Như vậy tính đến ngày 3-2, cả nước có 34 tỉnh, TP có ổ dịch cúm gia cầm, với trên 1.185 triệu gia cầm chết và tiêu hủy.
Chiều 3-2, Thủ tướng Phan Văn Khải chỉ thị UBND các địa phương, bộ ngành chức năng tiếp tục tập trung chỉ đạo quyết liệt và đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch đã được Thủ tướng chỉ đạo tại Công văn 65 và Thông báo 21 của Văn phòng Chính phủ. Tuyệt đối không được mất cảnh giác, buông lơi chỉ đạo, phải phân công cán bộ lãnh đạo và cán bộ chuyên môn thường trực kiểm tra, đôn đốc việc phòng chống dịch trong dịp Tết Nguyên đán. Tạm dừng ấp trứng sản xuất con giống và nuôi thủy cầm (vịt, ngan, ngỗng), chim cút. Bộ NN-PTNT quy định cụ thể thời gian tạm dừng ấp trứng sản xuất con giống, thời gian nuôi lại gia cầm đối với nơi mới dập tắt dịch và hướng dẫn việc giữ đàn giống thủy cầm. Bộ Tài chính tăng tiến độ cấp kinh phí cho các địa phương, bảo đảm đủ kinh phí phục vụ công tác phòng chống dịch cúm gia cầm. Ngân hàng Nhà nước VN chỉ đạo giải quyết khó khăn cụ thể cho các hộ nuôi bị thiệt hại nặng do dịch cúm gia cầm.
Cùng ngày, Bộ NN-PTNT cũng có văn bản gửi các địa phương và các ngành thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch cúm gia cầm về việc tăng cường phòng chống dịch. Thời điểm hiện nay là vào đầu thời kỳ cao điểm dịch, trùng với dịp Tết Nguyên đán, nhiều khả năng dịch cúm gia cầm sẽ tiếp tục còn lây lan trong các ngày tới. Vì vậy, UBND các địa phương chỉ đạo công tác giám sát dịch bệnh đến thôn, ấp. Giao cho lãnh đạo cấp cơ sở (chủ tịch xã, trưởng thôn) trách nhiệm giám sát dịch trên địa bàn.
Thêm 3 bệnh nhân H5N1 chuẩn bị ra viện Thử nghiệm vắc-xin phòng virus cúm H5N1 trên khỉ Bác sĩ Nguyễn Thị Tường Vân, Phó Phòng Cấp cứu Viện Y học Lâm sàng các bệnh nhiệt đới Hà Nội, cho biết ngày 3-2, viện đã tiếp nhận thêm một trường hợp ở Hà Nội nghi nhiễm cúm H5N1. Còn 3 bệnh nhân Phạm Xuân Quỳ, Bùi Văn Hà (Hà Nội) và Hàn Ngọc Mạnh (Hưng Yên) sức khỏe đều tiến triển tốt, ngày 7-2 tới cả ba sẽ được ra viện. Trao đổi với phóng viên Báo NLĐ, PGS-TS Phạm Ngọc Đính, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho biết sau khi thử nghiệm vắc-xin phòng cúm H5N1 do viện sản xuất trên chuột thuần chủng và gà, ngày 3-2, vắc-xin này đã được thử nghiệm trên khỉ. Sau 3 tuần, nếu kết quả khả quan, vắc-xin này sẽ được thử nghiệm trên người. Theo PGS Đính, trong những ngày giáp Tết, lượng gia cầm vận chuyển và tiêu thụ tăng mạnh, đây là nguy cơ cao khiến virus cúm H5N1 lây sang người. Do đó, những người có sốt cao liên tục, kèm các dấu hiệu viêm đường hô hấp cấp tính như: ho, đau ngực, khó thở; trước đó đã từng tiếp xúc với gia cầm bệnh... cần đến các phòng khám hoặc bệnh viện (BV) để được tư vấn và phát hiện bệnh sớm. PGS Đính cũng cho biết, hiện các BV tuyến huyện không có chức năng điều trị cho các bệnh nhân nhiễm H5N1, vì thế trong vòng 48 giờ có biểu hiện bệnh, bệnh nhân cần được chuyển tới các BV đa khoa tỉnh hoặc BV tuyến Trung ương để điều trị kịp thời. N.DUNG |
Bình luận (0)