Chiều 18-5, phóng viên Báo Người Lao Động đã gặp ông Trần Phú, bố vợ anh Lê Công Bằng, tài xế xe khách bị rơi xuống cầu Sêrêpốk, nằm trên Quốc lộ 14, ranh giới giữa Đắk Lắk và Đắk Nông, đêm 17-5.
Người mẹ già hơn 80 tuổi khóc ngất bên thi thể con trai Lê Công Bằng (SN 1973) và con dâu Trần Thị Thanh Trúc (1972)
Chưa hết bàng hoàng sau cái chết của vợ chồng con gái, ông Phú kể lại, nhà anh Bằng nằm gần Quốc lộ 14, đoạn thuộc huyện Krông Pắk - Đắk Lắk, trên tuyến đường xe khách đi qua. Vì vậy, khi xe khách xuất bến, chỉ có tài xế 1 là Phạm Ngọc Lâm lái xe. Khi xe đi ngang nhà, anh Bằng sẽ lên xe và đảm nhận lái xe đi từ Đắk Nông xuống TPHCM.
“Khoảng 19 giờ ngày 17-5, tôi và gia đình vợ chồng Bằng (vợ là Trần Thị Thanh Trúc và con Lê Thị Bích Trâm) đang ngồi ăn cơm thì Bằng nhận được điện thoại của tài xế Lâm nói là xe bị nổ bình thắng hơi tại xã Ea Phê, huyện Krông Pắk. Bằng gọi điện về HTX Quyết Thắng để nhờ đưa thợ lên sửa xe. Sau gần 1 giờ sửa chữa, xe tiếp tục đi. Khi xe đến, Bằng cùng vợ con lên xe (chị Trúc đưa con xuống TPHCM học đại học). Vậy mà cả 2 vợ chồng nó tử nạn còn cháu thì bị đa chấn thương", ông Phú kể.
Một số người dân ở xã Ea Phê cũng xác nhận chiếc xe tai nạn thảm khốc đã dừng lại bên đường để sửa chữa khá lâu.
Hỗ trợ khẩn cấp cho nạn nhân và gia đình có người bị tai nạn
Chiều ngày 18-5, bà Nguyễn Châu Bích Dung, Chủ tịch Công đoàn HTX Quyết Thắng cho biết: Bước đầu HTX đã quyết định hỗ trợ 20 triệu đồng/nạn nhân tỉnh Đắk Lắk bị tử nạn và 30 triệu đồng/nạn nhân ở ngoài tỉnh bị tử nạn.
Đối với trường hợp bị thương, đã hỗ trợ 2 triệu đồng/nạn nhân, lãnh đạo HTX cũng đã cam kết với Bệnh viện đa khoa tỉnh Đắk Lắk sẽ thanh toán toàn bộ chi thuốc men cho những người bị thương. Riêng những trường hợp bị thương nặng phải chuyển viện xuống TPHCM sẽ được hỗ trợ 25 triệu đồng/ trường hợp.
“Do số người thương vong quá nhiều, HTX chưa chẩn bị kịp nên trước mắt chỉ hỗ trợ như vậy. Sau khi họp bàn, chúng tôi sẽ đưa ra mức hỗ trợ cao hơn”, bà Dung cho biết.
- Ủy ban An toàn giao thông quốc gia hỗ trợ 1 triệu đồng/ người chết, 500.000 đồng/ người bị thương.
- Cục Đường bộ hỗ trợ 1 triệu đồng/ người chết hoặc bị thương.
- Ủy ban Mặt trận tổ quốc tỉnh Đắk Lắk hỗ trợ 3 triệu đồng/ người chết, 1 triệu đồng/ người bị thương.
- UBND tỉnh Đắk Lắk hỗ trợ mỗi gia đình có người bị chết 5 triệu đồng/người, người bị thương 3 triệu đồng/người.
