Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP HCM, trao tiền hỗ trợ cho bà Lý Thị Ngọc, vợ ông Võ Tới
Đầu bạc tiễn đầu xanh
Gần 1 năm từ ngày đứa con trai duy nhất tử nạn, ông Nguyễn Dũng (SN 1962, ngụ xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi, TP HCM) vẫn chưa thể nào nguôi nỗi đau. Ông không còn tâm trí làm việc, suốt ngày quanh quẩn bên bàn thờ nghi ngút khói nhang, thủ thỉ trò chuyện cùng di ảnh con - em Nguyễn Trí (SN 2000).
“Tôi chỉ có mình Trí nên muốn dành một năm bên cạnh con, lo cho con trọn vẹn. Trí mất rồi nhưng vẫn như bên cạnh chúng tôi. Như lúc này đây, có thể con đang ngồi một nơi nào đó trong nhà để lắng nghe tôi nói chuyện…” - ông Dũng rưng rưng.
Lập gia đình khá muộn, đến năm 38 tuổi, ông Dũng mới có được niềm hạnh phúc làm cha. Vậy mà, chưa đầy 13 năm sau, hạnh phúc ấy đã đột ngột tan biến vào buổi chiều 23 Tết Nhâm Thìn định mệnh. Đang đi xe đạp trên đường, Trí bị 2 thanh niên chạy xe máy tông mạnh từ phía sau rồi bỏ trốn. Em vừa ngã ra đường thì không may bị chiếc xe máy khác cán qua, kéo lê hơn 10 m.
“Đang đi làm thì nhận được điện thoại báo tin của vợ, tôi hoảng hốt chạy về nhưng không kịp nữa. Trí đã vĩnh viễn rời bỏ vợ chồng tôi. Kẻ gây tai nạn đã bị bắt và bị kết án sau đó nhưng con trai tôi thì không bao giờ có thể sống lại” - người cha mất con thảng thốt.
Hết đăm đắm nhìn nụ cười rạng rỡ của Trí trên di ảnh, ông Dũng lại mân mê từng kỷ vật của con. Đây là chiếc cần câu Trí hay cùng bạn mang đi câu cá. Đây là mắt kính, quà ông tặng con sau một chuyến đi xa. Đây là thẻ học sinh ấp ủ những năm tháng tuổi trẻ khát vọng của con… Tất cả vẫn như mới hôm qua. Ông vẫn chưa thể tin được núm ruột của mình bỗng chốc yên ngủ dưới đám cỏ xanh chỉ vì sự thiếu trách nhiệm sau tay lái của những thanh niên nọ.
“Khi còn sống, có lần Trí thủ thỉ với tôi rằng tư thế ngủ của con giống ba. Tôi cười, đem chuyện kể với vợ rồi bảo: “Sau này nếu anh mất, em thấy Trí nằm ngủ là sẽ nhớ tới anh”. Vậy mà… vợ chồng đầu bạc phải khóc tiễn đầu xanh” - ông Dũng thẫn thờ.
Lúc mất, Trí đang là cậu học trò lớp 7 và năm nào cũng được nhận học bổng học sinh xuất sắc của trường. Giấc mơ nối nghiệp gõ đầu trẻ giống mẹ của Trí đã khép lại trong nỗi đau thương vô hạn của gia đình. Không kìm được, ông Dũng lại bật khóc: “Đêm đêm, khi nằm ngủ, tôi lại thấy Trí cười bảo: “Ba ơi, con chết rồi nhưng ba vẫn nuôi con lớn lên nha ba…”.
Dang dở ước mơ
Những ước mơ ươm mầm qua nhiều năm tháng bỗng chốc vỡ nát bởi TNGT. Người nằm xuống mang theo những dự định chưa thành, trong lòng người ở lại cũng hằn sâu khắc khoải.
Sau nhiều năm làm thuê cho người khác, anh Trần Minh Thạnh (SN 1985, ngụ xã Nhuận Đức) tích cóp được một số vốn và bắt đầu biến ước mơ trở thành chủ vườn lan hóa sự thật. Vậy mà, khi những mầm non xanh mướt của vườn lan chưa kịp đâm chồi thì anh đã ra đi vì TNGT.
