Chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) giữa tuần qua, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho rằng để kéo giảm tai nạn giao thông (TNGT), phải quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp, gắn cho được trách nhiệm của lãnh đạo địa phương trong công tác này. “Tới đây sẽ luật hóa trách nhiệm của lãnh đạo địa phương khi để xảy ra TNGT nhiều và nghiêm trọng” - Phó Thủ tướng khẳng định.
Giảm cả 3 tiêu chí nhưng vẫn phức tạp
Báo cáo của Ủy ban ATGT quốc gia tại hội nghị nêu trên cho biết trong 2 tháng đầu năm 2017 (tính từ ngày 16-12-2016 đến 15-2-2017), cả nước xảy ra 3.465 vụ TNGT làm chết 1.570 người, bị thương 2.660 người; so với cùng kỳ năm 2016 giảm 153 vụ, giảm 20 người chết và giảm 707 người bị thương.
Mặc dù giảm trên cả 3 tiêu chí nhưng vẫn còn 26 địa phương có số người chết vì TNGT tăng, trong đó 10 tỉnh tăng trên 40%, gồm Đắk Nông, Bắc Giang, Lâm Đồng, Phú Yên, Bạc Liêu, Thái Bình, Quảng Trị, Lạng Sơn, An Giang và Yên Bái. Đặc biệt, 3 tỉnh Lạng Sơn, An Giang, Yên Bái có số người chết tăng trên 100%.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình khẳng định trong quý I/2017, mặc dù TNGT đã giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương nhưng tình hình trật tự ATGT còn diễn biến phức tạp. Nhiều vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng cả trên đường bộ, đường sắt và đường thủy liên tiếp xảy ra. “Chúng ta cứ nói TNGT đã giảm cả 3 tiêu chí nhưng các vụ tai nạn nghiêm trọng vẫn xảy ra, gây bức xúc trong nhân dân” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Phó Thủ tướng, để xảy ra tình trạng này có phần trách nhiệm của người đứng đầu địa phương trong công tác bảo đảm trật tự ATGT trên địa bàn, xử lý các vấn đề phát sinh. Do đó, Phó Thủ tướng chỉ đạo các cấp chính quyền cần phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục trong bảo đảm trật tự ATGT trên địa bàn.
Nhấn mạnh đến vấn đề luật hóa trách nhiệm của lãnh đạo địa phương, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải cần nhanh chóng xây dựng quy định về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với tổ chức và người thực thi công vụ trong công tác bảo đảm trật tự ATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa.
Yêu cầu cấp thiết
Thực tế, việc yêu cầu xử lý trách nhiệm của chính quyền địa phương hay trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra TNGT không phải bây giờ mới được đề cập.
Mới đây, tại phiên họp thứ 8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 15-3, thảo luận về những vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi), nhiều đại biểu bày tỏ lo lắng trước thực trạng nhiều lối đi, đường ngang dân sinh qua đường sắt được mở tràn lan, không có sự cấp phép của các cơ quan có thẩm quyền, không có biển cảnh báo, để xảy ra nhiều vụ tai nạn thảm khốc. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã yêu cầu Luật Đường sắt (sửa đổi) phải giải quyết được vấn đề này.
“Đặc biệt, nơi nào chính quyền để mở đường dân sinh trái phép mà xảy ra tai nạn thì kỷ luật ngay chủ tịch xã, chủ tịch huyện, chủ tịch tỉnh” - Chủ tịch Quốc hội nêu rõ. Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa cho biết sẽ tiếp thu các ý kiến để luật hóa trách nhiệm của địa phương trong Luật Đường sắt sửa đổi, không thể cứ mở đường ngang dân sinh một cách tùy tiện vì như vậy sẽ không thể quản nổi.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia, cho rằng mặc dù Đảng, Chính phủ đã ban hành rất nhiều nghị quyết, chỉ thị về bảo đảm trật tự ATGT nhưng đến nay vẫn chưa ra được các quy định pháp lý về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với người thực thi công vụ.
“Việc gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, đứng đầu chính quyền, cơ quan, đơn vị chức năng và địa phương trong công tác bảo đảm trật tự ATGT hiện vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào quyết tâm chính trị của lãnh đạo. Nơi nào lãnh đạo địa phương làm mạnh, quyết liệt thì chuyển biến; nơi nào chưa quan tâm, thiếu quyết liệt thì dẫn đến tình trạng buông lỏng quản lý nhà nước cũng như tuần tra, kiểm soát vi phạm trật tự, ATGT” - ông Hùng lo ngại.
Trong khi đó, theo Hội ATGT Việt Nam, đây là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh hiện nay. Việc luật hóa sẽ giúp nâng cao trách nhiệm cũng như vai trò của lãnh đạo chính quyền các cấp trong tổ chức thực hiện những quy định của pháp luật cũng như những chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ về vấn đề bảo đảm trật tự ATGT.
Ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hội ATGT Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ:
Càng cụ thể càng tốt
Khi gắn trách nhiệm của người đứng đầu địa phương thì người đứng đầu chính quyền cấp tỉnh sẽ phải sâu sát và phân công nhiệm vụ cụ thể cho lãnh đạo các sở, ngành, huyện, thị; từ cấp huyện sẽ triển khai xuống cấp xã. Như vậy, việc triển khai công tác bảo đảm trật tự ATGT được thông suốt, sâu sát, cụ thể, có hiệu quả, hiệu lực hơn. Quy định trách nhiệm càng cụ thể càng tốt bởi nếu không thì sẽ rất khó quy trách nhiệm, rất khó xử lý khi để xảy ra TNGT trên địa bàn, nhất là tai nạn thảm khốc.
Ông Nguyễn Tấn Tuân, Phó Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa:
Phải có trách nhiệm trước tính mạng của dân
Trước đây, Khánh Hòa từng xảy ra nhiều vụ TNGT nghiêm trọng. Lãnh đạo UBND tỉnh sau khi đứng ra nhận trách nhiệm đã đôn đốc, chỉ đạo tăng cường các biện pháp kiềm chế TNGT. Nhờ vậy, TNGT ở Khánh Hòa những năm gần đây giảm mạnh về 3 tiêu chí.
Theo tôi, để xảy ra TNGT nghiêm trọng tại địa phương nào thì lãnh đạo địa phương đó phải chịu trách nhiệm. TNGT nghiêm trọng càng tăng thì trách nhiệm của địa phương càng lớn vì đó là tính mạng của người dân. Cần xem xét, kiểm điểm trách nhiệm về lỗi của cơ sở hạ tầng hay thái độ tắc trách của các cơ quan quản lý về trật tự ATGT cũng như về công tác tuyên truyền, giải đáp pháp luật cho người tham gia giao thông.
V.Duẩn-K.Nam ghi
Bình luận (0)