Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân trả lời câu hỏi phóng viên tại buổi họp báo
Sáng nay 23-7, tại buổi gặp mặt báo chí, trả lời câu hỏi về vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo tại Quốc hội (QH) khoá XIV này, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định Việt Nam nhất quán một quan điểm về chủ quyền, chưa bao giờ thay đổi, đó là vấn đề thiêng liêng với mỗi một người dân Việt Nam.
Chủ tịch QH nếu rõ người việt Nam hơn bất cứ đâu đều hết lòng yêu chuộng hoà bình. Vậy nên khi Biển Đông có nhiều tranh chấp “5 nước 6 bên” thì phải có nhiều biện pháp đấu tranh hoà bình để đảm bảo chủ quyền với lãnh thổ, đồng thời đảm bảo môi trường hoà bình, ổn định cho người dân làm ăn. "Việt Nam yêu cầu các nước không được sử dụng vũ lực, đe doạ sử dụng vũ lực trên biển"- bà Ngân nói.
Tuy nhiên, theo nữ Chủ tịch QH, một số tổ chức, cá nhân lên tiếng hô hào thế này thế khác nhưng vấn đề là những tổ chức đó đã làm được gì cho đất nước? "Họ chưa làm được gì cả. Họ chỉ kích động, làm đất nước rối ren và Việt Nam không chấp nhận việc đó” - Chủ tịch QH khẳng định.
Đặc biệt, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng Việt Nam không phải là một bên trong vụ Philippines kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) về yêu sách đường lưỡi bò phi lý trên Biển Đông nhưng có liên quan đến Biển Đông nên Việt Nam phải theo dõi. "Ngay sau vụ kiện, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng, hoan nghênh việc ra phán quyết cuối cùng của toà. Phán quyết dài tới 500-600 trang nên chúng ta phải nghiên cứu kỹ xem có vấn đề gì ảnh hưởng đến lợi ích của Việt Nam thì sẽ phát biểu tiếp” - bà Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định.
Về sự ngang ngược của Trung Quốc khi đưa giàn khoan Hải Dương - 981 vào khu vực vùng đặc quyền kinh tế thềm lục địa của Việt Nam trên Biển Đông (tháng 5-2014), Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: “Lực lượng chấp pháp Việt Nam đã rất anh hùng đấu tranh khi 85 ngày đêm với giàn khoan nước ngoài cắm ở vùng thềm lục địa của chúng ta. Với lực lượng ít, tàu nhỏ, chúng ta vẫn luôn lúc nào cũng có mặt, dù có bị vòi rồng phun, bị đâm vỡ, hỏng tàu thì về sửa và tiếp tục đấu tranh thực địa chứ nhất quyết không buông".
Bà Nguyễn Thị Nguyễn Kim Ngân cũng cho biết để có 1 phút những hình ảnh về công tác đấu tranh trên biển lên được CNN tốn rất nhiều công sức, tiền bạc nhưng Việt Nam vẫn quyết tâm thực hiện, bằng mọi phương thức hoà bình, theo luật quy định để bảo vệ chủ quyền.
Tại cuộc họp, báo chí đặt vấn đề Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mong muốn các đại biểu QH khóa XIV kiên quyết đấu tranh chống mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, tham nhũng, lãng phí và các hành vi tiêu cực khác, vậy với cương vị Chủ tịch QH sẽ làm gì để các đại biểu QH có thể thực hiện hiệu quả cuộc đấu tranh nói trên?
Chủ tịch QH đáp: “Khi tuyên thệ, tôi không có nói về việc chống tham nhũng, quan liêu, tiêu cực nhưng tôi đã tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, nghĩa là cũng phải chống tham nhũng, quan liêu, tiêu cực. Muốn làm được thế thì phải xây dựng hệ thống pháp luật tốt để quy định chặt chẽ, để không có kẽ hở cho ai có thể tham nhũng, tiêu cực được nữa. Còn quan liêu là một biểu hiện trong phạm trù đạo đức công vụ. Vậy thì cần thực hiện giám sát chặt chẽ sau khi ban hành luật rồi để đảm bảo luật được thực hiện đúng, nghiêm minh".
Dẫn chứng từ ví dụ dự án sân bay quốc tế Long Thành, bà Ngân nói rõ QH phải tính hết các vấn đề như thu hồi đất, tác động tới đời sống của nhân dân… để chống mọi sự lợi dụng trong quá trình triển khai dự án.
