xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tàn phá quần thể du sam quý hiếm

NGÀN SÂU - CAO NGUYÊN

Những cây du sam cả trăm tuổi bị xẻ thịt trong Khu Bảo tồn thiên nhiên suốt thời gian dài mà cơ quan quản lý “không hay biết”

Tờ mờ sáng một ngày đầu tháng 10, chúng tôi cùng thợ săn V.D.H từ chân núi Nam Nung bắt đầu hành trình leo lên “đỉnh trời”. Tiểu khu 1133, Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Nung (phía Đông tỉnh Đắk Nông) vốn được cánh lâm tặc gọi là “đỉnh trời” vì có độ cao hơn 1.500 m so với mực nước biển, địa hình hiểm trở, rất ít người lui tới.

Cây bị chặt nhiều không đếm hết

Sau hơn 8 giờ đi bộ, vượt qua nhiều ngọn núi, băng qua các khe suối, chúng tôi đặt chân tới Tiểu khu 1133. Cảnh tượng xót xa dần hiện ra trước mắt. 1 cây du sam có đường kính hơn 1,8 m vừa bị đốn hạ, cưa xẻ lấy gỗ.

Tại hiện trường, dù không còn bất kỳ lóng gỗ nào nhưng theo ước tính của anh H., số gỗ đã khai thác từ cây du sam này phải hơn 20 m3. Quanh gốc là mùn cưa, bìa gỗ, lán trại cùng nhiều cây rừng đã bị chặt hạ lấy mặt bằng cưa xẻ.


Những cây du sam cổ thụ bị đốn hạ trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Nung (Đắk Nông)

Những cây du sam cổ thụ bị đốn hạ trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Nung (Đắk Nông)

Đây chỉ mới là điểm khởi đầu. Càng vào sâu, mật độ cây du sam bị chặt hạ càng dày. Phần lớn những cây du sam có đường kính từ 1,5-2 m bị đốn hạ, cưa xẻ. Số lượng cây bị tàn phá nhiều đến nỗi chúng tôi không thể thống kê hết. Từ dấu vết để lại tại hiện trường cho thấy việc khai thác gỗ du sam tại khu vực “đỉnh trời” đã diễn ra trong thời gian dài. Ngoài hiện trường chặt phá, khai thác, tại một số vị trí vẫn còn những phiến gỗ du sam đã được tập kết ở một số điểm chuẩn bị vận chuyển ra khỏi rừng.

Anh H. cho biết thông thường, mỗi chuyến khai thác du sam và vận chuyển gỗ từ khu vực “đỉnh trời” ra khỏi rừng phải mất ròng rã cả tháng. Mỗi lần đi có hàng chục người mang theo xe công nông độ chế, lương thực, thực phẩm cùng các loại nhu yếu phẩm khác, kể cả rượu, bia, thuốc tây…

Để vận chuyển gỗ vượt qua những con dốc dựng đứng hoặc băng qua suối hiểm trở, họ phải dùng loại xe công nông độ chế động cơ lớn. Khi vượt dốc, người ta dùng dây cáp buộc vào những gốc cây 2 bên đường và dìu xe lên, xuống từ từ. Lâm tặc còn chặt hạ hàng loạt cây rừng để mở ra những lối đi lớn thuận lợi cho việc vận chuyển gỗ.

Mỗi chuyến xe thường vận chuyển từ 10-15 m3 gỗ du sam. Khi vận chuyển gỗ, nhất là những lần lên, xuống dốc hoặc băng qua khe suối, tiếng hô hào của các lâm tặc và tiếng gầm rú của xe công nông độ chế làm náo động cả khu rừng.

Chờ công an đỡ “quấy”

Sau chuyến đi từ “đỉnh trời”, chúng tôi trở lại xã Đắk Sắk, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông trong vai những người đi buôn gỗ du sam để tìm tung tích của các đối tượng tham gia khai thác quần thể du sam tại Tiểu khu 1133.

Lân la ở những điểm mà một số người thường tụ họp để bàn phương án khai thác, buôn bán gỗ lậu, chúng tôi đã tiếp cận được 2 “thợ rừng” chuyên nghiệp. Họ rất kín tiếng và hầu như không tiết lộ thông tin về việc khai thác gỗ du sam. Dù vậy, họ cũng giới thiệu để chúng tôi liên hệ với P.V.K - được mệnh danh là “đao phủ” du sam, thường thuê 2 thợ rừng này đi khai thác gỗ.


Các phiến gỗ du sam chưa được vận chuyển ra khỏi rừng Ảnh: Ngàn Sâu

Các phiến gỗ du sam chưa được vận chuyển ra khỏi rừng Ảnh: Ngàn Sâu

“Giao dịch” qua điện thoại, K. giới thiệu một người đang có 1 cục du sam rộng 1,4 m, dài 3,5 m và dày 85 cm với giá 150 triệu đồng. “Anh cảm thấy lấy được thì lấy, chứ nó không cho xem trước đâu vì ba cái loại gỗ này anh cũng biết rồi đấy, đụng vào là dễ chết như chơi” - K. tiết lộ.

