xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tâm thế người chiến thắng

BÍCH DIỆP

Từ Hội nghị Genève về Đông Dương đến Hội nghị Paris về Việt Nam, Việt Nam đã có bước tiến dài trên con đường xây dựng nền ngoại giao độc lập, tự chủ. Đó là thành tựu nổi bật của nền ngoại giao Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh

Ngày 20-7-1954, tại Thụy Sĩ, Hiệp định Genève đã được ký kết giữa một bên là các nước lớn Anh, Pháp, Mỹ, Liên Xô, Trung Quốc và một bên là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đại diện miền Nam Việt Nam, Lào, Campuchia. Hiệp định đã đem lại hòa bình cho một nửa lãnh thổ nước ta.

Cục diện “hai phe, hai cực”

Bối cảnh diễn ra Hội nghị Genève khá đặc biệt. Năm 1954, chiến dịch Điện Biên Phủ đi vào giai đoạn nước rút với những thắng lợi của quân dân ta trên chiến trường, chuẩn bị tiến công tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Phái đoàn Việt Nam tại Hội nghị Genève năm 1954. Từ trái qua: Các ông Trần Công Tường, Hoàng Văn Hoan, Tạ Quang Bửu, Phạm Văn Đồng, Phan Anh Ảnh: TƯ LIỆU
Phái đoàn Việt Nam tại Hội nghị Genève năm 1954. Từ trái qua: Các ông Trần Công Tường, Hoàng Văn Hoan, Tạ Quang Bửu, Phạm Văn Đồng, Phan Anh Ảnh: TƯ LIỆU

Ngày 26-11-1953, trả lời phỏng vấn báo Expressen (Thụy Điển), Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố “sẵn sàng tiếp ý muốn của chính phủ Pháp để đi đến đình chiến ở Việt Nam bằng cách thương lượng và giải quyết vấn đề Việt Nam theo đường lối hòa bình trên cơ sở chính phủ Pháp thật thà tôn trọng độc lập thực sự của Việt Nam”. Bài trả lời phỏng vấn đã gây tiếng vang lớn khiến nước Pháp bối rối, nội bộ mâu thuẫn, phong trào phản chiến của nhân dân Pháp dâng cao, đòi chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam.

Đầu năm 1954, hội nghị quốc tế bàn về việc đình chiến ở Triều Tiên kết thúc mà không đạt được giải pháp chính trị nào. Nhân đó, Liên Xô đưa ra sáng kiến họp hội nghị quốc tế để giải quyết vấn đề Đông Dương. Các nước phương Tây và Trung Quốc lập tức tán thành. Đại diện chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, chính quyền Bảo Đại ở miền Nam, Campuchia và Lào đã được mời tham dự. Như vậy, ngay từ đầu, Việt Nam không có quyền chọn hay quyết định mà chỉ là một nước được mời tới dự họp.

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nhận định: Thời gian và kinh nghiệm sống đã cho thế hệ sau biết rõ vai trò thực chất của các nước lớn khi tham gia Hội nghị Genève. Trong khi Pháp “muốn thoát ra khỏi chiến tranh Đông Dương trong danh dự, nhất là tránh được cuộc đàm phán trực tiếp với Chính phủ Hồ Chí Minh” thì Mỹ chỉ muốn thông qua hội nghị để ngăn cản một giải pháp bất lợi cho phương Tây, có hại cho mưu đồ của Mỹ thay thế Pháp ở Đông Dương. Về phía ta, Đảng chủ trương không đánh giá quá cao Hội nghị Genève nhưng không bỏ lỡ cơ hội để tỏ rõ thiện chí hòa bình.

“Hình hài cục diện “hai phe, hai cực” đã lộ rõ và an bài. Hội nghị Genève xuất phát từ nhu cầu của các nước lớn. Vấn đề Việt Nam, Lào, Campuchia được sử dụng để phục vụ lợi ích và dàn xếp của họ” - nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan khẳng định.

Được chiến thắng Điện Biên Phủ tiếp sức

Đại tá Hà Văn Lâu (nay đã 97 tuổi, nguyên Cục trưởng Cục Tác chiến - Bộ Tổng tham mưu từ tháng 3-1951, thành viên đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tham dự Hội nghị Genève duy nhất còn sống) kể lại: Tháng 2-1954, đoàn Việt Nam lên đường sang tham dự hội nghị Genève. Đoàn từ Việt Bắc qua Bằng Tường đến Bắc Kinh - Trung Quốc bằng tàu hỏa, sau đó đi tàu tiếp sang Liên Xô. “Ngoài các cuộc gặp của trưởng đoàn với lãnh đạo Liên Xô, riêng tôi còn gặp trung tướng Liên Xô Fedorenko. Đồng chí này nghe tôi báo cáo tình hình quân sự trong nước, có hỏi tôi: “Vĩ tuyến 17, sông Bến Hải ở đâu?”. Rõ ràng, Liên Xô đã nghiên cứu về hội nghị ngay cả trước khi nước ta được chính thức triệu tập tham dự” - đại tá Hà Văn Lâu kể.

Đoàn  Việt Nam chính thức có 5 người gồm Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm trưởng đoàn, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu - cố vấn về quân sự kiêm trưởng bộ phận quân sự; Bộ trưởng Bộ Công Thương Phan Anh - cố vấn về luật pháp; Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Công Tường - cố vấn giúp đoàn dịch và duyệt các văn bản bằng tiếng Pháp; ông Hoàng Văn Hoan - phụ trách chính trị. Nhà báo Nguyễn Thành Lê của Báo Nhân Dân - người phát ngôn. Ông Tạ Quang Bửu và ông Trần Công Tường phụ trách về nội dung bản Hiệp định Genève. Bản tiếng Việt do ông Hà Văn Lâu chịu trách nhiệm.

Tham gia hội nghị, đoàn Việt Nam đã tự khắc phục khó khăn trong lần đầu tiên đi đàm phán quốc tế. Chân ướt chân ráo đến hội nghị với lòng quyết tâm và tinh thần cao nhưng chúng ta còn thiếu kinh nghiệm đàm phán với các nước lớn, sừng sỏ và đều đến bàn hội nghị với những mưu đồ và lợi ích riêng.

“Thời kỳ đó, tuy được Liên Xô và Trung Quốc ủng hộ nhưng họ cũng có toan tính riêng nên đoàn ta nhiều khi lâm vào thế bí. Ta phải đồng ý với họ về vấn đề vĩ tuyến, thời hạn tổng tuyển cử và việc ta tham gia vào cuộc đàm phán… Trưởng đoàn Việt Nam và Pháp (2 bên chính trong hội nghị) đều hơn 1 tháng sau mới gặp nhau” - ông Hà Văn Lâu nhớ lại.

Ngày 7-5-1954, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ thất thủ. Đêm ấy, đoàn Việt Nam không ngủ, hăng hái chuẩn bị thêm để sáng hôm sau bước chân vào phòng hội nghị với tư thế của người chiến thắng. Trong lúc đó, đoàn Pháp do Ngoại trưởng Bidault dẫn đầu, mặc toàn trang phục đen để tang cho thất bại của quân đội viễn chinh Pháp ở Điện Biên Phủ.

Việc ký kết hiệp định bị trễ mấy giờ, đến 3 giờ 45 ngày 21-7-1954 mới ký được, do ông Hà Văn Lâu phát hiện trong bản tiếng Việt có sót một vài câu phải bổ sung. Dù vậy, theo yêu cầu của phía Pháp, thời gian ký Hiệp định Genève vẫn được lấy là ngày 20-7-1954. 

Kỳ tới: Phân định vĩ tuyến - đòn cân não

Họp báo của Việt Minh

“Lần đầu tiên Việt Minh gặp gỡ báo chí. Trong một phòng xem phim tại tầng hầm của Cung Các dân tộc, 200 nhà báo chen nhau ngồi chật kín. Ba người đàn ông nhỏ bé đến đúng giờ và mỉm cười một cách khiêm tốn... Trong suốt 45 phút, người phát ngôn và người phiên dịch nói rất nhanh về những điều cần trình bày: “Việt Nam sẵn sàng cho phép chuyển thương binh ra khỏi Điện Biên...”. Những tiếng thì thầm giữa các nhà báo. Nhiều phóng viên chạy vội ra chỗ điện thoại gọi về tòa soạn... Sau đó, ông ta đọc “kế hoạch hòa bình” của Việt Minh. Tiếng thì thầm giữa các nhà báo ngày càng to hơn. Nhất là khi đến đoạn về khả năng liên kết của một Việt Minh độc lập với Liên hiệp Pháp đã tạo ra một làn sóng thực sự trong phòng họp”.

(Lược dịch bài viết của phóng viên Michel Gordey trên tờ France Soir (Nước Pháp Buổi chiều) ngày 12-5-1954, tường thuật buổi họp báo hôm 11-5-1954 của đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa).

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo