Sáng 13-2, tại Công ty TNHH TMDV Tân Hiệp Phát, ông Nguyễn Tấn Hùng, Chánh Thanh tra Sở Y tế Bình Dương, đã công bố quyết định của giám đốc Sở Y tế về việc thanh tra đột xuất an toàn vệ sinh thực phẩm đối với doanh nghiệp này.
Đoàn thanh tra gồm nhiều cơ quan chức năng
Theo đó, ngoài trưởng đoàn là ông Nguyễn Tấn Hùng, đoàn thanh tra còn có sự tham gia của các cơ quan chức năng khác của Bình Dương, như Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Chi cục QLTT, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường. Đoàn có nhiệm vụ thanh tra đột xuất việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm của Công ty Tân Hiệp Phát trong sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thực phẩm, thực phẩm chức năng và phụ gia thực phẩm. Thời gian thanh tra kéo dài 30 ngày.
Sau khi công bố quyết định thanh tra, ông Hùng cho biết khi có kết luận, Thanh tra Sở Y tế sẽ cung cấp thông tin cho báo chí. Ngay sau đó, đoàn thanh tra bắt đầu làm việc, trong đó có kiểm tra quy trình sản xuất các loại nước đóng chai tại đây.
Ông Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc điều hành các nhà máy của Công ty Tân Hiệp Phát, dẫn báo chí đến dây chuyền sản xuất các loại sản phẩm như Number One, Dr Thanh… Ông Tuấn cho biết vỏ chai nhựa do công ty sản xuất, trước khi chiết nước vào đều được khử trùng, súc rửa bằng máy trong một dây chuyền khép kín. Chai Number One là thủy tinh và có thể tái sử dụng.
Khi báo chí đặt vấn đề lỡ có dị vật trong vỏ chai cũ thì sao? Ông Tuấn khẳng định công ty đã đầu tư hệ thống kiểm tra rất đắt tiền do Đức sản xuất. Những vỏ chai hư hỏng hoặc có dị vật bên trong đều bị hệ thống này “đá” ra ngay.
Hết ruồi đến… đinh vít
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về việc vì sao dị vật có thể rơi vào sản phẩm của Công ty Tân Hiệp Phát, ông Tuấn cho biết: “Chỉ có phá hoại, tống tiền thôi! Việc này thực hiện từ ngoài nhà máy chứ công nhân ở đây cũng không thể làm được”.
Trước hàng loạt câu hỏi của báo chí, bà Trần Uyên Phương, Phó Tổng Giám đốc Công ty Tân Hiệp Phát, giải thích do rất bận nên không thể trả lời chi tiết được.
Về những nghi ngờ của báo chí đối với chất lượng sản phẩm nước đóng chai của Công ty Tân Hiệp Phát, bà Phương cho rằng quy trình sản xuất trà đóng chai và nước tăng lực của công ty là khép kín từ khâu thổi chai, chiết rót nước, đóng nắp, dán nhãn… nên không thể có vật lạ lọt vào. Tuy nhiên, bà Phương cũng thừa nhận sản phẩm có thể hư hỏng do quá trình vận chuyển và lưu thông.
Về câu hỏi của phóng viên Báo Người Lao Động: “Tân Hiệp Phát đánh giá những sự việc vừa qua đã ảnh hưởng đến công ty như thế nào?”, bà Phương nói: “Rất lo lắng cho hình ảnh mà Tân Hiệp Phát đã nỗ lực xây dựng trong 20 năm qua”.
Theo bà Phương, vừa có thông tin một chai nước của Tân Hiệp Phát có đinh vít bên trong. “Chúng tôi khẳng định không thể có việc đinh vít rơi vào sản phẩm trong quá trình sản xuất. Vụ này rất phức tạp, có dấu hiệu câu kết phá hoại doanh nghiệp nên chúng tôi đã báo cáo cơ quan chức năng để điều tra” - bà Phương cho biết.
Có gài bẫy người tố giác?
Về câu hỏi tại sao không giải quyết bằng cách khác mà đưa tiền rồi âm thầm báo cho cơ quan công an bắt người “tố” có vật lạ bên trong sản phẩm, như trường hợp anh Võ Văn Minh ở Tiền Giang, phải chăng đây là hành vi gài bẫy, bà Trần Uyên Phương cho rằng: “Chúng tôi không âm thầm đưa tiền. Chúng tôi đã làm hết sức có thể và đã cử trợ lý của tổng giám đốc để giải thích cho anh Minh rõ yêu cầu của anh sẽ có hậu quả gì. Trong giai đoạn cận Tết, chúng tôi thấy đây là vi phạm hết sức nhạy cảm đối với doanh nghiệp. Khi thấy hành động tống tiền, chúng tôi không thể thỏa hiệp mà phải báo cho cơ quan điều tra”.
Theo bà Phương, các vụ việc đáng tiếc vừa qua, Tân Hiệp Phát bị tống tiền rất nhiều. Hầu hết các trường hợp, Tân Hiệp Phát đều dựa trên thiện chí để cố gắng thuyết phục các đối tượng này hiểu và nhiều người trong số họ đã không tiếp tục yêu cầu. “Tuy nhiên, đáng tiếc là vẫn có một vài đối tượng cố tình tống tiền đến cùng nên chúng tôi bắt buộc phải cầu cứu cơ quan chức năng” - bà Phương nói.
Bình luận (0)