Ngày 1-12, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Huỳnh Nghĩa, Trưởng Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng (trước đây là Phó Chủ tịch HĐND TP), cho rằng nghị quyết của HĐND TP Đà Nẵng về việc phải phá dỡ công trình biệt thự của ông Ngô Văn Quang vẫn có hiệu lực. “Chưa ai hủy bỏ nghị quyết của HĐND cả. Nếu chấp nhận cho tồn tại nghĩa là làm trái với nghị quyết, sau này còn ai thực hiện nữa” - ông Nghĩa khẳng định.
Trong phiên họp HĐND vào ngày 8-7, 100% đại biểu tham dự đã biểu quyết tán thành và HĐND đã ban hành nghị quyết buộc ông Quang phải tháo dỡ biệt thự trước ngày 30-8. Sau đó, với lý do tháo dỡ không kịp thời hạn, ông Quang đã có đơn xin UBND TP Đà Nẵng và được gia hạn đến ngày 30-11. “Ông Quang có đơn xin giữ lại biệt thự là việc cá nhân của ông ấy. Còn việc phá dỡ biệt thự trái phép là làm đúng theo Hiến pháp và pháp luật” - ông Nghĩa nhấn mạnh.
Cũng theo ông Nghĩa, việc chưa áp dụng biện pháp tháo dỡ chỉ là tạm ngưng để Thanh tra Chính phủ kiểm tra chứ không có nghĩa là cho tồn tại. Sở dĩ Thanh tra Chính phủ vào cuộc kiểm tra là theo đơn thư của ông Quang. Trong chuyến công tác tại Đà Nẵng từ ngày 23-11, Thanh tra Chính phủ làm việc về nhiều nội dung theo đơn khiếu nại của công dân, trong đó có đơn của ông Quang.
Ông Đàm Quang Hưng, Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu, cho biết do muốn xin giữ lại biệt thự làm khu du lịch sinh thái nên ông Quang đã có đơn gửi các cơ quan trung ương, trong đó có Thanh tra Chính phủ. Ngoài ra, còn có đơn kiến nghị của tập thể gồm 96 người dân ở phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu xin giữ biệt thự này. “Việc ông Quang và người dân có đơn gửi đến các cơ quan cấp trên là quyền của công dân. Chính quyền quận chỉ làm theo các quyết định của cơ quan cấp trên là UBND TP Đà Nẵng” - ông Hưng nói. Khi được hỏi về việc liệu biệt thự của ông Quang được giữ lại sẽ mất công bằng khi trước đó, gia đình ông Phan Như Thạch (nguyên Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam) đã phá dỡ công trình vi phạm theo quyết định của UBND TP Đà Nẵng thì ông Hưng nói: “Tùy từng đối tượng mà áp dụng”.
Ông Huỳnh Nghĩa cho rằng chiếu theo luật, HĐND TP đã có nghị quyết thì phải chấp hành. Nếu Thủ tướng Chính phủ có quyết định tạm dừng thì sẽ tạm dừng. Trong trường hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội có nghị quyết hủy bỏ nghị quyết của HĐND TP thì không thực hiện nghị quyết nữa. Thường trực HĐND TP vẫn giữ quan điểm là các cá nhân liên quan phải thực hiện đúng theo nghị quyết mà HĐND TP đã đề ra.
Bình luận (0)