Ngày 15-2, Cơ quan CSĐT Công an TP HCM cho biết vừa bắt giam Hoàng Văn Lập (SN 1983; ngụ quận 10, TP HCM) để điều tra hành vi “Cướp giật tài sản”.
Nảy sinh lòng tham
Theo thông tin ban đầu, cuối tháng 1-2017, sau khi đáp chuyến bay từ Singapore xuống sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM), anh Qiwei Shi (SN 1985, quốc tịch Trung Quốc) đã sử dụng điện thoại để đón xe Uber. Lúc này, Lập nhận được tín hiệu từ anh Shi nên đã đến và đưa về khách sạn trên đường Đồng Khởi, quận 1. Tuy nhiên, khi thấy anh Shi sử dụng iPhone 6S, Lập nảy sinh ý định chiếm đoạt.
Lập đưa anh Shi vào một quán phở trên đường Lê Văn Sỹ (phường 1, quận Tân Bình). Anh Shi vừa xuống xe, Lập tạo cớ kêu anh đưa điện thoại để liên hệ đặt phòng khách sạn. Anh Shi tin tưởng đưa điện thoại thì Lập tăng tốc bỏ chạy. Sau khi chiếm đoạt điện thoại của anh Shi, Lập mang ra một cửa hàng ở quận 11 bán giá 7,3 triệu đồng.
Được sự giúp đỡ của người dân, anh Shi đã đến công an trình báo. Qua truy xét, Công an quận Tân Bình bắt giữ Hoàng Văn Lập.
Trước đó, Trần Đức Trọng (31 tuổi, tài xế Uber) cũng bị Công an quận 1, TP HCM tạm giam để điều tra về hành vi “Cướp tài sản”.
Chị B.T.B.T (SN 1992, ngụ quận 1) cho biết lúc 18 giờ ngày 25-8-2016, chị gọi điện đón xe Uber đi từ đường Đinh Tiên Hoàng đến đường Thi Sách (quận 1) do Trần Đức Trọng lái. Khi xe vừa lăn bánh, chị T. nhận thấy tài xế không đi đúng lộ trình như bản đồ nên nhắc nhở. Lập tức, chị nhận được câu trả lời: “Xin lỗi em, anh đi nhầm”. Nói rồi, tài xế cho xe đi đúng tuyến đường. Tuy nhiên, khi đến hẻm 17 Lê Duẩn (phường Bến Nghé, quận 1), Trọng tấp xe vào lề đường. “Biết có chuyện chẳng lành, tay tôi run đến mức không biết mở cửa như thế nào. Trong đầu cứ nghĩ phải làm sao bảo vệ thai nhi” - chị T. nhớ lại.
Trong lúc bấn loạn, chị T. bị tài xế lấy một vật nhọn kề vào cổ. “Người tôi nổi da gà, tay chân bủn rủn. Khi nghe tài xế nói đưa tiền và điện thoại, nếu không sẽ đâm chết, tôi đưa túi xách để mong được sống sót” - chị T. kể.
Sau đó, Trọng đã lấy 4 triệu đồng, 1 điện thoại di động và trả lại túi xách cho chị T. Khi nghe chị T. than đang mang thai, Trọng đã để lại 1 triệu đồng.
Không bao che
Một nhân viên thuộc bộ phận tư vấn Uber Việt Nam cho biết người dân chỉ cần mất vài giờ hoặc nửa ngày từ việc cung cấp hồ sơ, học tập huấn là có thể tham gia làm tài xế Uber.
Bước đầu, người dự tuyển đăng ký trực tuyến trên hệ thống website hoặc phần mềm Uber trên điện thoại. Tiếp đến, chụp lại giấy tờ như CMND, bằng lái xe, giấy khám sức khỏe, giấy tờ liên quan đến phương tiện điều khiển đăng tải lên để xét duyệt. Sau đó, nhân viên Uber Việt Nam gọi đến các địa điểm tư vấn gồm quận 1, quận Tân Bình, quận Tân Phú, huyện Bình Chánh để tư vấn và tập huấn các kỹ năng.
