Không chỉ riêng lục địa châu Phi giàu tài nguyên khoáng sản nhưng vẫn đói nghèo, dịch bệnh, chiến tranh triền miên mà ngay cả Hà Lan giàu khoáng sản cũng đã phải trả bài học đắt giá, không duy trì được vị trí đứng đầu thế giới về phát triển công nghệ điện tử do ỷ lại quá nhiều vào dầu ở biển Bắc. Cái gọi là “căn bệnh Hà Lan” ngày xưa cũng chính là bài học cho ngày nay.
Sách giáo khoa từ thập niên 70 của thế kỷ XX đã ngợi ca nước Việt Nam hình chữ S có “rừng vàng, biển bạc” nhưng đến nay vẫn còn là nước nghèo, lạc hậu. Công luận thời gian qua xôn xao việc ngoài 6,9 tấn vàng bị bán ra nước ngoài, hoạt động của 2 công ty khai thác vàng ở tỉnh Quảng Nam trốn tránh nghĩa vụ đóng thuế, ảnh hưởng không nhỏ đến tài nguyên rừng, gây ô nhiễm rất lớn đến môi trường và độc hại, đặc biệt liên quan đến việc sử dụng thủy ngân.
Trong lĩnh vực khai thác khoáng sản ở Việt Nam, một số nhà địa chất, doanh nghiệp Việt Nam trước đây cũng đã định đầu tư vào lĩnh vực vàng nhưng đều chết yểu. Bởi thế, không thể dựa vào tài nguyên thiên nhiên để phát triển được vì tài nguyên khoáng sản của nước ta rất nhỏ bé, manh mún. Thậm chí không có khoáng sản nào đủ lợi thế để cạnh tranh hiệu quả (nhập khẩu còn rẻ hơn khai thác), trừ than, dầu, khí, nước ngọt, cát, đá, sỏi và đất. Than, dầu khí thì sắp hết (30 năm nữa là đóng cửa bể than Quảng Ninh). Ngay cả đá vôi làm xi-măng, trữ lượng khai thác được và có hiệu quả cũng chỉ có khoảng 2 tỉ tấn.
Thế giới không thiếu những nước nghèo về tài nguyên khoáng sản nhưng đã trở thành nước rất giàu có nhờ cách quản lý như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan - Trung Quốc… Trở lại tình hình nước ta, vào thế giới toàn cầu hóa ngày nay, phát triển dựa vào tài nguyên khoáng sản không phải là cách hay mà phải tập trung vào phát triển tài nguyên con người. Với những loại tài nguyên vật thể thì có thể “thua keo này, bày keo khác” còn loại tài nguyên phi vật thể mà... thất thoát thì không thể tính bằng “keo” mà bằng đời người.
Bình luận (0)