Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, ông Bùi Văn Cường, hôm 25-6 đi khảo sát việc xây dựng Bảo tàng Chiến sĩ Gạc Ma và tượng đài Chiến sĩ Gạc Ma nằm trong Khu Tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma (ở huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa).
Khắc họa chân thật về Gạc Ma
Theo phương án đưa ra, trung tâm của Bảo tàng Chiến sĩ Gạc Ma là hồ nước có 64 bông hoa biển tượng trưng cho 64 chiến sĩ gắn kết xung quanh lá cờ Việt Nam. Tổng diện tích xây dựng bảo tàng hơn 900 m2. Kinh phí nghiên cứu, sưu tầm dự kiến khoảng 3,6 tỉ đồng.
Phần trưng bày có diện tích 450 m2 với 3 chuyên đề: “Những bằng chứng lịch sử và pháp lý về chủ quyền quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam, “Chiến sĩ Gạc Ma - Vòng tròn bất tử”, “Công đoàn Việt Nam với biển đảo Tổ quốc”.
Đáng chú ý, “Chiến sĩ Gạc Ma - Vòng tròn bất tử” là điểm nhấn của bảo tàng với các tiểu mục như: Âm mưu và thủ đoạn của Trung Quốc đối với quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Hải quân Nhân dân Việt Nam chuẩn bị lực lượng bảo vệ quần đảo Trường Sa (1987-1988). Đặc biệt, ở mục Diễn biến trận hải chiến Gạc Ma ngày 14-3-1988, kiến trúc sư Nguyễn Anh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kiến trúc quy hoạch TP HCM, chủ nhiệm đề án Bảo tàng Gạc Ma - cho hay trận hải chiến Gạc Ma sẽ được sử dụng một sa bàn kết hợp màn hình trình chiếu và video clip để tái hiện một cách chân thực nhất không gian trận chiến vào thời điểm đó.
Còn ở tiểu mục “Hồi niệm Gạc Ma” sẽ có bàn thờ 64 liệt sĩ, những lá thư, hiện vật của các liệt sĩ tàu HQ-604... “Chúng tôi sẽ làm clip từng chiến sĩ theo hướng sưu tầm hiện vật, kỷ niệm. Mỗi hiện vật gắn với một câu chuyện kể, làm sao cho qua câu chuyện đó tôn vinh những nét đẹp bình dị, chân thực về đời sống, gia đình của các chiến sĩ… Công nghệ sẽ hỗ trợ chúng tôi thể hiện chân thật nhất, sống động nhất có thể” - ông Tuấn nhấn mạnh.
Sử dụng công nghệ hiện đại
Góp ý cho Bảo tàng Chiến sĩ Gạc Ma, ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho rằng cần đưa thêm về toàn cảnh Trường Sa để người xem hình dung. Lưu niệm cũng nên điện tử hóa để khi người viết lưu niệm sẽ được công khai, lưu trữ lâu dài.
“Bảo tàng này phải khác hơn những bảo tàng khác là cảm nhận không gian. Sự kiện 14-3 là “cái đinh” của bảo tàng, không nên sử dụng là một sa bàn mà dùng kỹ thuật ánh sáng, âm thanh, thuyết minh về sự kiện để chuyển tải đến người xem một cách sống động nhất. Không gian thắp hương phải thật sự linh thiêng, làm sao cho người xem phải đứng lại ngậm ngùi chứ không khô khan là dòng chữ ghi tên các liệt sĩ” - ông Hải góp ý.
Ông Nguyễn Hòa, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Khánh Hòa, cho hay việc sưu tầm các hiện vật sẽ gặp không ít khó khăn nên bảo tàng lần này cần thiên về các hiệu ứng sống động, hiện đại, tương tác cao như xây dựng một phòng chiếu 3D với các thực tế ảo rung lắc… để người xem như chứng kiến lại trận đánh Gạc Ma 1988.
Ông Bùi Văn Cường đồng ý với các góp ý trên và yêu cầu đơn vị thiết kế Bảo tàng Chiến sĩ Gạc Ma sử dụng kỹ thuật hiện đại nhất hiện nay để tái hiện trận hải chiến Gạc Ma. “Điểm nhấn của bảo tàng phải thể hiện được sự linh thiêng, xúc động, tưởng nhớ cho người dân và du khách khi tới tham quan, thắp hương, đồng thời tạo hiệu ứng giáo dục cao. Bảo tàng phải được thiết kế, thể hiện như một không gian trên biển, sẽ dành tối đa diện tích cho không gian trưng bày. Bên cạnh đó, cần tham khảo thêm ý kiến đóng góp của Quân chủng Hải quân, Tổng cục Chính trị, Bộ Ngoại giao… ” - ông Bùi Văn Cường nói.
Xây dựng tượng đài tiết kiệm, chất lượng
Tại buổi kiểm tra Khu Tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma, ông Bùi Văn Cường đề nghị lùi thời gian khánh thành tượng đài đến ngày 2-9 để bảo đảm chất lượng. Trước mắt, tạm dừng thi công để tránh lãng phí và tính toán lại phương án hạ cốt nền, có thể hạ bậc xuống 64 bậc tượng trưng cho 64 chiến sĩ… Khu Tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma do Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức xây dựng trên diện tích 2,5 ha với tổng mức đầu tư dự kiến giai đoạn 1 hơn 150 tỉ đồng, lấy từ nguồn đóng góp của người lao động, nhân dân cả nước.
Bình luận (0)