Ba giờ sáng, khi tiếng gà gáy vang lên, nhóm 3 thợ săn người Mạ tới khu rừng đầu nguồn sông Đạm Bri (huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng) chuẩn bị săn thú.
Đặt bẫy khắp rừng
Theo thợ săn K’ V. (người Mạ, ngụ huyện Đạ Tẻh), hàng chục năm trước, cộng đồng người Mạ thường lên rừng, cầm theo cung (tiếng người Mạ là Tà Na) hoặc đặt bẫy để săn thú. Thời điểm đó, việc săn bắt thú rất đơn giản vì còn nhiều nhưng nay thì khác. “Thời buổi này phải luồn sâu qua mấy khu rừng, sông suối may ra mới bắt được thú hiếm” - anh K’ V. nói.
Thú rừng bị săn bắn ở huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng Ảnh: GIA HƯNG
Khi tiếng gà gáy cất vang, nhóm thợ săn của anh K’ V. chạy xe máy hướng đến một bìa rừng cách buôn làng hàng chục km. Tới khu rừng đầu nguồn sông Đạm Bri, anh K’ V. ra hiệu cho 2 người kia dừng lại và chuẩn bị đồ nghề bắt đầu băng rừng.
Hành trang cho chuyến săn đợt này là 3 khẩu súng kíp tự chế, sử dụng thanh chì cắt nhỏ, ép thành những viên đạn tròn bằng đầu đũa. Những viên đạn kim loại có độ sát thương lớn, dễ hạ gục bất cứ con thú nào mà họ phát hiện. Ngoài ra, nhóm còn đem theo con dao dài cài ở thắt lưng và nhu yếu phẩm. Trợ thủ đắc lực của chuyến đi là 3 chú chó săn cao to, rất hung dữ.
Khi vào rừng, 3 thợ săn là K’ V. K’ Đ. (người Mạ), N.V.N (người Kinh), mỗi người dẫn theo 1 chú chó săn, bắt đầu chia nhau tỏa ra các hướng. Luồn rừng hơn 1 giờ, thi thoảng chúng tôi mới nghe vài tiếng chim hót. “Còn xa. Phải vào rừng sâu chứ ngoài này không có con thú nào dám mò ra đâu” - Anh K’ V. nói.
Việc đầu tiên trong mỗi cuộc đi săn là các thợ săn tới kiểm tra những chiếc bẫy, vốn là “án tử” cho những con thú xấu số chẳng may dính phải. Hơn 3 giờ băng rừng, anh K’ V. cho biết cách đây khoảng chục mét, có hơn 30 cái bẫy đã được nhóm đặt khắp các cánh rừng, những nơi thú thường qua lại.
Chưa nói dứt câu, chó săn đột nhiên sủa inh ỏi, anh K’ V. nhanh tay nạp đạn rồi lao về phía trước. Một con nhím nặng khoảng 1,5 kg, chân bị dính bẫy thắt chặt bởi sợi dây thép sắc lẹm, treo ngược lên cao. “May quá! Nếu đến trễ là nhím chết, bán sẽ không được nhiều tiền. Chuyến đi săn này coi như đã có thành quả” - anh K’ V. hớn hở.
Sau khi bắt con nhím bỏ vào túi lưới, anh K’ V. đặt lại bẫy ở vị trí cũ. Bẫy nào đã dính thú sẽ dính tiếp vì đây là đường đi của chúng. Lúc này, một tiếng nổ chát chúa ở khu rừng bên cạnh, rồi một tiếng nổ nữa vang lên. “Chuyến này như thế là ngon rồi!” - anh K’ V. nói.
Làm giàu cho con buôn
Khoảng 30 phút sau, như đã hẹn trước, cả nhóm thợ săn gặp nhau tại một con suối nhỏ. Trên tay anh N.V.N là con cheo nặng gần 3 kg, còn anh K’ Đ. xách con chồn hương gần 2 kg đều đã bị bắn chết.
“Quá trình săn bắt, nếu con thú bị bắn chết, thợ săn sẽ mổ bụng, lấy bộ lòng rồi đốt lửa nướng sơ qua để giữ cho thịt không bị hư. Một số thú rừng may mắn còn sống, chúng tôi sẽ bán lại với giá cao” - anh K’ Đ. nói và cho biết chuyến săn này, vì con nhím dính bẫy còn sống nên phải vội về để bán được giá cao.
Theo anh N.V.N, ở Đạ Tẻh còn nhiều nhóm thợ săn khác, thỉnh thoảng lại tranh chấp địa bàn xảy ra đổ máu.
Sau gần 1 ngày đi săn, anh K’ V. chạy xe vào trung tâm xã để bán thú rừng. Trước ngôi nhà bề thế, một người chuyên thu mua thú rừng đang đợi sẵn. Toàn bộ số thú chỉ được trả giá chưa đến 2 triệu đồng. Người đàn ông thu mua viện lý do con cheo, chồn hương đã chết; con nhím bị thương rồi cũng chết nên tính giá bán theo kg thịt của mỗi loài.
“Ở đây, họ là trùm. Mình có mang đến nơi khác thì người ta cũng không dám mua. Không khéo họ báo kiểm lâm thì khổ!” - anh K’ V. giải thích dù thừa biết số thú rừng kia sẽ được bán lại cho các nhà hàng, quán nhậu với giá gấp 3 - 4 lần.
Tại các nhà hàng lớn, những món đặc sản rừng như cheo, dúi, nhím… đã bán với giá gần nửa triệu đồng/đĩa mà không ai dám chắc đó là những miếng thịt rừng đúng nghĩa. Những con buôn thu về lợi nhuận rất cao, trong khi thợ săn như anh K’ V. phải đánh đổi mạng sống với rừng thiêng nước độc.
“Để vận chuyển thịt rừng đến một số thành phố lớn, chúng tôi thường đông lạnh chúng rồi nhờ một số nhà xe quen biết trên địa bàn chở đi. Do số lượng ít, hàng đông lạnh nên cơ quan chức năng khó phát hiện. Với thú rừng còn sống, để vận chuyển từ nơi này đến nơi khác, chúng tôi phải ngụy trang để không ai phát hiện” - một con buôn tiết lộ.
Công an tỉnh Hà Tĩnh ngày 3-1 đã ra quyết định bắt tạm giam, khởi tố bị can 3 đối tượng liên quan trong vụ án vận chuyển 12 con voọc từ Quảng Bình ra Hà Nội hôm 29-12-2016.
Cần xử lý mạnh tay
Ông Vũ Trung Dũng - Đội trưởng Đội CSĐT tội phạm về kinh tế và ma túy Công an huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng - cho biết vừa khởi tố Nguyễn Văn Thắng sau khi bắt quả tang đối tượng này đang vận chuyển 4 con dúi và một con tê tê.
Trước đó, ngày 8-4-2016, trên Quốc lộ 27 thuộc xã N’Thôn Hạ, huyện Đức Trọng, Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh Lâm Đồng đã kiểm tra xe khách do tài xế Lê H.T. (ngụ xã Xuân Thọ, TP Đà Lạt) điều khiển chạy hướng từ tỉnh Đắk Lắk về tỉnh Lâm Đồng và phát hiện trên xe có 1 con rắn hổ mang chúa, 2 con mèo rừng còn sống (đều là các động vật hoang dã thuộc nhóm nguy cấp 1B).
Bình luận (0)