Sau một thời gian ngắn tạm ngưng, mấy ngày qua, do ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc gây sóng biển mạnh, tình hình sạt lở ở bờ biển Cửa Đại (phường Cửa Đại, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) trở nên phức tạp.
Lo sợ mất đất, tài sản
Chiều 26-11, khoảng 300 m bờ biển phía Bắc Cửa Đại đã bị sóng đánh tan hoang. Gió biển rít liên hồi kèm theo những con sóng to liên tục đập vào bờ như muốn cuốn trôi tất cả. Hàng loạt cây dừa xanh tươi bị sóng đánh trốc gốc, nằm nghiêng ngả. Hàng ngàn bao cát của người dân gia cố trước đó đã bị sóng biển cuốn trôi. Hai ngày qua, sau khi bờ biển bị sạt lở sâu vào đất liền, sóng cuốn trôi tài sản của các hộ kinh doanh, chính quyền TP Hội An đã huy động 3 xe múc, hàng chục xe tải chở cát cùng hàng trăm người dầm mình trong sóng dữ để cứu từng mét đất. Trong sóng biển liên tục cuộn trào, những người giữ đất phải rất vất vả để đóng từng cây tre trước khi chèn bao cát xuống chắn sóng. Mọi người phải làm việc cật lực và khẩn trương bởi chậm giây nào đồng nghĩa với bờ biển tiếp tục bị sóng cuốn trôi. “Chúng tôi đang phải chạy đua với sóng biển để cứu bờ” - một người dân Cửa Đại đang dầm mình trong nước nói.
Khác với không khí khẩn trương giữ đất, cách đó không xa, nhiều nhà hàng vốn nườm nượp du khách trước đây, nay trở nên vắng vẻ. Trên bờ Cửa Đại, bà Lương Thị Bé (62 tuổi, chủ nhà hàng Tấn Lộc) ngồi thu mình bên cánh cửa khép, hướng ánh mắt ra biển mà không khỏi lo âu cho số phận của nhà hàng khi sóng to chỉ còn cách chừng 10 m. Bà Bé cho biết bờ biển này đã sạt lở từ cuối năm 2013 đến nay. Lúc đầu, sạt lở ở khu vực phía Nam rồi dần dần tiến lên phía Bắc. Đêm 24-11, từng đợt sóng lớn tạt vào bờ cuốn trôi bàn ghế, đồ dùng của nhiều hộ kinh doanh. “Chúng tôi hết sức lo lắng vì sóng biển cứ khoét vào bờ từng giờ. Nếu không có giải pháp căn cơ, các nhà hàng ở đây sẽ bị xóa sổ trong nay mai” - bà Bé dự đoán.
Ông Nguyễn Thành Công, chủ nhà hàng Kim Liên, tỏ ra bất an trước tình trạng sạt lở đến chóng mặt. “Nếu như bờ biển này tiếp tục bị sạt lở thì sẽ mất du khách, các hộ kinh doanh ở đây lâm vào cảnh khốn cùng” - ông Công lo lắng.
Chống chọi theo kiểu “con nhà nghèo”
Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND TP Hội An, cho biết 2 ngày qua, chính quyền đã huy động hàng trăm dân quân, bộ đội, thanh niên địa phương cùng các doanh nghiệp trên địa bàn đưa phương tiện đến để khắc chế tình trạng sạt lở. Tuy nhiên, phương pháp này vẫn là tạm thời. Theo ông, để ngăn chặn tình trạng sạt lở trong mùa mưa, TP đang xin tỉnh và trung ương khoảng 35 tỉ đồng để xây dựng kè mềm (gia cố bằng túi địa kỹ thuật) khoảng 1 km bờ biển như khu nghỉ dưỡng Victoria Hội An đã làm và đang phát huy hiệu quả. “Chúng tôi đã mua kè mềm ở Hà Lan và cuối tháng này sẽ về. Chờ có kinh phí thì triển khai ngay vì tình trạng sạt lở đang rất nghiêm trọng” - ông Dũng nói.
Ông Dũng cũng thừa nhận từ khi bờ biển sạt lở đến nay, Hội An đã chi gần cả trăm tỉ đồng nhưng không hiệu quả do không có giải pháp căn cơ, địa phương không chủ động được kinh phí. “Do kinh phí ít nên chỗ nào sạt lở thì kè chỗ đó. Khắc phục theo kiểu con nhà nghèo nên mình làm chỗ này thì chỗ kia sạt lở...” - ông Dũng đúc kết.
Trung ương sẽ thị sát
Ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết ông vừa đến hiện trường kiểm tra và thấy mức độ sạt lở ở bờ biển Cửa Đại là rất nghiêm trọng nên tỉnh quyết định ứng ngay cho TP Hội An 5 tỉ đồng để triển khai các giải pháp tạm thời. Tỉnh đã báo cáo tình hình cho trung ương và trong tuần tới, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ vào kiểm tra, đưa ra giải pháp cụ thể. Theo ông Thu, nhiều cuộc hội thảo đã được tổ chức với sự tham gia của các nhà khoa học trong và ngoài nước để tìm giải pháp lâu dài cho việc khắc phục sạt lở bờ biển Cửa Đại. Dù không ít giải pháp đã được đánh giá cao nhưng do kinh phí thực hiện quá lớn nên tỉnh chưa chọn được giải pháp cụ thể.
Bình luận (0)