Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM đã cấm các loại xe dừng đón, trả khách trên một số tuyến đường ở trung tâm TP. Thế nhưng, hiện nay, nhiều hãng xe vẫn bất chấp, bỏ bến ra ngoài để chạy lòng vòng đón khách, lập bến tạm trên nhiều tuyến đường.
Bỏ bến ra ngoài
Tại đại lộ Đông Tây, mặc dù Sở GTVT đã cắm biển cấm các loại xe khách dừng, đỗ, đón, trả khách song nhiều hãng xe như Phương Trang, Toàn Thắng, Hoa Mai vẫn ngang nhiên hoạt động. Nhiều hãng còn cho xe vào một số tuyến đường hẻm để “án ngự” chờ nhà xe gọi ra đón khách.
Ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động vào sáng 22-5 cho thấy tại khu vực gần hầm Thủ Thiêm (quận 2), các hãng xe đã lập bến ở đây để đón khách rất nhộn nhịp. Do các hãng xe đón khách ở đây nên đã hình thành một đội ngũ xe ôm dày đặc, rất bát nháo. Bến này hoạt động suốt ngày từ vài tháng qua. Đặc biệt, cách đó không xa, gần chân cầu Cá Trê 1, hãng xe Toàn Thắng còn lập một bến xe dù để cho xe đậu chờ khi có khách ở ngoài bến gần chân hầm Thủ Thiêm thì cho xe ra đón. Nhiều chủ xe cho biết nguyên nhân là do vào bến chính rất bất tiện, phải có giờ giấc, lộ trình trong khi đậu ngoài này dễ hơn. Mặt khác, “thượng đế” cũng không chịu vào bến chính nên nhà xe phải chiều theo.
Trong khi đó, theo đánh giá của Tổng Công ty Cơ khí GTVT Sài Gòn (Samco), đơn vị chủ quản Bến xe Miền Đông và Bến xe Miền Tây, hiện nay, năng lực phục vụ tại các bến đều thừa. Dẫn chứng cụ thể là vào dịp Tết Nguyên đán Bính Thân, dù lượng khách tăng lên đột biến so với ngày thường nhưng bến vẫn đáp ứng đủ. Điều này có nghĩa so với những năm trước đây thì hiện nay, lượng hành khách và các doanh nghiệp vận tải đưa xe vào các bến đã giảm mạnh.
Theo đại diện Bến xe Miền Đông, bến có khoảng hơn 3.000 xe chở khách liên tỉnh, giảm hơn 1.000 xe so với năm 2010, kéo theo lượng hành khách cũng giảm. Bình quân, chỉ còn khoảng 20.000 hành khách/ngày, giảm khoảng 5% so với những năm trước. Lý do: Một số doanh nghiệp vận tải rút xe ra khỏi bến để hoạt động nơi khác. Trong đó, giảm mạnh nhất là các tuyến đi khu vực Tây Nguyên và các tỉnh miền Trung như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Lâm Đồng...
Ngoài ra, một số hãng xe lớn trên địa bàn TP như Phương Trang, Thành Bưởi... cũng đã lần lượt rút xe ra khỏi bến, để lại một số lượng rất ít chạy cầm chừng. Hiện nay, các tuyến đường như Võ Văn Kiệt, Trần Não hay xa lộ Hà Nội đã trở thành các bến tạm cho các hãng xe. Trong khi đó, các doanh nghiệp như Hoa Mai, Toàn Thắng ngang nhiên mở điểm đón khách trên Quốc lộ 1, xa lộ Hà Nội và một số tuyến đường, làm giảm lượng khách đến Bến xe Miền Đông, Miền Tây.
Ông Trần Văn Phương, Phó Tổng Giám đốc Bến xe Miền Tây, cho biết các doanh nghiệp chạy tuyến về khu vực miền Tây thời gian gần đây cũng cho một lượng xe lớn không vào bến mà đón dọc đường ở các khu vực đông người như bệnh viện, trường học, chợ hay các khu vui chơi, giải trí nên phần nào hạn chế lượng khách vào bến.
