Bốn giờ sáng, Long đã lò dò ra khu vực cánh đồng có đặt bẫy chim của nhà mình tại thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.
Nhà nhà đi bẫy
Sau khi cầm đèn pin đi một vòng kiểm tra toàn bộ khu đặt bẫy rộng khoảng 1.000 m2 với hơn 200 con cò giả làm bằng xốp, hơn 10 con cò, cói mồi và chi chít cọc tre đầu gắn nhựa cắm trên mặt ruộng, Long chui vào bụi tre nằm im chờ đợi. Một giờ sau, từ hướng Đông xuất hiện nhiều chấm trắng li ti. Bằng con mắt nghề nghiệp, Long nhận ra đám cò đang bay từ biển vào kiếm ăn. Khi đàn cò chao lượn trên cánh đồng nơi có bẫy, Long liền giật các sợi giây buộc vào chân các con cò mồi. Bị giật dây, tất cả gần 10 con cò mồi cất tiếng kêu và vỗ cánh bay lên. Nghe tiếng kêu của đồng loại, khoảng 30 con cò từ trên trời lao xuống, tất cả đều dính chặt chân vào những đầu que tre đầy nhựa. “Năm nay, trời ít mưa bão nên cò về ít. Mỗi ngày, em bắt được khoảng 50-70 con, còn các năm trước thì 200-300 con là bình thường” - Long nói.
Rời thị trấn Xuân An, đi dọc những con đường vào các xã Xuân Giang, Xuân Yên, Xuân Mỹ, Xuân Thành, Xuân Liên, Xuân Hội... của huyện Nghi Xuân, tới đâu chúng tôi cũng bắt gặp cảnh người dân giăng bẫy bắt chim, cò. Những cánh đồng vốn trồng lúa, nay thay vào đó là bãi bẫy chim trời làm bằng nhựa thông, lưới, xốp giăng phủ kín. Ông Nguyễn Hà (xóm Phúc Mỹ, xã Xuân Mỹ) - đang đi săn bắt chim, cò trên một cánh đồng - cho biết mùa mưa, ruộng ngập nước nên không ai trồng lúa. Nước ngập nhiều tôm, cá nên các loại cò, cói, vạc, diệc... bay vào kiếm ăn. “Ở đây, thôn xóm nào cũng có người đi bẫy chim, cò. Có đêm, nhiều nhà bẫy được cả chục con diệc, bán 3-4 triệu đồng” - ông Hà kể.
Tình trạng săn bắt chim trời vào mùa mưa không chỉ diễn ra tại huyện Nghi Xuân mà còn ở các huyện khác như: Thạch Hà, Đức Thọ, Kỳ Anh, Lộc Hà, Cẩm Xuyên... Mỗi ngày, vào mùa mưa, hàng chục ngàn con chim trời đã bị giết thịt.
Khó xử lý
Ở Nghệ An, tình trạng người dân dùng các loại bẫy săn bắt chim trời vào mùa mưa diễn ra khá phổ biến tại các huyện Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Yên Thành... Bẫy của người dân giăng khắp cánh đồng, bờ biển, mép sông. Các loại chim trời sau khi người dân bắt được đều bày bán công khai dọc đường, các chợ huyện, thị xã, thành phố. Giá đắt rẻ tùy loại, cò từ 30.000-40.000 đồng/con; cói 20.000-30.000 đồng/con; vạc 50.000-60.000 đồng/con... Các loại chim trời hiện là đặc sản của những quán nhậu lớn ở Nghệ An, đặc biệt là tại TP Vinh và huyện Hưng Nguyên. Mỗi ngày, các quán nhậu ở những nơi này làm thịt hàng ngàn con chim trời. Không chỉ bắt các loại chim di trú vào mùa mưa, trong những năm gần đây, người dân còn kéo nhau đi bắt chim sẻ để bán cho các quán nhậu khiến loài này đang có nguy cơ bị tận diệt.
TS Ông Vĩnh An, Trưởng bộ môn động vật Khoa Sinh học Trường ĐH Vinh, lo lắng: “Người dân đua nhau săn bắt chim trời khiến nhiều loài bị tụt giảm mạnh về số lượng, có loại chim quý bị tận diệt như sâm cầm, xít... Sự đa dạng, cân bằng sinh học bị đe dọa nghiêm trọng”. Cũng theo TS An, để xảy ra tình trạng chim trời bị tàn sát là do sự vào cuộc chưa thực sự quyết liệt của các cơ quan chức năng. “Nếu kiểm lâm, cảnh sát môi trường thường xuyên kiểm tra, xử lý thì các loài chim trời không bị săn bắt, giết hại nhiều như vậy” - TS An khẳng định.
Ông Trần Ngọc Chính, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nghệ An, cho biết người dân săn bắt chim trời là sai vì đó là động vật hoang dã. Tuy nhiên, việc xử lý cũng khó vì người dân săn bắt nhỏ lẻ trên đồng ruộng của họ.
Cẩn thận các món nhậu từ chim trời
Một cán bộ Khoa Sinh học Trường ĐH Vinh cho biết quan niệm cho rằng các loại chim trời là mồi nhậu ngon, bổ chưa hẳn là đúng bởi nhiều loài chim mang các virus rất nguy hiểm cho con người. “Điển hình là dịch SARS lây lan từ chim hoang dã và gây tử vong cho không ít người” - vị này cảnh báo.
Bình luận (0)