Ở tuổi 78, cái tuổi hưởng an nhàn bên con cháu nhưng bà Nguyễn Thị Lành - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Khuyến học phường 13, quận Bình Thạnh, TP HCM - vẫn rong ruỗi khắp nơi để vận động mạnh thường quân chung tay giúp đỡ trẻ nghèo hiếu học. Bà là gương sáng học tập và làm theo Bác về tình yêu thương con người, sẻ chia trách nhiệm với cộng đồng.
Bà tiên của trẻ nghèo
Gia đình bà Lành chuyển đến TP HCM mưu sinh khi thành phố vừa giải phóng. Ngày ấy, thành phố còn nhiều vùng đầm lầy. Bà thường ra đó cắt cỏ để nuôi thỏ. Trong một sáng đi cắt cỏ, thấy mấy đứa trẻ tầm 7-8 tuổi, bà Lành hỏi: "Giờ này các cháu phải ở trường chứ sao ở đây?". Một em nhỏ đáp: "Ba mẹ cháu làm công nhân, không có tiền cho cháu đi học".
"Thế các cháu có muốn đi học không? Nghe tôi hỏi vậy, mắt bọn trẻ sáng rực lên. Ánh mắt ấy thôi thúc tôi phải làm gì đấy. Thế là hôm sau, tôi đến trường đăng ký nhập học cho bọn trẻ sau khi được sự đồng ý của ba mẹ chúng" - bà Lành nhớ lại.
Bà Nguyễn Thị Lành, “bà tiên của trẻ nghèo”
Bà Lành kể khi đến đăng ký học cho bọn trẻ, hiệu trưởng "chất vấn" bà có đủ khả năng không. Bà hồn nhiên trả lời: "Tôi sẽ nấu cơm cho bọn trẻ ăn, xin sách vở cho bọn trẻ học, xin tiền cho bọn trẻ đóng học phí". Cứ thế, hơn 40 năm qua, đã có hàng trăm học trò nghèo được bà Lành làm cầu nối nhân ái để chắp cánh ước mơ đến trường.
Không chỉ thắp sáng ước mơ học đường cho trẻ, bà Lành còn tranh thủ sự ủng hộ từ khắp nơi để thực hiện các chương trình thiện nguyện, tặng sách vở, quà bánh cho các em. "Trên hành trình của mình, tôi luôn căn dặn học trò không ngừng nỗ lực, cố gắng và không được tự mãn khi nhận được sự tin tưởng, quan tâm và giúp sức của cộng đồng; phải sống xứng đáng với sự giúp đỡ của những tấm lòng hảo tâm trên con đường lập nghiệp" - bà Lành tâm sự.
Đáp lại tấm lòng của bà Lành, nhiều học trò nghèo được bà nâng đỡ đã trở thành kỹ sư, bác sĩ… Dẫu điều kiện kinh tế không mấy dư dả nhưng họ vẫn trích ra một phần thu nhập để đồng hành cùng bà giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn như mình năm xưa.
"Mỗi lần nhận được nghĩa cử của các em, tôi hạnh phúc và sung sướng lắm. Điều đó đúng với tâm nguyện của tôi là em đi trước dìu dắt em đi sau. Hơn nữa, các em đều làm việc này với lòng nhiệt thành. Thấy các em như vậy, tôi rất mãn nguyện. Đó cũng chính là động lực để tôi tiếp tục hành trình kết nối của mình, để giúp đỡ thật nhiều học sinh nghèo hơn nữa" - bà Lành cảm động.
Chỉ biết làm hết mình
Ông Hoàng Văn Điều - Bí thư Chi bộ khu phố 4, phường 9, quận Phú Nhuận, TP HCM - có 27 năm làm tổ trưởng tổ dân phố, 19 năm làm bí thư chi bộ khu phố. Ông là gương sáng phố phường, điển hình về học tập Bác.
Ông Điều sinh năm 1936 ở Hưng Yên, tham gia kháng chiến năm 1953. Đến năm 1990, ông nghỉ hưu và vào TP HCM sinh sống. Từ năm 1991 đến nay, ông Điều trải qua nhiều cương vị khác nhau như tổ trưởng tổ dân phố, chi hội trưởng hội cựu chiến binh, hội người cao tuổi, ban truyền thống kháng chiến, hội chữ thập đỏ, bí thư chi bộ... Có những thời điểm thiếu người, ông phải đảm nhiệm đến 6 cương vị khác nhau.
Theo Đảng ủy phường 9, điều đáng trân trọng hơn cả là ông Điều luôn hoàn thành tốt tất cả công việc được giao. 118 bằng khen, giấy khen, giấy chứng nhận, kỷ niệm chương… của các cấp từ trung ương đến địa phương là minh chứng sinh động nhất. Nhiều thành tích như vậy nhưng lúc nào ông cũng khiêm tốn, tôn trọng tập thể, tôn trọng mọi người. Giờ tuy tuổi đã cao nhưng sự nhiệt huyết vẫn không ngừng sục sôi trong ông.
Ông Hoàng Văn Điều, người cựu chiến binh tận tụy
Ông Điều không giấu được vẻ tự hào khi nói mình may mắn được gặp Bác Hồ hai lần. "Lần đầu là khi Bác Hồ về Hưng Yên năm 1956. Lần hai là khi Bác Hồ về thăm trường công an vũ trang. Hai lần được trực tiếp nghe Bác nói chuyện, tôi càng kính phục Người, càng thấm tinh thần phục vụ, tận tụy cho nhân dân, Tổ quốc" - ông Điều bày tỏ.
Lời Bác dạy đảng viên thì phải gương mẫu đi đầu, khi làm việc gì phải tận tụy, hết sức đã thấm nhuần trong ông. Việc học Bác của ông Điều không ở đâu xa mà hiện hữu trong chính cuộc sống, công việc hằng ngày. Trước đây, tổ 51 thuộc khu phố 4, phường 9, quận Phú Nhuận là địa bàn phức tạp, nạn trộm cắp xảy ra nhiều. Ông Điều đã kết hợp với công an khu vực rà soát việc chấp hành khai báo cho cả người thuê và cho thuê nhà nhằm sàng lọc đối tượng tình nghi, song song đó là vận động người dân nâng cao ý thức phòng chống kẻ gian. Ông thường xuyên nhắc nhở, lồng ghép tuyên truyền trong các buổi họp tổ và cung cấp số điện thoại đường dây nóng để người dân phối hợp bắt trộm. Nhờ vậy, số vụ mất trộm ở địa bàn giảm đáng kể.
Nhận xét về người đồng chí của mình, ông Lê Dân, cán bộ hưu trí khu phố 4, chia sẻ: "Công bằng mà nói, việc hoàn thành nhiệm vụ là công sức, ý thức trách nhiệm và đóng góp của tập thể. Thế nhưng, nếu tổ dân phố 51, chi bộ khu phố 4 không có người lãnh đạo tận tụy, nhiệt tình như ông Điều thì cũng khó có được những thành tích đó".
Bà Nguyễn Thị Lành cho biết bà rất hạnh phúc khi nhận được sự tin tưởng của nhiều nhà hảo tâm, mạnh thường quân sẵn sàng chung tay giúp sức để lo cho trẻ em nghèo. Bà Lành đang giúp cho 20 em học cấp 2 và 5 em học cấp 3 từ những tấm lòng thơm thảo này.
Bình luận (0)