Ngày 19-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) đã cho ý kiến về đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế và thảo luận chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH năm 2013.
Một trong những nội dung được các đại biểu quan tâm là nguồn lực tài chính để thực hiện tái cơ cấu kinh tế lấy từ đâu ra lại chưa được đề án nói đến. Theo ý kiến của một số thành viên Ủy ban Kinh tế, chi phí cần thiết để thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, bao gồm cả chi phí kinh tế - xã hội, thời gian… có thể lên tới 10% GDP. “Việc tính toán chi phí để thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế là hết sức cần thiết, nhất là trong điều kiện nguồn lực bị hạn chế, cả về tài chính và nhân lực như Việt Nam. Tính toán chi phí này sẽ góp phần xác định những nội dung cần ưu tiên thực hiện, tránh dàn trải, lãng phí” - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu nhìn nhận.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển, tái cơ cấu kinh tế phải khắc phục được căn bệnh “thừa tiền cục bộ”, tức là chuyển dịch nguồn lực tài chính từ nơi kém hiệu quả sang nơi có hiệu quả cao hơn. Đồng thời, phải xây dựng hệ thống chỉ tiêu cảnh báo rủi ro trong nhiều lĩnh vực, từ nợ công, xuất nhập khẩu đến thị trường lao động, qua đó công khai để xã hội giám sát.
Từ góc độ xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng tốc độ chuyển dịch cơ cấu lao động hiện không theo kịp mức tăng trưởng của nền kinh tế. Năng suất lao động bình quân của nước ta hiện nay không những thấp hơn nhiều so với các nước phát triển mà còn thấp hơn so với năng suất lao động của Trung Quốc (chỉ bằng khoảng 52%). Vì vậy, làm thế nào để đột phá về năng suất lao động là vấn đề rất cần được chú trọng trong đề án.
Theo đề xuất của Chính phủ, chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2013 gồm 59 dự án (56 luật, 3 pháp lệnh). Trong đó, chương trình chính thức có 35 dự án luật và 3 pháp lệnh. Về điều chỉnh chương trình năm 2012, Chính phủ đề nghị lùi thời hạn trình dự án Luật Đất đai (sửa đổi) từ cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 (cuối năm 2012) sang cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5-2013) và thông qua tại kỳ họp thứ 6 để có thêm thời gian chuẩn bị trình QH cùng với việc thông qua Hiến pháp 1992 sửa đổi.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết đất đai là một trong những lĩnh vực có ảnh hưởng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Việc sửa Luật Đất đai sẽ góp phần giải quyết một số vấn đề bức xúc liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất.
Về dự án Luật Thủ đô, Ủy ban Pháp luật đề nghị xem xét, thông qua theo quy trình tại 2 kỳ họp. Theo đó, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 và thông qua tại kỳ họp thứ 5. Để bảo đảm chất lượng dự án Luật Đô thị, Ủy ban Pháp luật tán thành với đề nghị của Chính phủ kéo dài thêm thời gian làm luật này một năm, sẽ thông qua tại kỳ họp thứ 6 (cuối năm 2013).
Đáng chú ý, theo ông Phan Trung Lý, đoàn đại biểu QH Đà Nẵng đã đề nghị bổ sung vào chương trình dự án Luật Cư trú sửa đổi, xem xét lại những điều kiện nhập khẩu vào các TP lớn. Đoàn Đại biểu QH Đà Nẵng lý giải thực tế hiện nay, các điều kiện nhập khẩu được quy định trong Luật Cư trú rất rộng, gây khó khăn nhất định trong công tác quản lý đô thị, ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế cũng như an ninh trật tự ở các đô thị lớn.
Bình luận (0)