Thời gian qua, có nhiều phản ánh của người dân các quận, huyện ngoại thành về một số tuyến đường xuống cấp, ảnh hưởng đến việc lưu thông.
Không bằng “đường làng”
Quá trình đô thị hóa giúp quận 9 có thêm nhiều tuyến đường đẹp nhưng vẫn còn nhiều con đường “đau khổ” chưa biết khi nào mới được đầu tư xây dựng. Đường Bưng Ông Thoàn (phường Tăng Nhơn Phú B, quận 9, TP HCM) bị xuống cấp nghiêm trọng từ nhiều năm qua. Theo ghi nhận, tuyến đường này không có hệ thống thoát nước, có những ổ gà rộng ngang mặt đường như những ao nhỏ. Bà Trần Thị Hằng (ngụ đường Bưng Ông Thoàn) cho biết thỉnh thoảng có đơn vị thi công đến đổ đá dăm lên nhưng chỉ được vài tuần thì mặt đường lại tiếp tục bị hư hỏng. Nguyên nhân do lượng phương tiện qua tuyến đường này rất lớn, phá đường khi trời mưa. Tình trạng càng thêm tồi tệ khi tuyến đường D2 thông ra cầu Phú Hữu đưa vào sử dụng, tài xế từ các tuyến đường Dương Đình Hội và Đình Phong Phú chọn đi tắt qua đây để tiết kiệm thời gian và nhiên liệu. Cũng tại quận 9, đường Hoàng Hữu Nam mỗi ngày gánh hàng ngàn phương tiện tải trọng lớn, đặc biệt là xe tải và container nên thường xuyên bị hư hỏng.
Ở huyện Bình Chánh, đường Võ Văn Vân (đoạn quan xã Vĩnh Lộc B) cũng tan nát từ nhiều năm qua. Ông Nguyễn Trọng Tuấn (ngụ ấp 4) chuyển về đây sinh sống được gần 10 năm nhưng chưa nghe chính quyền địa phương thông báo gì về việc đầu tư cho con đường này. “Những ngày trời mưa, con đường lầy lội hành dân kinh khủng, nhất là các cháu nhỏ đi học bằng xe đạp lấm lem quần áo” - ông Tuấn bức xúc. Sau đó, một vài đơn vị đến dặm vá, đổ đá dăm lên những ổ gà thì lại phát sinh bụi bặm mù mịt khi trời nắng. Theo người dân, kiểu dặm vá tạm bợ chỉ là giải pháp tình thế và mong muốn nhà nước nâng cấp toàn tuyến để đường sá khang trang, sạch đẹp. Ngoài ra, các tuyến đường khác như Nữ Dân Công (xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh), Phan Văn Hớn (huyện Hóc Môn và Bình Chánh)… cũng thường xuyên lầy lội.
Chủ yếu duy tu, dặm vá
Theo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM, các tuyến đường ngoại thành phân cấp cho cả địa phương và sở quản lý. Trong đó, sở chỉ quản lý 30% số lượng tuyến đường, còn lại 70% là do UBND các quận - huyện quản lý. Đối với các tuyến đường do Sở GTVT quản lý, khi nhận tin báo của người dân, sở sẽ kiểm tra thực tế và lên kế hoạch dặm vá, duy tu. Trả lời phóng viên Báo Người Lao Động về việc khi nào sẽ đầu tư nâng cấp, lãnh đạo sở cho biết các tuyến đường đều được lên danh sách thứ tự ưu tiên, trong đó các công trình cấp bách đầu tư trước.
Theo Sở GTVT, đường Liên ấp 4 và đường Nữ Dân Công Hòa Tiến nối xã Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh với xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn là giao thông nông thôn, có chiều dài khoảng 300 m, do địa phương quản lý. Sở GTVT đã đề nghị UBND huyện Hóc Môn chỉ đạo các đơn vị trực thuộc duy tu, dặm vá và phối hợp với UBND huyện Bình Chánh vận động người dân đóng góp để thực theo chương trình nông thôn mới.
Đường Phan Văn Hớn là trục chính kết nối Quốc lộ 1 với đường Nguyễn Văn Bứa đi Long An và các tỉnh Tây Nam Bộ. Hiện nay, đoạn đường này (từ đường Trường Chinh đến Quốc lộ 1) qua quận 12 có chiều dài hơn 2,1 km và qua huyện Hóc Môn có chiều dài hơn 6,6 km nhưng chưa có hệ thống thoát nước và phải đón lưu lượng giao thông lớn. Dự án nâng cấp, mở rộng đường Phan Văn Hớn (đoạn qua huyện Hóc Môn) đã được HĐND TP thông qua chủ trương đầu tư. Hiện nay, Khu Quản lý Giao thông đô thị số 3 đang nghiên cứu đề xuất lập dự án đầu tư với quy mô phù hợp, đáp ứng lưu lượng giao thông trước mắt và lâu dài; đồng thời chỉnh trang đô thị, bảo đảm thoát nước khu vực và an toàn giao thông, mỹ quan đô thị.
Đại diện Khu Quản lý Giao thông đô thị số 2 cho biết hằng nằm, đường Bưng Ông Thoàn đều được duy tu nhưng do lượng xe tải lưu thông nhiều nên bề mặt hư hỏng trở lại. Đường Hoàng Hữu Nam cũng bị xe tải và xe container “cày” nhưng chỉ dặm vá và thực hiện các sửa chữa nhỏ. “Khu đang đề xuất Sở GTVT đưa 2 tuyến đường vào kế hoạch đầu tư trong giai đoạn tới để được sắp xếp vốn” - đại diện Khu 2 nói.
Bình luận (0)