Cứ mỗi độ sau mùa gặt, khi mùa đông chuẩn bị đến là chim các nơi bay về, có năm nhiều thì lên tới 2 vạn con...
Trăm phương đánh bẫy
Trên chiếc xuồng nhỏ chỉ tối đa 3 người, ông Nguyễn Phước Vĩnh (67 tuổi, là vua một thời của công việc đánh bắt chim cò mùa nước nổi) vừa chèo vừa chỉ tay vào dãy dài những con cò, con vạc đang đứng làm mồi rồi kể cho tôi nghe: Năm nào cũng vậy, cứ từ tháng 8 cho đến tháng 11, 12 là người dân nơi đây kéo nhau lũ lượt đi đặt bẫy chim, bẫy cò.
Gia đình ông Vĩnh sống ở vùng đầm Hà Mướp (xã Vinh Hà, huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) đã 3 đời làm nghề bẫy chim, cò, cá... với công nghệ thủ công. Mảnh ruộng chưa đầy 2 sào làm ăn mãi không dư nên sau mỗi vụ gặt là ông lại đi đặt bẫy cò. Ông kể giữa vụ lúa thì tranh thủ đi kiếm gỗ về nhà, đục, đẽo cho giống hình chim, cò rồi mua vôi trắng quét lên cho giống con cò thật. Khi hết vụ, ông đem ra làm mồi nhử. Quanh những con cò gỗ đó là những chiếc bẫy thủ công do ông tự chế bằng tre. Nếu như cò thật, chim thật sà xuống sẽ bị mắc chân trong cái bẫy tre đó. Nhìn lại bãi đất nổi mà dân trong vùng đang chờ chim trời về, ông lắc đầu thở dài: càng ngày chim càng thưa, cò càng ít... Tôi thôi nghề, chuyển qua nuôi tôm được gần 10 năm rồi. Chỉ còn lớp trẻ sau này, chúng toàn dùng cách bẫy công nghệ cao.
Theo chân anh Sơn (xã Vinh Hà, huyện Phú Vang) ra bãi đầm Hà Mướp – thuộc hệ thống đầm Cầu Hai, tôi giật mình trước những chiếc bẫy hiện đại. Mỗi cái bẫy đặt gần với một con cò thật làm mồi và được mua về với giá từ 70.000 - 100.000 đồng. Anh Sơn cho biết: “Chân người bước vô bẫy cũng đau chứ đừng nói chi đến chim trời”. Không như anh Sơn, anh Sang ở Lộc Điền (Phú Lộc) thì dùng keo dính nhựa, khi chim cò sà xuống với đồng loại là bị dính chân, dính cánh ngay. Mỗi ngày, các tay bẫy chim bẫy được ít nhất cũng chục con, đem bán được từ 200.000 - 300.000 đồng.
Diệt... bằng công nghệ thuốc!
Càng ngày càng muốn nhanh gọn nên rất nhiều người dân đã dùng cách “tận diệt” chim trời bằng thuốc, tẩm trong thức ăn, rồi vãi quanh các bãi đất nổi, những nơi chim trời thường đậu. Khi ăn phải, chỉ cần 5 - 10 phút là ngấm thuốc, chim có cố bay lên cũng chỉ vài ba mét là gục và rơi xuống đất. Anh Được, một trong những tay diệt cò bằng thuốc, tiết lộ: “Con nào bị thuốc mê thì chờ tỉnh, mang đi bán được giá cao hơn, trung bình từ 20.000 - 30.000 đồng/con”. Những con đã trúng thuốc quá đà thì bị vặt lông tại chỗ, đem ra chợ bán. Anh cho biết có lúc anh bẫy dính đến trăm con cò, vạc, triết. Khi nhắc đến chuyện Chính phủ cấm khai thác chim thú, anh lắc đầu: Cũng nghe lệnh cấm qua phương tiện thông tin đại chúng, nhưng chính quyền ở đây không ra lệnh nghiêm cấm nên làm liều. Với đà này, chẳng bao lâu, những đàn chim di cư, những cánh cò trắng bay đầy trên cánh đồng, đầm phá Tam Giang sẽ chỉ còn là ký ức.
Bình luận (0)