Sáng 14 - 6, tại Hội trường Thành ủy TPHCM, hàng trăm người đến chứng kiến bà Trương Mỹ Hoa, nguyên Phó Chủ tịch nước, trao bức tượng đồng Vừ A Dính cho đại diện Bảo tàng Tuổi Trẻ VN và UBND huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên.
Ít người biết rằng Vừ A Dính hy sinh không kịp để lại một tấm ảnh chân dung nào. Bức tượng đồng nặng 80 kg này được tạc từ khuôn mặt người cháu ruột của Vừ A Dính.
Tượng Vừ A Dính được ra mắt vào ngày giỗ thứ 60 của anh
Khuôn mặt tan vào núi rừng
“Để tạc tượng Vừ A Dính phải có chữ ký xác nhận của chủ tịch UBND xã, huyện nơi anh ở. Vì lỡ đâu, khi tạc tượng xong, có người bảo tượng không giống Vừ A Dính”- bà Trương Mỹ Hoa giải thích.
Để kịp kỷ niệm 60 năm ngày giỗ của Vừ A Dính, Quỹ Học bỗng Vừ A Dính đã quyết định tạc tượng người anh hùng này. Nhưng đó là điều không dễ dàng vì khuôn mặt cậu bé làm đội viên liên lạc cho đội vũ trang huyện Tuần Giáo năm xưa đã tan vào núi rừng Tây Bắc.
Người Mông ở bản Đề Chia, xã Pú Nhung, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên còn truyền tai nhau cái ngày định mệnh của cậu bé sống trong bản có cái tên Vừ A Dính.
Sáng hôm ấy, núi rừng mù sương, cách nhau vài bước chân đã không nhìn thấy mặt, Dính bất ngờ rơi vào ổ phục kích của giặc. Lúc đó, trên người Dính đang đeo cả trăm viên đạn.
Xác định đây là một liên lạc viên của du kích, bọn giặc hỏi: “Nói, ông tỉnh ở đâu?” (bọn giặc gọi cán bộ Việt Minh của tỉnh Lai Châu là ông tỉnh). “Không biết!”, Dính đáp.
Chúng thay nhau đánh đập Vừ A Dính đến tận trưa. Đêm đến, mặc cho sương lạnh buốt, bọn giặc trói Dính dưới gốc cây đào rồi bỏ đói giữa rừng. Sang ngày thứ 3 kể từ khi bị bắt, biết mình không thể thoát, Dính bảo sẽ chỉ chỗ ông tỉnh cho giặc.
Sau khi được uống vài ngụm nước, Dính quát: “Làm cáng cho tao”. Bọn giặc khiêng Dính đi từ ngọn núi này sang khu rừng khác. Loanh quanh một ngày, Dính dẫn bọn chúng quay về điểm xuất phát.
Biết bị lừa, bọn giặc xả đạn vào ngực Dính rồi treo xác lên cây cổ thụ. Những người Thái, người Mông, người Xá bị địch bắt đi ngang qua chỗ Dính đều không thể cầm nước mắt.
Lấy gương mặt cháu tạc tượng chú
Những người chứng kiến sự hy sinh của Vừ A Dính, từng biết khuôn mặt Dính rồi cũng mất dần theo thời gian, do chiến tranh. Gia đình Dính gồm 11 người thì cha Dính bị giặc Pháp thủ tiêu, mẹ và 7 chị em của Dính cũng bị giặc giam rồi bắn chết.
Hy vọng tạc tượng Vừ A Dính đổ dồn vào người duy nhất trong gia đình Dính thoát khỏi sự càn quét của giặc và còn sống đến ngày nay là ông Vừ Gà Lử, anh cả của Dính, năm nay đã 83 tuổi.
Ông Phạm Thành Long, Giám đốc Quỹ Học bổng Vừ A Dính, người trực tiếp về huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên để tìm gia đình ông Vừ Gà Lử kể lại: Sau khi được hỏi còn nhớ khuôn mặt em trai mình không, ông Lử bảo: “Nhớ lắm! Thằng Vừ A Sử, con út của tôi, giống em tôi lắm. Có thể lấy khuôn mặt nó làm tượng Vừ A Dính”.
Theo ông Lử, Sử chỉ khác chú mình vết sẹo ở cằm. Dính không có sẹo còn Sử mang sẹo, vì hồi nhỏ đi chăn trâu bị ngã. Thế là Vừ A Sử, cháu của Vừ A Dính, năm nay đã 37 tuổi, trở thành mẫu để đúc tượng người anh hùng 15 tuổi Vừ A Dính.
Vừ A Sử được chụp hình từ nhiều góc độ, sau đó những tấm hình này được nhào nặn bằng kỹ thuật vi tính để “trẻ” ra. Nghệ nhân Vũ Văn Bảy, một người chuyên nặn tượng danh nhân, đã chuyển hóa những bức ảnh A Sử thành bức tượng đồng nặng 80 kg. Khi nhìn những tấm ảnh chụp tượng phác thảo, ông Vừ Gà Lử mừng rỡ: “Tượng rất giống em tôi!”.
Quỹ Học bổng Vừ A Dính đón nhận Huân chương Lao động hạng ba
|
Bình luận (0)