Thấy chúng tôi còn lưỡng lự, K. liền hứa hẹn chờ một thời gian nữa sẽ không thiếu gỗ to hơn. Theo lời K., anh ta có 1 “bộ ngựa” du sam vừa bán rộng 2,1 m, dài 3,5 m và dày 35 cm. Vì để trong nhà sợ quá nên anh ta đã phải bán rẻ.

“Đợt này công an làm căng quá, bọn em chưa đi được, chứ bình thường thì anh thích kiểu gì cũng có. Cái bãi du sam trong “đỉnh trời” em thuộc như lòng bàn tay. Gỗ bọn em mới làm đợt vừa rồi do “động” nên người ta (lực lượng chức năng - PV) lấy mất, không thì anh thoải mái lựa chọn. Số gỗ bọn em làm đang để trong đó chỗ nào họ đưa vào sổ để tịch thu, chỗ nào không đưa vào sổ em biết hết” - K. kể.

Theo lời K., vẫn còn nhiều cây K. thuê người hạ giữa rừng, lực lượng chức năng không thể nào biết. Chờ mấy đợt nữa, người của K. kéo gỗ về thì chúng tôi lấy thoải mái, thích du sam hay gỗ gì cũng được.

Chúng tôi thắc mắc gỗ quý hiếm, lại phải đi qua nhiều đơn vị, bộ phận chức năng, sao đưa được về Đắk Sắk, K. tự tin cho biết: “Bọn em có cách của bọn em, anh làm sao biết được. Vẫn đi đường cũ từ “đỉnh trời” về xã Đắk Môl (huyện Đắk Song - PV) rồi đến Đắk Sắk như bình thường. Đường bọn em có cách “lo” hết cả rồi, chỉ chờ công an đỡ “quấy” một chút là đi được” - K. nói.

Mất gỗ quý, không ai chịu trách nhiệm

Tiểu khu 1133 trước đây thuộc diện quản lý của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đức Hòa (Đắk Song). Do ít bị xâm phạm, mật độ che phủ cao nên đến tháng 5-2016, Tiểu khu 1133 đã được UBND tỉnh Đắk Nông thu hồi, phê duyệt vào rừng đặc dụng và giao cho Ban Quản lý (BQL) Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Nung quản lý.

Làm việc với chúng tôi, ông Đặng Xuân Lộc, Giám đốc BQL Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Nung, tỏ ra tiếc nuối vì phải mất cả trăm năm mới có được một cây du sam kích cỡ lớn như những cây du sam tại Tiểu khu 1133. Mặt khác, ở Việt Nam hiện nay, hầu như chỉ có một vài khu vực tại Đắk Nông là có loài du sam kích cỡ lớn. Do đó, việc quần thể du sam tại Tiểu khu 1133 bị lâm tặc tàn phá là xót xa vô cùng.

Ông Lộc cũng chưa thể khẳng định một cách chính xác về thời điểm quần thể du sam bị tàn phá nhưng những dấu vết để lại tại hiện trường đều cho thấy hầu như du sam đã bị chặt hạ trước thời điểm Tiểu khu 1133 được bàn giao về cho Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Nung.

“Một khi rừng đã được giao cho BQL Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Nung thì rất khó mà đụng đến. Đừng nói đến du sam mà các loại gỗ khác, lâm tặc cũng rất khó để khai thác được. Do đó, nếu nói du sam tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Nung bị phá là điều vô lý” - ông Lộc quả quyết.

Trong khi đó, ông Phạm Đình Dũng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đức Hòa, lại khẳng định trước khi nhận bàn giao Tiểu khu 1133, BQL Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Nung đã kiểm tra, khảo sát hiện trạng rừng rất kỹ lưỡng. Do đó, nếu phát hiện tình trạng phá rừng hoặc quần thể du sam bị tàn phá, BQL chắc chắn đã lên tiếng.

Ngoài ra, tại biên bản kiểm tra hiện trạng rừng cũng như biên bản nhận bàn giao Tiểu khu 1133, BQL Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Nung cũng không hề đề cập chuyện quần thể du sam bị chặt phá.

Thậm chí, ông Dũng còn tỏ ra nghi ngờ: “Tôi làm giám đốc cả chục năm nay và không hề có chuyện du sam bị chặt phá. Vậy mà sau khi Tiểu khu 1133 được bàn giao cho phía Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Nung lại xảy ra tình trạng này”.

Nguy cơ tuyệt chủng

Du sam hay còn gọi là du sam đá vôi, ngô tùng, thông dầu…, được xếp vào nhóm thực vật nguy cấp cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Du sam là cây thân gỗ lớn, có thể cao 40-50 m. Gỗ du sam thớ mịn, màu vàng nhạt và có hương thơm đặc trưng dùng làm đồ mỹ nghệ, nội thất, xây dựng.

Trước tình trạng loại gỗ du sam bị săn lùng và số lượng ít ỏi, mới đây, cơ quan chức năng đã lập đề tài nghiên cứu để tìm cách nhân giống nhằm bảo tồn nguồn gien của loài cây quý hiếm này.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo