Chùa Thanh Nhàn là ngôi chùa cổ được xây dựng từ thời Lê, nằm trong một ngõ nhỏ của phố Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa). Di tích này bị xâm phạm nghiêm trọng từ nhiều năm nay khiến không ít người dân và Phật tử bức xúc.
Bán đất chùa
Được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) xếp hạng di tích quốc gia vào năm 1989 nhưng chùa Thanh Nhàn đang bị 22 hộ dân ngang nhiên lấn chiếm sinh sống trong khuôn viên; thậm chí còn cơi nới, mua đi bán lại đất của nhà chùa. Nơi thờ cúng đáng lẽ phải rất trang nghiêm nhưng suốt ngày hứng đủ các âm thanh trần tục. Sát vách phòng ở của sư trụ trì là một ngôi nhà lấn chiếm. Hai gian nhà áp sát hai bên nhà mẫu cũng bị người dân lấn chiếm từ lâu. Tiếng người í ới gọi nhau, quần áo giăng đầy phía trước nơi thờ khiến ai đến lễ chùa cũng phải chua xót.
Sư thầy Thích Đàm Nguyên, trụ trì chùa Thanh Nhàn, cho hay năm 2008, UBND TP đo vẽ hiện trạng, khoanh vùng bảo vệ di tích chùa Thanh Nhàn. Theo đó, tất cả các hộ dân ở trên đất nhà chùa (gần 5.000 m2) đều nằm trong khu vực III cần bảo vệ. Thế nhưng, vào tháng 4-2011, gia đình ông Đỗ Đức Cường (số 54, ngõ 318 Đê La Thành), nằm trong khu vực III, đã nâng căn nhà đang ở thành nhà 5 tầng, bất chấp việc đình chỉ thi công của UBND phường Ô Chợ Dừa.
Nhà chùa kiến nghị lên UBND phường Ô Chợ Dừa và ngày 25-4-2011, phường đã có quyết định đình chỉ xây dựng nhưng ông Cường vẫn lén lút thi công. Nhà chùa cũng đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị lên các cơ quan chức năng của quận Đống Đa trong suốt nhiều năm nhưng chính quyền chưa giải quyết dứt điểm.
Trước vụ xâm phạm nghiêm trọng di tích chùa Thanh Nhàn, ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VH-TT-DL TP Hà Nội, cho biết sẽ xử lý nghiêm đối với những công trình xây mới trên đất di tích, phải giữ nguyên hiện trạng của di tích. “Riêng đối với những gì do lịch sử để lại thì từ từ sẽ giải quyết khi có quỹ đất, quỹ nhà. TP đã có chủ trương giao cho liên ngành xử lý việc này” - ông Tô Văn Động khẳng định.
Bỏ tượng cổ, thay tượng mới
Theo thống kê của Sở VH-TT-DL, trong số 2.000 di tích được xếp hạng ở Hà Nội, có tới hơn 400 di tích bị xâm phạm nghiêm trọng và hàng trăm di tích đình, chùa được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa bị lấn chiếm.
Đình Văn Khê (thị xã Sơn Tây) xây dựng từ năm 1642, xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia vào năm 2001. Hiện mái đình võng xuống, ngói vỡ, xô lệch và cứ mưa là dột. Các mái, đòn tay, cột kèo, hoành, xà đều bị mối ăn mòn, rỗng và nứt toác. Nhiều di tích khác như chùa Vĩnh Trù, đình Kim Liên, chùa Láng… cũng chịu số phận tương tự.
Không chỉ chịu cảnh tàn phá của thiên nhiên, của thời gian nghiệt ngã, không ít di tích cấp quốc gia ở Hà Nội còn bị xâm phạm từ chính những người trực tiếp quản lý di tích này.
Người dân xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất cho đến giờ vẫn chưa hết bức xúc về việc sư Thích Minh Phượng, trụ trì chùa Chân Long (huyện Thạch Thất), tự ý di chuyển, thay đổi các pho tượng cổ bằng tượng mới và đỉnh điểm là đưa pho tượng có hình dáng giống mình vào thờ tự trong chùa, bỏ pho tượng vua cha Ngọc Hoàng cổ có niên đại hàng trăm năm. Các cơ quan chức năng thuộc Sở VH-TT-DL cùng Công an TP Hà Nội phải vào cuộc thanh tra và xác định nhiều sai phạm tại chùa như tự ý đưa tượng mới vào chùa, đưa tượng cổ ra khỏi chùa, xây dựng các hạng mục nhà vệ sinh sát bên cạnh tòa Tiền đường, chặt cổ thụ để xây garage cạnh cổng phụ.
Ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL TP Hà Nội, nhấn mạnh việc tự ý xây dựng một số hạng mục và thay đổi tượng thờ trong di tích là sai phạm. Các sai phạm này diễn ra từ năm 2010 và UBND xã Chàng Sơn đã lập biên bản nhắc nhở, hướng dẫn ban hộ tự và sư trụ trì khắc phục. Tuy nhiên, các sai phạm trên vẫn chưa được xử lý, gây bất bình trong nhân dân địa phương. Điều này khiến sở phải có văn bản gửi hàng loạt cơ quan như Bộ VH-TT-DL, UBND TP, Công an Hà Nội và Huyện ủy, UBND huyện Thạch Thất, Ban Tôn giáo TP... xử lý.
Thêm 2 di tích kêu cứu
Lăng Dinh Hương (xã Đức Thắng, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1965, hiện đang rơi vào tình trạng bị bỏ hoang và nguy cơ trở thành phế tích. Di tích này là một quần thể kiến trúc điêu khắc đá ong hoành tráng, độc đáo thời Hậu Lê, thờ Quận công La Quý Hầu. Đây được coi là nơi tôn vinh truyền thống kiến trúc điêu khắc đá của dân tộc, thể hiện rõ ở nghệ thuật điêu khắc tượng người hay linh thú cùng đồ thờ, trang trí kiến trúc phong phú với nhiều mô-típ, đồ án hoa văn sinh động thực sự điển hình cho nghệ thuật điêu khắc đá cổ Việt Nam. Thế nhưng, lăng hiện không có người trông coi, không cổng không rào (hệ thống tường bao xung quanh bằng đá ong cũng bị một số kẻ gian lấy trộm gần hết), một số người lấy nơi đây làm chỗ chăn thả trâu, bò. Trên các bia đá, tượng voi, tượng người bị viết chằng chịt bằng bút xóa, trông rất phản cảm.
Một di tích lịch sử quốc gia khác có lịch sử 700 năm là đình Ngò (huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) cũng đang kêu cứu. Là công trình có giá trị lớn về kiến trúc, văn hóa - nghệ thuật với nhiều mảng chạm khắc dân gian độc đáo nhưng hiện phần lớn trụ cột bằng gỗ của đình đã bị mối ăn, mái ngói xô đảo, nghiêng hẳn về hướng Tây; hệ thống cửa gỗ cũ kỹ, ẩm mốc và bị mối mọt đục mủn. Ông Trần Văn Trúc, người trực tiếp trông coi đình Ngò, cho biết những ngày mưa, nước dột tứ tung...
Bình luận (0)