Có 3 thách thức lớn đối với sự tồn tại và phát triển của loài người, đó là sự quá tải về dân số, nguồn tài nguyên thiên nhiên bị cạn kiệt và ô nhiễm môi trường. Đối với Việt Nam, ngoài 3 vấn đề trên, còn nhiều vấn khác cần giải quyết, trong đó có tình trạng “ăn vào tài nguyên” - một hành vi “bóc lột” thiên nhiên rất đáng báo động.
Sa đà đào bới lòng đất
Vì lạc hậu nên các nước nghèo như Việt Nam thường bị các nước giàu o ép và chi phối. Việc khai thác, đào bới tài nguyên, khoáng sản bán cho nước ngoài để kiếm tiền phục vụ nhu cầu trước mắt là điều khó tránh khỏi.
Để có lợi nhuận cao, các chủ khai thác trong nước thường áp dụng công nghệ lạc hậu, giảm chi phí xử lý môi trường, gây ô nhiễm và tận dụng nhân công giá rẻ. Các doanh nghiệp nước ngoài thường mua sản phẩn (khoáng sản) đã qua các khâu đoạn tốn nhiều nhân công và gây ô nhiễm môi trường nhất, như kiểu bauxite ở Tây Nguyên.
Chúng ta đều biết chí phí môi trường trong cơ cấu giá thành sản phẩm là rất lớn. Vì thế, đối với các nước giàu, để giảm giá thành, họ thường chuyển giao công nghệ ô nhiễm, chi phí nhân công cao sang các nước chậm phát triển, trong đó có Việt Nam. Đây là hình thức “bóc lột nhân đạo” kiểu mới rất tinh vi, hủy hoại môi trường nghiêm trọng.
Có tài nguyên không thể không khai thác nhưng việc sa đà đào bới của cải dưới lòng đất như hiện nay sẽ để lại những hậu quả rất nặng nề. Việt Nam cần rút ra những bài học xương máu từ Hà Lan. Dù là quốc gia phát triển nhưng vì ỷ lại quá nhiều vào dầu ở biển Bắc nên ngày nay Hà Lan không còn duy trì được vị trí đứng đầu thế giới về phát triển công nghệ điện tử. Ngay cả khai thác dầu nước này cũng đang thua xa Nhật Bản và Hàn Quốc.
Xu thế đáng báo động
Điều đáng nói là ở Việt Nam, tình trạng “ăn dày” tài nguyên và bất chấp hậu quả đang là xu thế đáng báo động. Các địa phương được phân quyền, thiếu sự kiểm soát chặt chẽ của trung ương theo quy hoạch nên chỉ nhằm vào những cái có sẵn nhiều hơn là tạo ra những cái mới. Vì vậy, các tỉnh, thành đua nhau khai thác khoáng sản triệt để đem bán (chứ không phải để chế biến nâng cao giá trị), từ các mỏ kim loại nhỏ, đá granite, đá hoa, đá vôi ở phía Bắc đến quặng titan ở ven biển miền Trung...
Cũng chính “tư tưởng nhiệm kỳ” và “nền kinh tế tỉnh” đã khiến các địa phương lao vào tận diệt tài nguyên thiên nhiên như thế. Cái gì đẽo được là đẽo ngay, giống như chuyện cấp tập chặt cây xanh ở Hà Nội, dự án lấn sông Đồng Nai, lấp vịnh Nha Trang, loạn thủy điện, cho thuê dài hạn rừng phòng hộ ở biên giới, khai thác khoáng sản tại nhiều tỉnh, thành...
Ở nước ta có hẳn một “rừng” luật nhưng lại vận động không theo luật. Vấn đề của Việt Nam và của mọi xã hội nói chung đều là vấn đề quyền lợi của các giai tầng, các nhóm cộng đồng, trong đó có vấn đề lợi ích nhóm. Chúng ta chỉ có thể thay đổi nền văn minh này bằng cách điều chỉnh dần lợi ích của các giai tầng từng bước để chi phối nó chứ không còn cách nào khác.
Suy cho cùng, tài nguyên là một dạng hàng hóa công đặc biệt nên cần một hệ thống dịch vụ công phù hợp mới có thể được bảo vệ, được tái tạo và phân phối công bằng. Đây là vấn đề của thể chế và chỉ khi thể chế được thiết lập một cách bài bản, tiến bộ thì mới có thể giải quyết được tình trạng tận diệt tài nguyên này.
Hễ “ăn” vào thiên nhiên là bị người dân phản đối
TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa đang triển khai 2 dự án lớn, đó là dự án Công viên Văn hóa Giải trí - Thể thao Nha Trang Sao và dự án Công viên Phù Đổng. Theo quy hoạch, khu vực triển khai dự án nằm ở phía Đông đường Trần Phú - Phạm Văn Đồng đoạn từ khu Quân cảng Hải quân đến dự án Hồ Tiên với tổng diện tích khoảng 240 ha, chạy dọc 2 tuyến đường dài 14 km. Quy hoạch nêu rõ ở đây sẽ phát triển các khu công viên cây xanh, bãi tắm kết hợp với các loại hình dịch vụ du lịch, thương mại, tổ chức các sự kiện của TP Nha Trang trên mặt đất và không gian ngầm.
Điều đáng nói là 2 dự án này đang vấp phải phản ứng của người dân. Ở dự án Công viên Văn hóa Giải trí - Thể thao Nha Trang Sao (phía Bắc TP Nha Trang), người dân nhiều lần ngăn cản đơn vị thi công vì cho rằng san lấp biển làm mất bãi đậu thuyền thúng, tác động xấu đến môi trường.
Về việc này, UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết làm đúng chủ trương, quy hoạch. Một lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa khẳng định tỉnh hết sức cẩn thận, đã tham khảo nhiều ý kiến chuyên gia, đánh giá tác động môi trường... “Người dân cần hiểu, đồng thuận để phát triển thành phố” - vị lãnh đạo này bày tỏ.
Liên quan đến dự án lấn sông Đồng Nai bị dư luận phản ứng, chiều 12-4, phóng viên Báo Người Lao Động liên lạc với ông Huỳnh Phú Kiệt, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư - Xây dựng - Kiến trúc Toàn Thịnh Phát, để làm rõ việc khắc phục hiện trạng sau khi dự án bị tạm dừng và các nội dung liên quan. Tuy nhiên, ông Kiệt từ chối trả lời vì đang... tập trung chăm sóc sức khỏe.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thành Trí, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, nói việc giải quyết, khắc phục hậu quả thế nào phải chờ kết luận cuối cùng.
K.Nam - X.Hoàng
Bình luận (0)