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cũng xác nhận có hạn chế trong việc phát biểu là vì đại biểu QH nói ý trùng nhau nhưng sau đó đã khắc phục bằng cách yêu cầu chỉ nói quan điểm đồng ý hay không đồng ý với vấn đề đó. Còn quy định mỗi đại biểu chỉ được nói trong 5-7 phút là để đảm bảo việc tranh luận trực tiếp, không đọc văn bản mà nhiều bạn bè ở các nghị viện trên thế giới đã rất thích thú với kinh nghiệm tổ chức này.
Về việc bác bỏ tư cách đại biểu QH với 2 người trúng cử ngay đầu nhiệm kỳ thế này (ông Trịnh Xuân Thanh và bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường), bà Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng đây là điều đáng tiếc nhưng may mắn là những sai phạm của 2 trường hợp này được phát hiện sớm, kịp thời, nếu không để những người này thực sự tham gia QH rồi mới xem xét quy trình bãi nhiệm thì còn đáng tiếc hơn.
"Mỗi đại biểu phải tự rèn luyện tư cách, không có đạo đức thì không thể xứng đáng đứng trong hàng ngũ QH"- . Chủ tịch QH nói và khẳng định sẽ giám sát hoạt động của các đại biểu chặt chẽ, thậm chí có đong đếm cụ thể mỗi đại biểu có bao nhiêu lần phát biểu, tham gia ý kiến ở tổ thảo luận, ở hội trường, đại biểu nào chưa từng lên tiếng.
“Có không ít trường hợp đại biểu được cất nhắc lên vị trí cao hơn khi thể hiện được mình ở QH, trong chỉ nửa nhiệm kỳ” - bà Ngân chia sẻ.
Quốc hội giám sát chặt Chính phủ về nợ công
Trả lời câu hỏi của báo chí về mối lo nợ công, Chủ tịch QH cho biết nếu trước đây nợ công không quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 50% thì đến cuối năm 2013, nợ công vẫn dưới 65% nhưng nợ Chính phủ đã vượt 0,3%. Kỳ họp thứ 10, QH khoá XIII, QH đã thảo luận nhiều vấn đề này, QH quyết tâm khóa XIV sẽ kiểm soát nợ công, đồng thời tính toán lại cách xác định nợ công cho đúng. Các nước tăng 1 - 2 % thì không sao hết, còn Việt Nam 65% thì có an toàn hay không cần phải tính lại.
QH đã yêu cầu Chính phủ nhiều lần báo cáo kinh tế - xã hội phải gắn với báo cáo nợ công, đồng thời có báo cáo riêng để QH thảo luận.
"Hiện nợ công vẫn nằm trong tầm kiểm soát, nhưng QH quan tâm vấn đề là có an toàn hay không, chứ không phải là dưới 65% hay vượt 65% mà an toàn có nghĩa là đã vay thì đến hạn phải trả cho được và vay để làm gì, làm có hiệu quả hay không, đó mới là an toàn nợ công. Vay mà đảm bảo đúng mục đích và vay đảm bảo hiệu quả thì sự vay rất cần thiết, phải đảm bảo nền tài chính của đất nước có thể chịu đựng được, không vỡ nợ thì mới là an toàn, khi vay đến hạn có tiền trả nợ thì là an toàn"- bà Ngân nhìn nhận.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch QH, hiện nợ công đang có vấn đề, vẫn ở mức kiểm soát được nhưng đến thời hạn trả nợ thì lại có khó khăn, chưa có đủ nguồn lực để cân đối trả nợ đúng hạn, vì thế phải vay để đáo hạn, vay mới để trả nợ cũ.
Những khoản vay của Chính phủ hiện nay QH đã có những điều chỉnh bằng nghị quyết để giảm áp lực trả nợ và đặc biệt hiệu quả khoản vay thì thay đổi cơ cấu nợ trong nước và nước ngoài và chuyển từ vay ngắn sang trung và dài hạn để giảm áp lực trả nợ.
"Trong thẩm tra các báo cáo của Chính phủ, Uỷ ban Tài chính - Ngân sách và Uỷ ban Kinh tế của QH, Uỷ ban Thường vụ QH và tại QH sẽ kiểm soát chặt nợ công, không để tỷ lệ bội chi tăng lên mà sẽ dần dần kéo xuống. Khóa trước chúng ta rất cố gắng nhưng không làm được, khóa này chúng tôi cố gắng kiểm soát dần dần đưa về quỹ đạo. Mà an toàn là như tôi nói chứ không phải là theo báo cáo của Chính phủ là dưới 65% mà đến thời hạn trả mà không có là không an toàn"- bà Ngân nhấn mạnh.
Bình luận (0)