Đã hơn một tuần nay, tại thôn 4, xã Quảng Công, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế có gần 20 người dân từ thôn Vinh Quang 1, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định kéo ra thuê nhà lưu trú để săn lùng giun biển. Phạm vi đánh bắt kéo dài từ huyện Phú Vang ra các huyện Hương Trà, Quảng Điền và lan sang cả tỉnh Quảng Trị.
Những con giun biển dài từ 0,2-0,4 m, nặng khoảng 0,3 kg sinh sống trong các hang cách mặt đất khoảng 30 cm tại các bãi bồi ở vùng nước lợ phá Tam Giang. Mỗi ngày, khi thủy triều xuống, nhóm người trên lại chia nhau thành những nhóm nhỏ đi dọc phá Tam Giang đào giun. Buổi trưa, triều hạ, cả bãi bồi mênh mông lại là nơi để những người săn giun biển quần thảo. Cứ mỗi con giun bị kéo lên khỏi hang thì cả một hố nham nhở bùn cát ở lại.
Sau khi bắt được giun, họ bán cho các thương lái từ Bình Định ra mua tại chỗ với giá 40.000-50.000 đồng/kg tươi. Còn đối với loại đã rửa sạch, luộc chín và phơi khô có giá lên tới 700.000-800.000 đồng/kg. Sau khi mua tại Thừa Thiên - Huế, các thương lái sẽ chuyển về Bình Định bán cho các đại lý để sau đó đưa đi Trung Quốc tiêu thụ.
Ông Nguyễn Ngọc Hơn cho biết ông và người dân ở thôn Vinh Quang 1 đã làm nghề này hơn 20 năm. Lúc trước, họ chỉ tìm bắt giun biển ở địa phương nhưng nay cạn kiệt nên đổ xô ra các tỉnh khác như Quảng Ngãi, Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế làm ăn. Mỗi ngày, một người bắt được ít thì khoảng 5 kg, nhiều thì lên tới vài chục kg, thu nhập trung bình 7 triệu đồng/tháng.
Khi hỏi việc Trung Quốc mua giun biển để làm gì thì ông Hơn nói: “Chúng tôi đã sống với nghề này hơn 20 năm nhưng hoàn toàn không biết. Thịt giun biển rất ngon, nhiều người nói rằng ăn loại này sẽ sinh con trai (!)”.
Chính vì giá cao, việc tìm bắt rầm rộ nên loài sinh vật này ngày càng ít dần. Những thợ đào giun cho biết so với năm trước thì năm nay ở vùng phá Tam Giang, loài giun biển đã giảm hẳn. Vì vậy, họ dự tính sẽ ra các cửa biển ở tỉnh Quảng Trị tìm bắt.
Ông Lê Văn Đậm, phụ trách về môi trường của xã Quảng Công, cho biết đã nắm thông tin về những người dân ở Bình Định đến địa bàn đào giun biển. “Nhưng hiện nay, chúng tôi chưa thấy ảnh hưởng gì...” - ông Đậm nói. Còn ông Nguyễn Việt Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho rằng việc khai thác giun biển với số lượng lớn và tự phát như vậy sẽ ảnh hưởng lớn đến tài nguyên đất, nước cũng như đa dạng sinh học vùng đầm phá Tam Giang.
Bình luận (0)