Ngày 23-8, đoàn Ðại biểu Quốc hội TP HCM đã khảo sát và nghe các cơ quan chức năng báo cáo về thực hiện Luật Giao thông đường thủy nội địa (GTÐTNÐ).
Vụ chìm ca nô xảy ra trên biển Cần Giờ, TP HCM mới đây làm 9 người chết Ảnh: XUÂN HOÀNG
CSGT Ðường thủy bị "trói tay"
Ông Trần Thế Kỷ, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP, cho biết TP HCM có hơn 900 km đường sông đi qua, trong khi Luật GTÐDTNÐ lại phân cấp cho nhiều cơ quan quản lý: Cục Hàng hải quản lý 7 tuyến hàng hải (146 km); Cục Ðường thủy nội địa Việt Nam quản lý 16 tuyến thủy nội địa quốc gia (252 km); Sở GTVT TP quản lý 87 tuyến đường thủy nội địa địa phương (574 km). Theo ông Kỷ, việc phân cấp quản lý manh mún không chỉ ảnh hưởng đến công tác quy hoạch phát triển hành lang sông, rạch mà còn ảnh hưởng trong việc xử lý vi phạm, tai nạn giao thông.
Ðại tá Võ Văn Vân, Trưởng Phòng CSGT Ðường thủy - Công an TP HCM, phân tích: TP HCM có 7 tuyến sông được công bố tuyến hàng hải như sông Sài Gòn, Ðồng Nai, Lòng Tàu, Nhà Bè… nên phương tiện hoạt động phải tuân theo Luật Hàng hải. Tuy nhiên, thực tế nhiều thuyền trưởng chạy trên luồng này không nắm vững luật nên rất nguy hiểm. Ðại tá Vân nói: "Chưa kể, Khoản 3, Ðiều 99 của Luật GTÐTNÐ chưa quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của CSGT Ðường thủy nên CSGT không thể xử lý vi phạm trên tuyến hàng hải. Khi xảy ra tai nạn, chúng tôi không thể can thiệp, hỗ trợ. Ví dụ như vụ tai nạn chìm ca nô tại biển Cần Giờ, CSGT cũng chỉ đến ven biển, không thể vào vùng bị nạn để hỗ trợ".
Cũng theo ông Võ Văn Vân, Luật cần bổ sung khái niệm "tai nạn giao thông đường thủy nội địa" bởi qua 8 năm thực hiện, đến nay CSGT chưa rõ khái niệm này nên rất lúng túng khi xử lý tai nạn. Như vụ chìm đò chết người trên rạch Giồng Ông Tố cách đây vài năm không được xem là tai nạn giao thông vì tuyến rạch này chưa được công bố là tuyến thủy nội địa. "Luật cũng cần quy định về "cứu hộ, cứu nạn" trên sông, nhất là qua nhiều vụ chìm tàu xảy ra gần đây, đồng thời phải định rõ ranh giới giữa 2 địa phương để tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm khi xảy ra sự cố" - đại tá Vân nói.
Không nên cho nhập tàu cũ kỹ
Ðể phòng ngừa tai nạn liên quan đến những phương tiện cũ kỹ, không bảo đảm an toàn, ông Trần Thế Kỷ kiến nghị: "Luật nên quy định không cho phép nhập tàu cánh ngầm hoạt động trên 10 năm bởi hiện nay TP HCM có đội tàu cánh ngầm cũ kỹ, nguy cơ gây tai nạn cao".
Theo đại tá Võ Văn Vân, hiện TP HCM có 4 đơn vị kinh doanh tàu cánh ngầm với tổng số 21 phương tiện nhưng chỉ có 11 phương tiện hoạt động, đa số có tuổi đời trên 20 năm được nhập từ Nga và Ukraine. Theo thống kê, từ tháng 6-2007 đến 31-7-2013, toàn TP xảy ra 34 sự cố, tai nạn, trong đó có 2 vụ nghiêm trọng làm 2 người chết, 6 vụ do thuyền trưởng chạy quá tốc độ, 26 sự cố chủ yếu do hỏng động cơ hoặc sóng to làm vỡ kính, bể ống dầu, mắc cạn… Ðặc biệt, 7 tháng đầu năm 2013, đã xảy ra 14 sự cố do hỏng động cơ hoặc phương tiện không đạt được tốc độ quy định. Ðại tá Vân cho rằng CSGT đồng tình với kiến nghị của Bộ GTVT là từ ngày 1-9, tạm dừng hoạt động của tàu cánh ngầm 1 động cơ vì rất nguy hiểm.
Ðại diện Cảng vụ hàng hải TP HCM cho biết hiện nay nhiều phương tiện thủy nội địa và hàng hải hoạt động đan xen nhưng trớ trêu là các quy định về quy tắc giao thông trên đường thủy nội địa không trùng khớp với phòng ngừa đâm va tàu thuyền trên biển. Cụ thể như việc phát tín hiệu tránh vượt giữa 2 phương tiện hoạt động trên sông và biển là 5 tiếng còi nhưng bên dài, bên ngắn, tiềm ẩn nguy cơ va chạm, sự cố trên luồng...
Phải sửa đổi, bổ sung luật Sau khi khảo sát thực tế, ông Huỳnh Thành Lập, Trưởng đoàn Ðại biểu Quốc hội TP HCM, cho biết đồng tình với những kiến nghị của Sở GTVT và các đơn vị quản lý chuyên ngành, bởi thực tế qua 8 năm thực hiện Luật GTÐTNÐ đã bộc lộ nhiều hạn chế, cần sớm sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Những nội dung như phân cấp quản lý tuyến sông và hàng hải nên quy về một mối cho địa phương; xác định ranh giới giữa 2 tỉnh, thành; phân cấp đăng kiểm phương tiện cho địa phương; quy định rõ trách nhiệm, chức năng của CSGT Ðường thủy... sẽ được trình Quốc hội trong thời gian tới. |
Bình luận (0)