môn... mới hy vọng lấp được những khoảng trống vẫn tồn tại lâu nay trong hệ thống đào tạo y khoa ở nước ta nhưng việc đổi mới lại quá chậm chạp...
Như vậy, những cái chết do thiếu trách nhiệm tương tự trong ngành y tế ở nước ta biết bao giờ mới dừng lại?
Bình luận (0)