- Hội Chữ thập đỏ tỉnh Đắk Lắk hỗ trợ 1 triệu đồng/1 người chết, 500.000đồng/1 người bị thương. |
Ngoài gia đình tài xế Bằng, có nhiều gia đình khác có 2 người chết trong vụ tai nạn thảm khốc này.
Không còn đủ sức để gào thét bên thi thể 2 đứa con của mình, anh chị Bùi Đức Thuận - Lê Thị Mỹ Dung có 2 con tử nạn là Bùi Thị Thơ (SN 1989) và Bùi Đức Quyền (SN 1998) ngất lịm nhiều lần.
Cặp mắt đờ đẫn, chị Dung không còn khóc ra tiếng nhưng nước mắt vẫn cứ tuôn trào, thỉnh thoảng chị Dung nói những từ gì đó nhưng không ai hiểu.
Anh Lê Đình Linh, cậu ruột của 2 nạn nhân cho biết: Thơ là giáo viên dạy nhạc tại một trường tiểu học còn Quyền đang học lớp 8. Chiều ngày 17-5, 2 chị em ra đón xe đi TPHCM. Thơ đi để chữa bệnh viêm tai, còn Quyền theo chị Thơ và thăm 2 chị học đại học ở đó. Khoảng 5 giờ ngày 18-5, hai cháu ở TPHCM ra bến xe đón chị và em nhưng không thấy, gọi điện cũng không liên lạc được nên gọi về cho gia đình. Bố cháu biết có chuyện chẳng lành nên gọi điện cho nhà xe Quyết Thắng mới hay tin dữ".
Chiều cùng ngày, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia phối hợp với UBND tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức họp khẩn. Tại cuộc họp, các ngành chức năng xác nhận có 35 người chết, 21 người khác bị thương trong vụ tai nạn giao thông thảm khốc này.
Đại tá Nguyễn Văn Định, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết, đến trưa 18-5, công tác khám nghiệm và dọn dẹp hiện trường vụ tai nạn đã được hoàn thành. Hiện nguyên nhân vụ tai nạn vẫn đang được điều tra. Tuy nhiên, có khả năng sẽ không khởi tố vụ án vì 2 tài xế và 1 phụ xe đã tử nạn.
Đám tang đẫm nước mắt của chị em Thơ, Quyền
Vụ tai nạn thảm khốc xảy ra khoảng 22 giờ 15 phút ngày 17-5, trên Quốc lộ 14, đoạn qua cầu Sêrêpốk, ranh giới giữa Đắk Lắk và Đắk Nông.
Vào thời điểm trên, xe khách loại 54 chỗ BKS 47V-2371 (HTX Quyết Thắng, Quốc lộ 26, huyện Krông Pắk, Đắk Lắk) chạy tuyến Đắk Lắk - TPHCM, đang lưu thông theo hướng TP. Buôn Ma Thuột đi TPHCM thì bất ngờ mất lái lao sang bên phải.
Chiếc xe tông rớt một đoạn lan can cầu rồi lao xuống sông Sêrêpốk từ độ cao gần 20 m. Tai nạn làm 32 người tử vong tại chỗ, 3 người chết tại bệnh viện và trên 20 người khác bị thương.
Trong số những người tử nạn có 2 lái xe là Phạm Ngọc Lân (SN 1970, ngụ Khánh Hòa), Lê Công Bằng (ngụ Đắk Lắk) và 1 phụ xe là chị Mai Thị Thanh Ngọc (SN 1990, ngụ Đắk Lắk).
Tại hiện trường, xe bẹp dúm, chìm dưới nước. Ngay sau đó, lực lượng chức năng đã tích cực tham gia cứu hộ nhưng do trời tối, khoảng cách giữa cầu và vị trí xe nằm cách xa nên công tác cứu hộ gặp nhiều khó khăn.
Chiếc xe được trục vớt lên bờ lúc 4 giờ 30 phút ngày 18-5
Chiếc xe khách bẹp dúm sau vụ tai nạn
Đến 2 giờ sáng, các nạn nhân đã được đưa hết ra ngoài và chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Đắk Lắk. 4 giờ 30 phút chiếc xe mới được cẩu lên bờ.