Trả lời câu hỏi làm sao có thể xác nhận được thông tin sử dụng giấy tờ thật, nhân viên Uber Việt Nam thừa nhận: “Cái này cơ quan chức năng mới xác minh được. Chúng tôi chỉ xem xét hồ sơ đầy đủ hay không, nếu thiếu thì yêu cầu bổ sung”.
Nhân viên này giả định tài xế sử dụng giấy tờ giả và sau đó trộm đồ, uy hiếp khách hàng thì việc truy tìm cũng khá dễ dàng vì trước khi đăng ký làm tài xế phải chụp hình để bổ sung hồ sơ. Như vậy, khi khách hàng tố tài xế taxi Uber có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì Uber Việt Nam sẽ nhanh chóng cung cấp hình ảnh, hồ sơ giấy tờ cho khách hàng và cơ quan công an để phối hợp điều tra. “Trên ứng dụng Uber đều ghi lại thời gian giao dịch, liên lạc với khách hàng và định vị được cả nơi đang di chuyển. Vì vậy, khi tài xế đi đâu, làm gì đều được phần mềm ghi lại” - nhân viên này nói.
Ông Đặng Việt Dũng, Giám đốc Uber Việt Nam, cho biết vào cuối tháng 8-2016, từng xảy ra sự cố giữa người sử dụng và tài xế Uber về việc cướp 3 triệu đồng. Ngay sau khi tiếp nhận vụ việc, nhân viên Uber Việt Nam đã nhanh chóng đến hỗ trợ khách hàng. “Chúng tôi không bao che, khoan nhượng những hành vi sử dụng vũ khí để trấn áp người khác, kể cả tài xế và khách hàng sử dụng ứng dụng Uber. Khi tiếp nhận vụ việc, chúng tôi sẽ liên hệ hai bên để xác minh và khóa tài khoản của tài xế để chờ kết quả điều tra. Nhiều vụ, chúng tôi đã hỗ trợ chính quyền điều tra và xử lý” - ông Dũng khẳng định.
Theo ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP HCM, hiệp hội đã kiến nghị nhiều lần trước những hoạt động vận chuyển hành khách của Uber nhưng vẫn chưa được giải quyết. Ông Hỷ cho rằng loại hình Uber tham gia hoạt động vận chuyển hành khách sử dụng xe không biển hiệu, logo là trái quy định, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc kiểm tra cũng như không bảo đảm an toàn cho hành khách. Thực tế, nhiều vụ tài xế Uber cướp tài sản của hành khách nhưng vẫn chưa có biện pháp ngăn ngừa triệt để.
“Việc tuyển tài xế của một số hãng taxi truyền thống được thực hiện nghiêm ngặt từ các yếu tố về thông tin lý lịch, kiểm tra sức khỏe. Các tài xế khi mới tuyển vào cũng phải qua một lớp đào tạo từ 7 đến 10 ngày về kỹ năng nghiệp vụ, qua đó doanh nghiệp sẽ nhận biết được những người có tình trạng nghiện ngập hoặc bị các vấn đề về sức khỏe… Ngược lại, chất lượng dịch vụ bao gồm cả tài xế và phương tiện của Uber hiện vẫn chưa được kiểm soát, trong đó gồm việc tập huấn nghiệp vụ cho lái xe, niên hạn sử dụng phương tiện. Vì vậy, rất dễ phát sinh những tệ nạn” - ông Hỷ nhận định.
Khó kiểm tra, xử phạt
Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt (PC67), Công an TP HCM cho biết việc kiểm tra, xử phạt phương tiện tham gia kinh doanh theo loại hình Uber sai quy định gặp khó khăn do nhiều trường hợp không phân biệt được với những xe thông thường. “Như Grab đã có phù hiệu và các thông tin cụ thể, còn nhiều phương tiện sử dụng phần mềm khác thì rất khó nhận biết nên việc xử phạt những xe hoạt động sai quy định là không dễ” - đại diện PC67 nói.
Bình luận (0)