Theo chủ các nhà xe, việc vào bến, ngoài các khoản phí ra thì nhà xe nhiều khi còn bị làm khó đủ bề. Đó là chưa nói đến việc tranh giành khách giữa các hãng, có ông này, ông nọ... nên họ rất ngại vào bến. Bằng chứng là nhiều xe vào bến rồi chạy ra với lượng khách rất ít nên tìm cách đón khách.
Xây dựng thêm hàng chục bến xe
Theo quy hoạch đến năm 2020, TP HCM sẽ xây dựng hàng chục bến xe các loại. Bên cạnh đó, sắp xếp lại toàn bộ hệ thống các điểm, bến, bãi đỗ xe cho phù hợp và bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Theo đó, diện tích đất của các bến xe cũ khi di chuyển phải giữ lại làm điểm trung chuyển, điểm đầu cuối xe buýt và giữ lại một phần diện tích xây dựng bến bãi...
Tổng diện tích đất cho bến bãi khoảng 1.146 ha. Cụ thể: TP sẽ cải tạo, xây dựng, chuyển công năng bến bãi để hình thành 7 bến xe khách liên tỉnh với diện tích khoảng 79 ha. Bố trí 22 bến xe buýt, gồm 11 bến xe buýt chính và 11 bến xe buýt khu vực với diện tích khoảng 30 ha. Quy hoạch 20 bến ô tô hàng hóa ở cửa ngõ ra vào nội đô và trên đường Vành đai 2 phục vụ tập kết hàng hóa. Cải tạo, xây dựng mới 3 bến hàng hóa, diện tích 130 ha. TP cũng sẽ cải tạo xây dựng 17 bãi kỹ thuật cho xe buýt với diện tích khoảng 51 ha. Bố trí 15 bãi đậu taxi với diện tích khoảng 31 ha. Quy hoạch 42 bãi đỗ ô tô với diện tích khoảng 520 ha cho xe tải và xe con. Ưu tiên bố trí các bãi đỗ ô tô dọc theo đường Vành đai 2, tại các vị trí ra vào nội đô, tổng diện tích khoảng 602 ha.
Theo TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông, về lâu dài, TP nên quy hoạch bến bãi một cách hợp lý để kích thích người dân đi các phượng tiện công cộng; vào các bến bãi một cách thuận tiện để tiến tới xóa bỏ xe dù, bến cóc. Đại diện Sở GTVT cho biết theo quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ, đơn vị này đang làm việc với các địa phương để xác định cụ thể ranh giới, địa điểm thực hiện.
Trong các bến nói trên, hiện chỉ có Bến xe Miền Đông, Bến xe Miền Tây và Bến xe Đa Phước đã xác định rõ vị trí. Đây là bài toán căn cơ nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng xe dù, bến cóc, lập lại trật tự công cộng và hạn chế xe cá nhân. Và, trước đây cơ quan chức năng TP đã hứa lập lại trật tự bến bãi, các điểm dừng, đỗ, đón, trả khách thì nay phải làm quyết liệt, không nên “đánh trống bỏ dùi”.
Chuẩn bị khởi công Bến xe Miền Đông
Samco đang đề xuất TP để nâng cấp Bến xe An Sương gấp 2 hoặc 3 lần so với hiện tại để đáp ứng nhu cầu của hành khách. Còn dự án Bến xe Miền Đông mới có diện tích hơn 160.000 m2 nằm ở TP HCM và tỉnh Bình Dương đang chuẩn bị khởi công, đáp ứng nhu cầu của hành khách và hoạt động dịch vụ của bến xe, là đầu mối vận chuyển hành khách đa hướng tuyến. Sau khi xây dựng, hành khách từ các tỉnh về đến bến xe này có thể lựa chọn các loại phương tiện công cộng, metro để vào trung tâm TP hoặc về các quận - huyện vùng ven cũng như có thể đi Bình Dương, Đồng Nai…
Bình luận (0)