Theo một số nhân chứng, có thể xe khách tránh 2 xe máy đi ngược chiều dẫn đến lạc tay lái và lao vào thành cầu. Tuy nhiên, theo một số nạn nhân sống sót, thời điểm xảy ra tai nạn, họ nghe ở xe phát ra tiếng nổ. Hiện các cơ quan chức năng đang khẩn trương điều tra nguyên nhân vụ việc.
Ông Y Bliu Arul, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk cho biết: "Sau khi nhận được tin báo về vụ tai nạn, chúng tôi tức tốc điều động xuống hiện trường 3 xe cứu thương, 3 kíp trực cấp cứu ngoại viện; có 6 bác sĩ được huy động từ các Khoa ngoại thần kinh, Khoa chấn thương, Khoa ngoại tổng quát, Khoa X- quang, Khoa điều dưỡng; 1 Kỹ thuật viên Khoa X- quang; 6 điều dưỡng; 2 học sinh cùng hỗ trợ, phối hợp với các bác sĩ, y tá Khoa cấp cứu nhằm cấp cứu các nạn nhân kịp thời".
Lực lượng cứu hộ đưa xác các nạn nhân ra ngoài
Tại nhà xác Bệnh viện Đa khoa Đắk Lắk, xác các nạn nhân nằm kín sàn nhà; giấy tờ tùy thân, trang sức, tiền bạc nạn nhân được để lên ngực. Hàng trăm người thân gào khóc thảm thiết bên thi thể các nạn nhân.
Có ít nhất 34 người tử vong sau vụ tai nạn
Anh Nguyễn Văn Khánh (24 tuổi, xã Ea Riêng, huyện M’Đrắk, Đắk Lắk) - người thoát chết trong gang tấc, mặt mày tím tái, kể lại: “Trên xe trước lúc gặp tai nạn số ghế đều kín chỗ, tôi cùng 2 người khác nằm giữa sàn. Khi xảy ra tai nạn, mọi người trên xe đều ngủ say. Lúc đó, bỗng tôi nghe một tiếng va đập vang trời, rồi tiếng người ta hét thất thanh. Tôi bị mắc kẹt dưới sàn, nước ập vào, một lúc sau tôi chui ra được ngoài".
Nỗi đau khi mất người thân
Các nạn nhân được đưa vào Bệnh viện Đa Khoa tỉnh Đắk Lắk
Ông Nguyễn Thành Đức (Chủ nhiệm HTX Quyết Thắng) cho biết chiếc xe mang BKS 47V-2371 bị rơi xuống sông Srêpốk của HTX là xe khách chất lượng cao 47 chỗ ngồi, xuất phát đi TPHCM tại bến xe huyện M' Đrắk lúc 20 giờ tối 18-5. "Chúng tôi chưa biết rõ nguyên nhân vụ tai nạn nhưng theo người dân xung quanh chứng kiến vụ tai nạn thì do tài xế tránh những người đuổi bắt kẻ trộm chó và đâm vào lan can cầu rơi xuống sông" - ông Đức nói.