“Hôm đó, nó vừa trò chuyện với vợ chồng tôi xong thì xin phép đi viếng đám tang. Thạnh chạy xe được một lát thì vợ chồng tôi nghe tin nó gặp nạn. Con trai ra đi đột ngột đến nỗi chúng tôi không thể tin được, xỉu lên, xỉu xuống” - ông Trần Văn Hạnh, cha của anh Thạnh, nghẹn ngào.
Hơn 7 tháng sau ngày Thạnh mất, những cây phong lan anh trồng ngày nào giờ đã khoe sắc rợp trời. Vườn lan ấy bây giờ được cha mẹ anh tỉ mỉ chăm sóc để tưởng nhớ người con hiếu thảo, ngoan hiền. Không chỉ để lại ước mơ tuổi xuân dang dở, đám cưới cùng người con gái anh yêu thương cũng mãi mãi không thể thành…
Sự ra đi đột ngột của ông Võ Tới (SN 1970) cũng khiến người con trai day dứt khôn nguôi. Vợ ông, bà Lý Thị Ngọc (ngụ phường Linh Tây, quận Thủ Đức, TP HCM), chua xót: “Đứa con trai lớn của chúng tôi vừa mới tốt nghiệp và đi làm hồi tháng 9-2012. Thấy ba chạy chiếc xe cũ mèm, nó không yên lòng, quyết tâm để dành tiền lương mua tặng ba chiếc xe mới. Số tiền dành dụm chưa đủ thì ba nó đã qua đời. Đến giờ, con trai tôi vẫn cứ dằn vặt mãi”.
Tức tưởi hơn là cái chết của bà Nguyễn Thị Ri (SN 1937, ngụ xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi). Người con trai duy nhất bị tâm thần, chồng lại mắc bệnh hiểm nghèo nên gánh nặng gia đình dồn hết lên vai bà. Năm tháng trước, chồng bà vừa xuất viện sau khi mổ phổi nhưng lại không có tiền mua thuốc.
Trình chiếu lại 2 vụ TNGT thảm khốc Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia, cho biết vụ tai nạn xe khách trên cầu Sêrêpốk, tỉnh Đắk Lắk đêm 17-5-2012 khiến 34 người chết và vụ chìm tàu trên biển Cần Giờ, TP HCM làm 9 người thiệt mạng hôm 2-8-2013 sẽ được dàn dựng lại bằng hình ảnh để trình chiếu vào đêm mai, 16-11, trong lễ tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì TNGT. Lễ tưởng niệm sẽ diễn ra tại chùa Bái Đính, tỉnh Ninh Bình. Tại TP HCM, buổi lễ diễn ra tối 17-11 ở Công viên Văn hóa Đầm Sen. “Việc trình chiếu lại 2 thảm họa TNGT này sẽ là thông điệp, lời cảnh báo mạnh mẽ đối với ý thức của người tham gia giao thông. Qua đó, cộng đồng sẽ có sự chia sẻ, cảm thông với những mất mát, đau thương của những gia đình có người thân gặp nạn” - ông Hiệp nhấn mạnh. Hàng loạt hoạt động sẽ diễn ra trong những ngày tới để hưởng ứng năm thứ 2 Ngày Thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì TNGT. Sáng đầu tuần vừa qua, 11-11, khoảng 16 triệu học sinh tại 28.630 trường tiểu học, THCS, THPT trên cả nước đã dự buổi lễ chào cờ đặc biệt - nghe thông điệp tưởng niệm các nạn nhân. Trước đó, ngày 9-11, đoàn công tác do Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT quốc gia, dẫn đầu đã thăm hỏi nạn nhân bị TNGT đang điều trị tại Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội. Tại TP HCM, đoàn do ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh Văn phòng Thường trực Ủy ban ATGT quốc gia, đã đến Bệnh viện Chợ Rẫy thăm hỏi các nạn nhân bị TNGT…
T. Kha
|
Bình luận (0)