Lần đầu đến Trung tâm Cai nghiện Ma túy Bình Đức (xã Đức Hạnh, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước), ai cũng ngỡ ngàng trước cảnh đẹp nơi đây. Trung tâm tọa lạc trên mảnh đất rộng hơn 60 ha, bằng phẳng, ba mặt được bao bọc bởi hồ thủy điện Thác Mơ, cỏ xanh mướt, trái trĩu cành. Đằng sau vẻ hiền hòa đó là số phận chát đắng của 300 học viên cai nghiện.
Các học viên tách hạt điều tại Trung tâm Cai nghiện Ma túy Bình Đức
Vết trượt từ gia đình
Ngoài việc được điều trị, học viên ở trung tâm còn học chữ, được học nghề như nghề mộc, tách hạt điều, trồng trọt, chăn nuôi... Tại xưởng tách hạt điều, T.T.H, 30 tuổi, quê Thái Nguyên, giọng buồn buồn: “Sai lầm của tôi bắt đầu từ ký túc xá”. Hơn 10 năm trước, H. từng là con ngoan trò giỏi. Thi đậu cao đẳng, dù nhà gần trường nhưng H. nằng nặc xin vào ký túc xá ở để biết “cuộc sống sinh viên”.
Những cuộc vui chơi tại ký túc xá đã đưa H. đến với chất trắng. Phòng H. 4 người thì có đến 2 nghiện ma túy, còn cả khu ký túc xá thì nhiều không kể hết. Lúc ấy, 100 sinh viên tình nguyện thử máu, 17 người bị phát hiện nghiện... Thương con, gia đình cứ chu cấp tiền cho H. đều đặn và việc gì đến sẽ phải đến, một lần H. đi mua heroin thì bị bắt. “Gia đình tôi tan nát từ đó” - H. kể, mắt đỏ hoe.
K. là một học viên nấu ăn rất “nghề”. Sinh ra trong một gia đình người Hoa khá giả tại quận 5 - TPHCM nhưng K. sớm thiếu tình thương của gia đình. Chưa đầy 10 tuổi, người cha vượt biên, mẹ dẫn anh trai bỏ nhà ra đi, giao K. lại cho người cô. Chưa qua cấp hai, K. nghỉ học. Người cô buôn bán bận rộn không có thời gian chăm lo cho K. Buồn phiền, chênh vênh, K. tìm đến ma túy và nghiện nặng, được đưa đi cai ở các trung tâm dịch vụ tại Đắk Lắk, TPHCM nhưng khi rời trại chỉ vài hôm là ngựa quen đường cũ. “Thấy gia đình khổ vì mình nhiều quá, em đến công an phường xin được về đây cai. Lần này em quyết bỏ” - K. nói.
Bị xa lánh, ruồng bỏ
Buổi sáng ở trung tâm, gió mát rượi, từng đoàn học viên xếp hàng ngay ngắn ra vườn nhặt lá, hái điều hoặc đến xưởng tách hạt điều, làm gỗ. Ngày cuối tuần, nhiều học viên vừa làm việc vừa ngóng ra cổng, chờ người thân đến thăm nuôi.
T.H.H.L, 26 tuổi, quê Nam Định, bị bắt trong một lần đi mua hàng trắng, đưa về đây cai. Nghe tin, bố L. từ con, chỉ có mẹ L. thỉnh thoảng gọi điện thoại vào thăm hỏi hoặc gửi con chút tiền tiêu vặt. Những lần thấy các học viên khác xúm xít bên người thân, L. chỉ biết quay mặt đi, tủi hổ. L. từng yêu một cô gái, cả hai đã tính đến chuyện nên duyên nhưng khi biết L. nghiện ma túy, gia đình người yêu bảo “không được lấy thằng nghiện”. “Tôi thèm được nắm tay, ôm người thân dù chỉ một lần” - L. tâm sự. Tôi chia tay L., anh ta năn nỉ: “Chị nói chuyện chút nữa đi, lâu lắm rồi tôi chưa được nói chuyện với cô gái nào”. Không có cơ hội tiếp xúc với người ngoài, những học viên nơi đây rất khao khát được gặp, được trò chuyện với người thân.
Bi đát hơn L., học viên T.V.K phải chịu đựng nỗi đau bởi ba mối tình tan vỡ. 18 tuổi, K. và cô gái gần nhà yêu nhau. Dù biết K. nghiện nhưng cô vẫn thương, khuyên K. đi cai. Đến khi gia đình cô gái biết K. nghiện, liền cấm cản. Mối tình thứ hai tưởng xuôi chèo mát mái khi cả hai dọn về sống chung nhưng cũng “bể” khi gia đình cô gái biết K. nghiện. Mối tình thứ ba, K. bị người yêu phụ bạc, từ đó đâm chán nản, sa vào ma túy.
Tại Trung tâm Bình Đức, tôi được nghe kể nhiều về hoàn cảnh của những học viên bị bỏ rơi hay bị chính gia đình mình chối bỏ. Chị Trần Thị Hồng, điều dưỡng viên của trung tâm, cho biết 70% số học viên chuyển về đây bị nhiễm HIV. Trung tâm chỉ báo tin cho từng người bị nhiễm biết. Những người bị AIDS giai đoạn cuối thường được gia đình bảo lãnh để hồi gia sớm. Tuy nhiên, nhiều học viên không có ai nhận, trung tâm phải chuyển họ sang Bệnh viện Nhân Ái. Ở đó, họ sống những ngày còn lại trong sự cô đơn và đau đớn của bệnh tật.
Đường về xa thẳm
Những học viên ở Trung tâm Bình Đức đều đã qua cắt cơn, chữa trị tại Trung tâm Bình Triệu (TPHCM) trước đó nên không còn vật vã. Tuy nhiên, vẫn còn không ít người “cứng đầu”. H.H.B là một ví dụ. “Trước đây anh làm nghề gì?” - tôi hỏi B. Anh ta trả lời với vẻ bất cần: “Không làm gì hết, chỉ ăn rồi chơi thôi”. Nhìn những hình xăm vằn vện trên cánh tay B., tôi biết B. nói thật. Nhờ gia đình giàu có, B. ăn chơi từ rất sớm.
Trong một vụ ẩu đả, B. bị bắt và thụ án tù 10 năm ở Hàm Tân (Bình Thuận). Ra tù, lông bông lại bị người nhà chì chiết, B. đến với ma túy. Đói thuốc nhưng cạn tiền, B. mua súng rồi tổ chức đi cướp. Một lần đang lưu thông trên đường thì bị CSGT chặn xe, B. không mang theo giấy tờ nên bị “gom”, đưa đi thử máu, phát hiện nghiện, được đưa đi cai. B. tâm sự: “Vào đây tôi mới biết lao động là thế nào!”.
“Sau cai, anh định làm gì?” - tôi hỏi T.V.K. Mắt anh bỗng sáng lên: “Tôi sẽ về phụ người chị dâu bán cơm, tích lũy tiền để mở quán riêng”. Còn T.T.H thì quyết tâm: “Tôi sẽ cố gắng làm việc rồi cưới vợ, sinh con cho bố mẹ vui, ông bà đã đau khổ vì tôi quá nhiều”. Đối với những học viên nơi này, đường về của họ vẫn còn ở phía trước, dù xa thăm thẳm...
Thương những phận “mồ côi”
|
Bình luận (0)