Danh sách nạn nhân tử vong:
1. Bùi Thị Thơ (SN 1989)
2. Bùi Đức Quyền (SN 1998)
3. Phạm Ngọc Lâm (SN 1970, tài xế 1)
4. Ven A Lập (SN 1970)
5. Trần Thị Thanh Trúc (SN 1972)
6. Hoàng Thị Hồng
7. Nguyễn Ngọc Hiển (SN 1991)
8. Nguyễn Ngọc Hiếu (SN 1995)
9. Phạm Quang Thành (SN 1993)
10. Trần Quốc Hưng (SN 1987)
11. Lê Thị Thu Hà (SN 1987)
12. Đặng Văn Thuận
13.Trần Sử Thanh Trà (SN 1988)
14. Mai Thị Thanh Ngọc (SN 1990, nhân viên bán vé xe khách)
15. Hoàng Ngọc Thắng (SN 1975)
16. Nguyễn Xuân Côi (SN 1987)
17. Nguyễn Hiếu Sơn (SN 1991)
18. Lê Công Bằng 1973 (tài xế xe khách)
19. Nguyễn Thị Tố Linh (SN 1990)
20. Trương Văn Dũng (SN 1983)
21. Trương Thị Điện (SN 1931)
22. Nguyễn Văn Kỷ (SN 1971)
23. Nguyễn Thị Thương Huyền (SN 1992)
24. Nguyễn Đình Tú (SN 1990)
25. Nguyễn Văn (SN 1969)
26. Nguyễn Văn Biên (SN 1993)
27. Hà Thị Lan (SN 1965)
28. Nguyễn Bình Phương ( SN 1991)
29. Ngô Lâm Ngọc Thu
Danh sách nạn nhân đang điều trị tại Bệnh viện Đắk Lắk:
1. Trần Thị Hoài (26 tuổi, ở Quỳnh Lưu, Nghệ An): bị chấn thương sọ não.
2. Nguyễn Thị Thu Thảo (22 tuổi, ở xã Cư Ni, huyện Ea Kar, Đắk Lắk): bị chấn thương đầu.
3. Trịnh Văn Mùi (35 tuổi, ở xã Cư Prao, huyện M' Đ’rắk, Đắk Lắk): bị đa chấn thương.
4. Nguyễn Văn Khánh (23 tuổi, xã Ea Riêng, huyện M' Đrắk): bị đa chấn thương.
5. Y Bông Êban (18 tuổi, xã Cư Đ’răm, huyện Krông Bông): bị gãy xương cẳng chân.
6. Nguyễn Văn Chuyên (60 tuổi, ở xã Cư Prao, huyện M' Đrắk): bị đa chấn thương.
7. Trần Bá Tiến (47 tuổi, ở huyện Sông Hinh, Phú Yên): bị đa chấn thương.
8. Lê Trần Ngọc Trâm (7 tuổi, ở xã Ea Yông, huyện Krông Pắk): bị chấn thương đầu.
9. Phạm Thị Thanh Lan (17 tuổi, ở xã Krông Buk, huyện K rông Pắk): bị đa chấn thương.
10. Bé trai (4 tuổi, chưa rõ danh tính): bị sai khớp háng.
11. Nguyễn Nhựt Trường (32 tuổi, ở Chợ Mới, An Giang): bị vỡ gan.
12. Huỳnh Thị Mỹ Loan (22 tuổi, ở xã Ea Ty, huyện Ea Kar): bị gãy xương cẳng chân.
13. Cương Thị Trung Vinh (22 tuổi, ở xã Ea Riêng): bị chấn thương đầu.
14. Nguyễn Hứa Xuyến (17 tuổi, ở xã Krông Buk): bị đa chấn thương.
15. Bé gái (5 tuổi, chưa rõ danh tính): bị gãy xương đùi.
16. Trần Văn Chuyên (63 tuổi, ở Hương Sơn, Hà Tĩnh): bị chấn thương bụng.
17. Bé gái (5 tuổi, chưa rõ danh tính): bị chấn thương sọ não.
18. Phạm Đình Duy (17 tuổi, ở thị trấn M' Đ’rắk, đã trốn viện): bị gãy xương cánh tay.
19. Lê Tiến Anh (17 tuổi, ở thị trấn Ea Knốp, huyện Ea Kar): bị chấn thương bụng.
20. Nguyễn Thanh Hải (30 tuổi, ở Tây Ninh): bị gãy xương đùi.
21. Đinh Thị Anh Thủy (21 tuổi, ở huyện M' Đ’rắk): bị chấn thương sọ não.
22. Võ Danh Nam (45 tuổi, chưa rõ quê quán): bị đa chấn thương.
Báo Người Lao Động online sẽ tiếp tục cập nhật thông tin vụ tai nạn thảm khốc này.
Bình luận (0)