Những ngày cuối cùng của tháng 12-2011, số lượng hành khách trên mỗi chuyến phà thưa dần. Cảnh chen chúc, ồn ào trên một đoạn sông không còn nữa, thay vào đó là khoảng không im lặng đến lạ! Nhiều hành khách không giấu được vẻ trầm ngâm, nhìn xa xăm và nghĩ về những chuyến phà kỷ niệm khó quên trên đường mưu sinh trong cuộc đời mình. Những anh tài công, nhân viên làm việc trên phà cũng vậy. Họ làm việc lặng lẽ và chậm rãi như thể níu kéo thời gian dài thêm chút nữa. Nỗi buồn chợt ùa về trong họ nhiều hơn khi nghe hành khách bảo nhau “đây là những chuyến phà cuối cùng”.
Thưa vắng, tiếc nuối
Mỗi ngày, phà Thủ Thiêm có 110 - 120 lượt nối đôi bờ. Chị Ngọc Quỳnh (ngụ phường An Khánh, quận 2 - TPHCM) giọng buồn buồn: “Tôi đã đi phà Thủ Thiêm gần chục năm. Sau này, phà ngừng hoạt động, tôi buộc phải “leo” dốc cầu Thủ Thiêm bởi những người đi bộ hay xe đạp như tôi không được phép qua hầm dìm vượt sông Sài Gòn”. Cũng như chị Quỳnh, không ít người buôn bán bày tỏ sự lo ngại khi sau này phải đi đường vòng xa hơn để sang trung tâm thành phố mưu sinh.
Cùng tâm trạng, trưa 30-12, NSƯT Ngọc Giàu cũng xuống bến, đi phà Thủ Thiêm qua lại sông Sài Gòn. Nơi ấy đã gắn bó với một phần cuộc đời bà và cả gia đình. “Bến phà Thủ Thiêm giống như một mái nhà thứ hai trong cuộc đời của tôi. Gia đình tôi hầu hết đều ăn cơm của Hãng Phà Thủ Thiêm xưa…” - bà nói và xúc động bắt tay các nhân viên của phà Thủ Thiêm.
Sẽ chỉ còn trong ký ức
Trong số 44 nhân viên làm việc tại phà Thủ Thiêm có nhiều người đã công tác hơn 20 - 30 năm. Phà Thủ Thiêm như ngôi nhà thứ hai của họ. Chị Vũ Thị Thủy (52 tuổi), làm ở đây 29 năm, cho biết: “Trong suốt ngần ấy năm công tác, tôi và anh em đồng nghiệp đều có nhiều kỷ niệm khó quên và những kỷ niệm ấy sẽ đi theo suốt cuộc đời chúng tôi. Mấy ngày nay, tôi cảm thấy nôn nao, buồn buồn vì không còn chứng kiến cảnh đông đúc như mọi ngày nữa. Cánh cửa chắn như nặng hơn mọi ngày…”. Không nặng sao được khi mà cánh cửa này sắp đóng lại mãi mãi, chôn chặt những hình ảnh quen thuộc hằng ngày đến nỗi hôm nào không nghe tiếng hành khách, tiếng xe inh ỏi là bữa ấy ăn không ngon.
Phà ngưng hoạt động, nhiều người lo tìm kế mưu sinh khác. Ảnh: HOÀI PHƯƠNG
Anh Trần Quang Đăng, máy trưởng vận hành phà, kể về những lần bỏ khách, chở gấp người bệnh sang bờ bên kia đưa vào bệnh viện cấp cứu mặc cho khách phàn nàn, la mắng. “Lúc đó chỉ biết cứu người là trên hết, nhiều người đồng cảm với hoàn cảnh của bệnh nhân nên chỉ trách móc nhẹ nhàng thôi. Chúng tôi làm vậy là vì trách nhiệm, vì tình người chứ không mong gì. Vậy mà không ít người đã quay lại cảm ơn tụi tôi. Anh em nhân viên phà Thủ Thiêm cảm thấy xúc động và hạnh phúc lắm”.
Thuyền trưởng Nguyễn Thanh Hùng chia sẻ: “Dù biết không còn cơ hội đưa khách qua lại bến sông này nữa, ai cũng buồn nhưng bản thân tôi lại cảm thấy phấn khởi, vui mừng bởi hạ tầng giao thông của thành phố đã phát triển, không còn ngăn sông cách phà nữa”.
Nỗi lo mưu sinh
Người qua phà vắng, những người sống bằng nghề buôn bán nhỏ, chạy xe ôm bên sông cũng rối bời bởi lẽ phà Thủ Thiêm bao năm qua chính là cái “nồi cơm” của cả gia đình họ. Trong thời buổi khó khăn này, kiếm việc mới, ổn định không phải dễ. Chị Lương Ngọc Cúc (nhà ở đường Lương Định Của, phường An Khánh, quận 2), bán nước giải khát gần bến phà Thủ Thiêm, than: “Trước đây, tôi bán nước sâm và nước ngọt, mỗi ngày kiếm được 200.000 đồng, cuộc sống thoải mái. Còn mấy ngày nay, bán được 30.000 - 40.000 đồng là mừng lắm rồi. Phà đóng cửa, tôi cũng không biết làm việc gì để kiếm sống đây”. Bác Nguyễn Văn Pháo (72 tuổi), chạy xe ôm lâu năm ở bến phà Thủ Thiêm, cũng rầu khi phà ngừng hoạt động: “Phà nghỉ, anh em xe ôm gắn bó cả chục năm giờ tứ tán hết. Nơi đây là “cần câu cơm” của mấy anh em xe ôm tụi tôi. Đi nơi khác, khó kiếm sống lắm”.
Có thể nói, phà Thủ Thiêm đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh mà lịch sử đã giao phó, góp phần không nhỏ vào công cuộc xây dựng và phát triển TPHCM ngày một văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Gần 100 tuổi Theo từ điển Địa danh Sài Gòn, địa danh Thủ Thiêm có từ cuối thế kỷ XVIII. Lúc đó, vùng này còn hoang sơ, có nhiều đình, chùa, miếu thờ, người dân đến sống chưa nhiều. Nhưng đến đầu thế kỷ XX, khi bến đò Thủ Thiêm (nay là phà Thủ Thiêm) xuất hiện, nhiều người kéo đến sinh sống, làm ăn và khu vực này dần trở nên đông đúc. Lúc ban đầu, người ta dùng sức người chèo đò sang sông, về sau dần dần thay thế bằng thuyền máy đuôi tôm.
Nhiệm vụ của các chuyến đò ngang lúc bấy giờ là kết nối giao thương đôi bờ sông Sài Gòn. Đến khoảng thập niên 60 của thế kỷ trước, khi Xí nghiệp Đóng tàu Caric thành lập, 2 chiếc phà có trọng tải 20 tấn được hình thành, phục vụ đưa đón khách thay cho những chiếc đò mong manh. Từ đấy, phà Thủ Thiêm (còn gọi là bến Cây Bàng) hoạt động cho đến nay. |
Bình luận (0)