"Đi săn như vầy biết là phạm pháp nhưng số tiền thu được rất khá. Vả lại, chẳng có nghề gì khác để mưu sinh nên tụi tui phải làm. Nguy hiểm một tí nhưng nếu chịu khó, thế nào cũng bẫy được thú rừng. Các vựa thú ở Đạ Huoai lúc nào cũng thu mua với giá cao, thậm chí còn ứng tiền trước nên tụi tui chấp nhận làm liều" - thợ săn K’Prét (35 tuổi; ở xã Phước Lộc, huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng) phân trần.
Gặp gì bắt đó
Trò chuyện với chúng tôi, những người đàn ông dân tộc Mạ thi nhau kể về "chiến tích" sau một đêm băng rừng săn thú trên địa bàn huyện Đạ Huoai. Thành quả của họ là những con trăn, rắn, chim, kỳ tôm, gà rừng, cá... Họ cũng không ngần ngại nói về "đồ nghề" tự chế phục vụ cho chuyến đi săn vừa qua: súng cồn, dao, kích điện dùng bắt cá, kẹp dùng để bắt rắn và kỳ tôm, lưới đựng và đèn pin chuyên dùng để soi...
Với thân hình vạm vỡ, K’Prét là người đã có trên 20 năm săn thú rừng. "Cách đây hơn chục năm, rừng còn nhiều, chim thú có mặt khắp nơi, chỉ cần công cụ đơn sơ như cung nỏ, cây kẹp là có thể săn đêm. Dọc theo các con suối, con sông rất dễ bắt gặp chim, rắn, kỳ tôm và nhiều thú rừng khác. Ngày nay, thú rừng ngày càng hiếm. Để bắt được chúng, bọn tui phải canh giờ đi và phải đi xa. Phải tìm đến những con sông, dòng suối ít người đi săn may ra mới có thú" - anh ta nhớ lại.
Ngày nay, chim thú cạn dần, giới đi săn thường tìm đến những con sông, dòng suối nằm sâu trong rừng giáp ranh Vườn Quốc gia Cát Tiên (thuộc địa phận các huyện Đạ Tẻh và Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng), cách xã Phước Lộc, huyện Đạ Huoai gần 50 km mới mong bắt được. Nơi ấy có sông, xung quanh là rừng nguyên sinh. "Vào thời điểm này, thú rừng thường tìm đến các con sông, con suối để tìm kiếm thức ăn. Để bắt được chúng, chỉ cần đi săn ngược sông là có" - K’Vin - 30 tuổi, một thợ săn cùng nhóm với K’Prét - khẳng định.
Bắt đầu một chuyến săn đêm
Theo các thợ săn này, để chuyến đi thu được kết quả, nhóm gồm 10 người chia thành hai hướng men theo hai bờ sông. Tuy nhiên, việc săn thú vào ban đêm không đơn giản, đòi hỏi người đi săn phải có kinh nghiệm về cách di chuyển và nhận biết thú rừng.
"Mỗi lần soi đèn vào cành cây, bụi rậm, phải kiên nhẫn và tỉ mỉ, đặc biệt mắt phải tinh nhanh. Đối với giới thợ săn, chỉ cần soi đèn pin lướt qua là có thể phát hiện thú rừng. Mỗi con thú có đặc điểm riêng. Thú trên cạn như chim, gà rừng, cheo, kỳ đà, kỳ tôm... chỉ cần ánh đèn soi qua là mắt chúng phát sáng. Rắn thì khi soi vào thấy phần đuôi và thân lộ rõ" - K’Vin tiết lộ.
Cầm trên tay một con kỳ tôm nặng khoảng 1 kg, K’Prét cho biết loài vật này sẽ nhảy xuống sông hoặc trốn vào bụi rậm nếu nghe tiếng động. Muốn săn được kỳ tôm, phải chặt cây tre dài gần 3 m rồi dùng sắt và dây cước để làm kẹp bắt. Giới thợ săn cũng có thể dùng tay không hoặc súng cồn tự chế để bắt kỳ tôm. Tuy nhiên, thú trúng đạn giá bán thấp.
Rất khó xử lý?
Một cán bộ kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng cho biết dù cơ quan chức năng đã tích cực tuyên truyền, cấm săn bắt thú rừng nhưng do địa bàn rộng, cách thức hoạt động của các nhóm thợ săn đa dạng nên việc phát hiện và xử lý rất khó. Trong khi cơ quan chức năng tìm mọi biện pháp để bảo tồn thú rừng thì nhiều nhóm thợ săn vẫn săn bắt cả ngày lẫn đêm. Nhiều thú rừng quý hiếm đang đứng trước nguy cơ tận diệt.
Theo ông Trần Văn Bình, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Cát Tiên, trung bình mỗi tháng, lực lượng kiểm lâm phát hiện hơn 1.000 bẫy thú các loại. Mỗi năm, hàng trăm vụ săn bắt trái phép với rất nhiều đối tượng vi phạm được phát hiện.
Riêng 3 tháng đầu năm nay, lực lượng chức năng đã truy quét đột xuất tại xã Đắc Lua, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai và các huyện Cát Tiên, Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng; phát hiện, tịch thu hơn 300 kg thú và thịt thú rừng. Các đơn vị chức năng cho rằng rất khó xử lý triệt để vì không thể bắt quả tang lúc thợ săn và đầu nậu giao dịch. Phần lớn thú và thịt thú đều được thợ săn bán cho đầu nậu tại vùng đệm giáp ranh 3 tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng và Bình Phước.
Dễ bị thương, mất mạng
Một chuyến săn đêm, mỗi người trong nhóm K’Prét bắt được khoảng 5-10 kg thú rừng các loại. Tuy nhiên, việc đi săn đêm tiềm ẩn nhiều rủi ro. Theo K’Prét, nhiều trường hợp thợ săn đêm đã gặp nạn.
"Có trường hợp bị nước cuốn trôi, nhiều người bị rắn độc cắn... Đó là chưa kể chuyện cạnh tranh giữa các nhóm thợ săn. Tui đã thoát chết 2 lần ở trong Vườn Quốc gia Cát Tiên vì bị cánh thợ săn khác đòi thanh toán khi mình lỡ lấn địa bàn của họ. Những vụ xô xát, thanh toán lẫn nhau giữa các nhóm thợ săn dẫn đến mất mạng, thương tật đã từng xảy ra" - một thợ săn thừa nhận.
Theo lời K’Prét, hầu như vài ngày lại có thợ săn bị kiểm lâm phát hiện, bắt giữ, tịch thu dụng cụ hành nghề, xử phạt hành chính hoặc chuyển cơ quan công an xử lý. Tuy nhiên, số người vào rừng săn thú vẫn không giảm.
Bình luận (0)